Thursday, March 19, 2020


NHỮNG GIỌT NƯỚC MẮT PHA MÁU
 Ngô Quốc Sĩ
         
          Khóc cười là chuyện thường tình của người đời trong giòng sống buồn vui, sướng khổ, hạnh phúc hay bất hạnh rủi ro. Vui cười buồn khóc là lẽ dĩ nhiên. Nhưng cuộc đời thật trớ trêu ! Lắm lúc con người  phải dấu kín niềm đau bằng nụ cười miễn cưỡng, “trong héo ngoài tươi”, hay có khi lại phản ứng trái ngược “khi vui muốn khóc buồn tênh lại cười” hay “cười ra nước mắt”. Riêng tiếng khóc cũng được thể hiện qua nhiều sắc thái. Có khi khóc nức nở, nước mắt chan hòa. Có khi khóc thầm, nước mắt rưng rưng. Nhưng bi đát nhất là tiếng khóc không lệ, hay hơn nữa là tiếng khóc với những giọt lệ pha máu mà Cao Nguyên gọi một cách rất thơ là “giọt lệ hồng”.
          Cụm từ “giọt lệ hồng” thoạt tiên làm nhiều người lầm tưởng là giọt lệ vui lệ mừng khi mẹ nhìn con chào đời, khi tình nhân siết tay nhau hẹn thề, hay khi vợ thấy chồng chiến thắng trở về..Thế nhưng ở đây, giọt lệ hồng của Cao Nguyên là những giọt nước mắt pha máu, chảy ra từ tim, trào lên mắt, tuôn thành giòng sinh mệnh ngàn năm của dân tộc.
                   giọt lệ - hồng?
                   những giọt lệ pha máu
                   từ tim
                   chảy xuyên qua mắt
                   buốt đau theo giòng chảy
                   cay đắng suốt trăm năm
          Nếu hỏi tại sao những giọt nước mắt pha máu lại chan hòa sử Việt, thì nhà thơ thẳng thắn trả lời, là chỉ vì giòng sinh mệnh của dân tộc là kết tinh của khổ đau và uất hận, là máu tuôn giòng xương chất núi của các anh hùng liệt nữ đã hy sinh chống lại quyền lực qủy ám, quyết phế bỏ chủ trương hủy diệt con người nói chung và con người Việt Nam nói riêng, nhằm bảo vệ tiếng nói của lương tri và lẽ phải:
                   em biết
                   tại sao có giọt lệ hồng?
                   nó kết tụ bởi máu và nước mắt
                   từ những cái chết
                   vì muốn bảo vệ quê hương và đồng loại
                   vì muốn đối kháng với những quyền lực quỷ ám
                   vì muốn giữ lại lương tri trong nghiệt cay thù hận
          Trong giòng lịch sử ngàn năm chống lại quyền lực qủy ám, máu dân Việt đã đổ và xương đã rơi , và những giọt lệ hồng đó đã nở thành hoa, bao lần đưa dân tộc lên đài vinh quang. Giặc Tàu đã khiếp vía. Giặc Tây cũng tan tành. Nhưng hôm nay, những giọt lệ hồng đó lại đang tuôn chảy, tạo thành biển máu chan hòa oan khiên bất hạnh trên quê hương thống khổ và chết chóc, nơi đó có những người bạn đã phải kết liễu đời mình bằng một viên đạn, một liều thuốc độc hay một dây treo cổ oan nghiệt:
                   hôm nay
                    anh muốn viết
                   về một thời đã qua
                   đầy nước mắt và máu
                   của bạn mình
                   chết bởi
                   một viên đạn
                   một liều thuốc độc
                   một dây treo cổ..
          Không riêng gì bạn bè, mà chính những người ruột thịt cũng đã nằm xuống trong tức tưởi. Thịt xương của họ đã vun bón cho mảnh đất cha ông. Máu của họ là máu thánh, như những làn mưa đỏ au thấm xuống lòng đất mẹ chảy thành phù sa bồi bổ ruộng đồng:
                   chôn trong ký ức
                   từng dãy
                   từng hàng
                   xác của bạn anh
                   những người ruột thịt của anh
                   họ đã đứt ruột ra đi
                   họ đã chia thịt cho xứ sở
                   và máu họ trộn vào
                   không gian mưa lũ
                   đỏ au!
          Quê hương hôm nay là thế! Là máu và nước mắt, đúng như Dương Thu Hương, nhà văn bộ đội cộng sản miền Bắc đã mô tả là “vũng lầy trộn vàng của giai cấp thống trị với máu và nước mắt dân tộc bị trị”. Nhưng những gì Cao Nguyên nói ra hôm nay qua giọt lệ hồng chỉ là một phần rất nhỏ, bởi lẽ còn biết bao oan khiên của thời sử đen không thể nói ra, sợ rằng con tim yếu mềm không còn đủ sức chịu đựng những cơn đau quằn quại:
                   có thể anh sẽ viết cho em
                   hiểu thêm những điều gì đó
                   về những giọt lệ hồng
                   trong tháng Tư đen và trước nữa
                   mà cũng có thể là không
                   vì anh sợ mình không vượt khỏi
                   những lần tim chảy máu
          Nói ra hay không, thì cũng thế thôi, vì lịch sử đã ghi khắc tất cả những đau thương chất ngất đó. Hôm nay sử Việt đang bị bóp méo, nhưng một mai, khi sự thật được phục hồi và trả lại, thì sử Việt sẽ nguyền rủa bọn người vô tâm vô tính hôm nay. Giòng sinh mệnh dân tộc đầy máu lệ còn chảy mãi, không phải chỉ trong hồn tác giả, mà trong tất cả mọi người dân Việt, trong cả giòng sống và nỗi chết, nói chung trong cả cuộc đời, trong xuyên suốt lịch sử:
                   những giọt lệ hồng
                   mãi chảy
                   trong anh
                   trong đời bạn bè anh
                   trong giòng sống
                   trong giòng chết
          Giòng chảy oan khiên đó sẽ chảy mãi thành giòng sử đen, như vết chém mãi còn rỉ máu, như vành khăn tang mãi nức nở trên đầu con cháu Lạc Hồng. Giòng chảy oan khiên không bao giờ ngưng tụ, đóng băng, hóa đá hay cản ngăn bởi vô tri vô giác:
                   giọt lệ hồng không ngưng tụ
                   trong đá sỏi
                   trong giá băng
                   trong câm lặng
                   mà chảy xuyên suốt qua mọi rào cản
                   của vô tri
                   bất giác
          Tính cách bi đát của bài thơ đã lên cao tột đỉnh khi Cao Nguyên gọi những gì anh viết ra hôm nay là một đoạn trong bài điếu văn gửi bạn bè. Thì ra giọt lệ hồng là thơ biến dạng thành điếu văn. Nếu hỏi điếu văn viết cho ai, thì tác giả thẳng thắn trả lời, là tất cả những ai đã nằm xuống cho Tự Do, Bác Ái, Nhân Quyền. Không nói ra thì mọi người đều biết ai là thủ phạm đã giết chết tự do, thế lực nào đã chà đạp nhân quyền, và đâu là giàn thiêu, là cỗ máy giết người kết tụ những bàn tay đao phủ bất nhân với chủ trương diệt chủng “giết giết nữa bàn tay không ngưng nghỉ”. Như thế, điếu văn cho người nằm xuống cũng chính là bản cáo trạng nhắm vào lũ ma vương qủy đỏ đang đày đọa và hủy diệt dân tộc.
          Điểm đáng ghi nhận là qua những tâm cảm đau đớn với máu chảy ruột đứt, tác giả vẫn giữ thái độ bao dung với tinh thần nhân bản, đầy tình tự dân tộc. Thật vậy! Tội ác của lũ con hoang phản bội tổ tiên đã rành rành, nhưng Cao Nguyên đã nhắn nhủ mọi người không nên thù hận, mà chỉ tiếc thương cho người đã nằm xuống, và chia sẻ niềm đau với dân  tộc đang bị đọa đày:
                   em nhớ
                   không nặng lòng thù hận
                   mà nặng nỗi tiếc thương
                   những người đã hy sinh
                   cho quê hương
                   và gởi lời cảm xúc
                   đến những con tim
                   đang chảy
                   giọt lệ hồng

          Hơn thế nữa, tác giả còn dặn dò dân Việt đừng qúa bi quan vì thật ra đất nước tang thương nhưng không hẳn bi thảm, bởi lẽ bao người đã nằm xuống nhưng họ không bao giờ chết, đúng như Trần Thiện Thanh đã cảm nhận “Anh không chết đâu anh! Anh chỉ về với mẹ đêm qua”. Không những thế, những người đã nằm xuống cho quê hương chính là anh hùng chiếu sáng sử xanh, làm rạng danh Việt tộc với niềm hãnh diện muôn đời:              
                   em cũng nhớ
                   không có sự bi thảm
                   vì người anh hùng không chết
                   cho những cưu mang lừa dối
                   và lòng thương hại
          Không thù hận, không bi thảm, mà còn phải hãnh diện, bởi lẽ những người đã nằm xuống cho quê hương dân tộc là những con tim chân chính, những con người xứng đáng và những con người Việt Nam kiêu hùng:
                    và em nên nhớ
                   sự ra đi
                   chững chạc và dứt khóat
                   của những con người
                   có trái tim chân chính
                   xuyên qua
                   những giọt lệ hồng.
          Đừng vội kết luận Cao Nguyên cổ võ cho hòa giải hòa hợp khi kêu gọi bao dung quên hận bớt thù.  Là một chiến sĩ từng cấm súng, Cao Nguyên đã đổ máu cho quê hương dân tộc, rồi mãi còn tiếc thương những giọt máu oan uổng của bạn bè anh em đã nhỏ xuống lòng đất mẹ. Nhưng là một nhà thơ, Cao Nguyên cũng trải niềm tâm cảm đau thương nhưng đầy tình tự dân tộc tính nhân bản vào những vần điệu ray rứt. Đây thật là thơ, là tiếng lòng, là tiếng nức nở cuộc đời có máu và nước mắt. Cao Nguyên đã dệt thơ thành hoa tang, hòa thơ với gió hú làm điệu kèn và kết thơ thành áo quan, tiễn đưa anh linh Việt tộc vào lòng tổ quốc:
                   ta sẽ xé thơ ta nghìn triệu mảnh
                   rải giữa trời thay những cánh hoa tang
                   cuộn hết đêm đen làm chiếc áo quàn
                   mượn gió hú làm điệu kèn ai điếu
          Bi đát thật đó, nhưng cũng oai hùng lắm thay! Thơ sẽ hòa vào gió hú làm vang vọng tiếng nhạc xuất quân, làm “trống Tràng Thành lung lay bong nguyệt”. Cám ơn Cao Nguyên. Kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Việt tộc đang yên nghỉ trong lòng đất mẹ. Rồi máu sẽ nở thành hoa.  Giọt lệ hồng sẽ biến thành hạt kim cương lóng lánh..




No comments:

Post a Comment