Friday, March 27, 2020


CHIA SẺ TÌNH NGƯỜI
                        Mùa đại dịch Vũ Hán

Một bông hồng cho người nữ ý tá
Tay ngoan hiền xoa dịu những cơn đau
Hồn mở rộng đón nạn nhân xấu số
Đành chết thảm với khẩu trang nát nhầu

Một bông hồng cho những ông bác sĩ
Đem tài năng băng bó vết thương đời
Cấy hy vọng vào cõi lòng quặn thắt
Đành tức tưởi nhắm mắt không một lời

Một bông hồng cho những nhà khoa học
Tìm dược liệu tân tiến mong cứu người
Mở tay ôm nhân loại vào tim óc
Đành tủi hận ra đi trí rã rời

Một bông hồng cho những vị linh mục
Hy sinh bản thân chia sẻ tình người
Lời cầu kinh bên tai còn văng vẳng
Đành nghẹn ngào mãi xa khuất cõi đời

Một bông hồng cho nữ tu khả ái
Chốn tử sinh len lén gót thiên thần
Lời ủi an như lời ru mật ngọt
Đành lặng lẽ vẫy tay biệt tình trần

Một bông hồng cho con tim rộng mở
Lòng nhân ái trải giăng bốn phương trời
Tình đời tình người tháng năm nồng thắm
Nhân loại dìu nhau về cõi phúc ngàn khơi…
                        Ngô Đức Diễm


Wednesday, March 25, 2020


QUÊ HƯƠNG TÔI ĐÓ
QUA THƠ TRẦN THÚC VŨ
Ngô Quốc Sĩ

          Từ ngày miền Nam rơi vào tay cộng sản, dân Việt mãi ngậm ngùi tiếc nhớ những ngày vàng son khi Sài Gòn được thế giới gọi là “ Hòn ngọc Viễn Đông”. Bên thắng cuộc coi 30 tháng 4 năm 75 là ngày “giải phóng” trong khi dân Việt vẫn coi đó là ngày “mất nước”, bởi lẽ dù tên gọi Việt Nam còn đó, nhưng thực sự, đất nước đã lọt và tay bọn con hoang tha hóa phản bội, cam tâm làm Việt Gian bán nước cầu vinh. Từ đó, thi ca Việt thường đậm mầu bi đát như tiếng quốc vang vọng, thể hiện niềm tiếc thương và tủi hận, cũng như ước mơ một ngày mai quê hương thanh bình tươi sáng, tiêu biểu như Trần Thúc Vũ qua thi phẩm “Dựng Cõi”, đặc biệt là bài “Việt Nam quê hương thống khổ”
          Vào thơ, tác giả đã thốt lên một tiếng kêu như thể tiếng chuông báo tử nhằm đánh thức dân Việt trước hiện thực bi đát của quê hương đang chôn vùi bao thế hệ trong tối tăm và hận thù. Tác giả đã cảm thấy buốt nhức trước thực trạng một số người Việt sống thờ ơ, hầu như ngái ngủ và vô cảm trước hiện tình đất nước tang thương, dân tộc quằn quại trong địa ngục đỏ:   
                   Hãy thức dậy,
                   Hỡi trái tim Việt-nam!
                   Bao nhiêu tối tăm,
                   Đang bao trùm Đất Mẹ
                   Bao nhiêu năm hận thù,
                   Chôn vùi bao thế-hệ!
          Tác giả muốn đánh thức dân Việt để đối diện với những oan khiên đang đày đọa dân tộc trong  tủi hổ, điêu linh, hận thù và chia rẽ, do bọn người vỗ ngực tự hào là kẻ chiến thắng, rồi tìm cách trả thù bên thua cuộc, áp bức bóc lột, đẩy họ vào cuộc sống xác xơ, dù biết đó chính là anh em cùng một mẹ, cùng mang giòng máu Lạc Hồng:

                   Xương trắng máu đào - Nồi da xáo thịt,,
                   Ôi Việt-nam! Đã tận cùng khánh-kiệt,
                   Bao nhiêu năm bằng đó những cơ-hàn!
                   Bao nhiêu năm bằng đó những thương-tâm,
                   Bằng đó những điêu-linh, hận thù, chia rẽ..
           Không còn bút mực nào để diễn tả những bất hạnh chất ngất của dân tộc. Giang sơn gấm vóc, ruộng đồng phì nhiêu chuyên chở sức sống của dân tộc tù ngàn năm, nay biến thành sông máu, chan hòa uất hận và tủi nhục như thể vết thương không thể khâu vá:
                   Nỗi đau nhức của dân ta vô vàn khôn-xiết kể!
                   Năm mươi năm u-uẩn sớm mai hồng
                   Này núi, này sông, này ruộng, này đồng
                   Này vẫn đó, vết thương còn rỉ máu

          Tác giả không thể hiểu được tại sao những đứa con cùng một mẹ, cùng chia sẻ niềm đau đất nước, cùng một mối ưu tư về quê hương, mà cộng sản miền Bắc lại đành tâm chỉa súng vào anh em miền Nam với con mắt thù hận, quyết không đội trời chung:
                   Cùng một nỗi quặn đau,
                   Cùng một lòng trăn-trở
                   Mà cớ sao chia lẻ giống nòi chung!
                   Bôi mặt đành sao, thù-hận sao đành!
          Từ hiện thực đau buồn hôm nay, Trần Thúc Vũ đã mời dân Việt trở về với giòng sử oai hùng từ thời dựng nước, để nhớ lại tinh thần đoàn kết trăm họ Diên Hồng, để noi gương tiền nhân và hãnh diện với những chiến thắng oanh liệt, chiếu rạng sử xanh:
                   Hãy nhớ lại cùng nhau thuở Vua Hùng dựng nước
                   Bao chiến-công gom b
i một lòng son,
                   Những gian-nguy hun đúc chí kiêu-hùng
                   Trong nô-lệ chuyển lên thành bất-khuất!
                   Thân dẫu mất- Không bao giờ chịu nhục
                   Nước mới còn gấm vóc đến hôm nay
                Nhưng đau đớn thay! Càng mở lại trang sử oai hùng của tổ tiên, tác giả lại càng thấy nhức buốt và tủi thẹn, vì hôm nay, linh khí tiền nhân hình như đã mịt mờ xa khuất, thay bằng thái độ thờ ơ khiếp nhược và hận thù. Nếu ngày nào, Trần Dần “bước đi không thấy phố thấy nhà” vì bóng dáng quê hương đã chìm khuất trong mưa máu trên màu cờ đỏ, thì hôm nay, Trần Thúc Vũ lại phải đau lòng chứng kiến cảnh máu lệ nhuộm đỏ quê hương:
                   Lòng quặn thắt khi mở từng trang sử
                   Những Anh-hùng, Liệt-nữ của ta xưa,
                   Những Chiến-sĩ vô-danh từ thuở dựng cờ
                   Mà linh-khí giờ đây mịt mờ máu lệ!
          Hiện thực bi thảm. Qúa khứ nhạt mờ. Lịch sử đảo ngược. Giờ đây, Trần Thúc Vũ chỉ biết làm gã kéo chuông để làm vang vọng tiếng chuông lịch sử nhằm đánh thức toàn thể dân Việt thức dậy, noi gương cha ông, “lấy đại nghĩa để thắng hung tàn lấy chí nhân mà thay cường bạo”, tiếp nối con đường cứu nước và dựng nước:      
                   Hãy thức dậy- hỡi Việt-nam nứt rạn!
                   Đem yêu-thương xoa dịu những thương đau
                   Đem yên-vui thay thế những u-sầu
                   Đem nhựa sống cho thêm ngày lộc biếc
          Trong nỗ lực cứu nguy tổ quốc, dân Việt sẽ nắm tay nhau kề vai sát cánh, chung tim óc để cùng khâu và những đổ vỡ thương đau của qúa khứ. Hẳn nhiên, nợ phải đền, thù phải trả, nhưng với truyền thống bao dung và nhân ái, dân Việt sẽ mở rộng vòng tay để cổ võ đoàn kết, chung sức kết đoàn xây dựng tổ quốc, làm lại lịch sử:
                   Hãy lấp lại hố sâu của trùng trùng cách biệt
                   Hãy quên đi một thuở hận thù kia,
                   Tay chung tay đem Xuân thắm quay về
                   Gieo mạch sống trên khô cằn sỏi đá,

          Một khi dân Việt nắm tay nhau gieo mầm sống trên sỏi đá, thì lịch sử sẽ được viết lại. Những trang sử đen, đúng hơn là những trang sử máu sẽ được thay bằng những dòng chảy đầy tình người, có nắng ấm chan hòa, có hoa tươi có mướt. Đó chính là bình minh rạng rỡ trên quê hương đổi mới:
                   Chẻ núi khơi nguồn- tưng bừng hoa cỏ
                   Thổi tan đi sương bủa cõi Nam ta
                   Kéo mặt trời lên cho nắng ấm chan-hòa
                   Trên Đất Mẹ Việt-nam mịt mùng u tối

          Giấc mơ thanh bình của Trần Thúc Vũ không biết bao giờ sẽ thành hiện thực. Nhưng ngày vinh quang đó chắc chắn sẽ tới. Tin tưởng như thế nên tác giả đã thật sự cảm thấy thật vui, lòng đầy tin yêu, nắm tay dân Việt bước vào vận hội mới có tiếng chim ca, có hoa nở rộ như mùa xuân quê hương:
                   Gió chợt sớm,
                   Lòng chợt vui, lá hoa vồn vã gọi,
                   Chim tụ đàn ríu rít những hừng đông
                   Một giải non sông thoắt chợt dâng hồng

          Sống để mơ và mơ để sống. Đó là tất yếu của cuộc đời, cũng là tất yếu của Trần Thúc Vũ và của toàn thể dân Việt, luôn luôn vượt khỏi ràng buộc của qúa khứ và vướng bận với hiện tại để mơ về tương lai. Đó chính là ý nghĩa của sử tính trong triết học. Nói khác, dân Việt không chỉ sống với “sử ký” là chuỗi những biến cố chết như lá héo cành khô, mà thiết yếu sống với “lịch sử” như một giòng sống liên tục, tạo nên giòng sinh mệnh có máu hồng, có mồ hôi nước mắt , nhưng cũng chất chứa bao niềm hãnh diện và tự hào của dân tộc.
                   Bao u-uẩn đã trôi về quá-khứ,
                   Nắm chặt tay nhau viết mới từng trang sử
                   Lòng mở lòng- Mắt biếc gọi trời xanh...
                   Ngời sáng những tin yêu,
                   Quét sạch oán hờn
                   Vận-hội mới thênh thang giữa lòng dân-tộc!

          Thế đó! Anh Trần Thúc Vũ đã dừng lại, nhưng giòng sinh mệnh dân tộc còn chảy mãi như giòng sữa Âu Cơ, nguồn yêu thương  bất tận…





Friday, March 20, 2020


MỘT KIẾP TỬ SINH
                     Mùa dịch Vũ Hán
Phố vắng không bóng người
Trường im tiếng đùa vui
Thánh đường ngưng tiếng hát
Nụ cười tắt trên môi

Người đi như lá rụng
Mộng vỡ theo sao rơi
Cuộc đời ôi! Hoang phế
Hồng thủy ngập nơi nơi

Ai nỡ gieo tang tóc
Oan khiên ngập trời mây
Cõi người chìm đáy vực
Tiếng khóc vọng ngàn cây

Địa đàng thôi cửa khép
Đào nguyên tít trùng xa
Lệ đời sâu đáy mắt
Bến hẹn khuất trăng tà

Lời cầu kinh thảm thiết
Chuông sám hối xé lòng
Tội đời gây chướng nghiệp
Tội người pha máu hồng

Tử sinh đành một kiếp
Quán trọ về nhà cha
Trên lưng đời tĩnh tọa
An nhiên dưới cội hoa
                   Ngô Đức Diễm



Thursday, March 19, 2020


NHỮNG GIỌT NƯỚC MẮT PHA MÁU
 Ngô Quốc Sĩ
         
          Khóc cười là chuyện thường tình của người đời trong giòng sống buồn vui, sướng khổ, hạnh phúc hay bất hạnh rủi ro. Vui cười buồn khóc là lẽ dĩ nhiên. Nhưng cuộc đời thật trớ trêu ! Lắm lúc con người  phải dấu kín niềm đau bằng nụ cười miễn cưỡng, “trong héo ngoài tươi”, hay có khi lại phản ứng trái ngược “khi vui muốn khóc buồn tênh lại cười” hay “cười ra nước mắt”. Riêng tiếng khóc cũng được thể hiện qua nhiều sắc thái. Có khi khóc nức nở, nước mắt chan hòa. Có khi khóc thầm, nước mắt rưng rưng. Nhưng bi đát nhất là tiếng khóc không lệ, hay hơn nữa là tiếng khóc với những giọt lệ pha máu mà Cao Nguyên gọi một cách rất thơ là “giọt lệ hồng”.
          Cụm từ “giọt lệ hồng” thoạt tiên làm nhiều người lầm tưởng là giọt lệ vui lệ mừng khi mẹ nhìn con chào đời, khi tình nhân siết tay nhau hẹn thề, hay khi vợ thấy chồng chiến thắng trở về..Thế nhưng ở đây, giọt lệ hồng của Cao Nguyên là những giọt nước mắt pha máu, chảy ra từ tim, trào lên mắt, tuôn thành giòng sinh mệnh ngàn năm của dân tộc.
                   giọt lệ - hồng?
                   những giọt lệ pha máu
                   từ tim
                   chảy xuyên qua mắt
                   buốt đau theo giòng chảy
                   cay đắng suốt trăm năm
          Nếu hỏi tại sao những giọt nước mắt pha máu lại chan hòa sử Việt, thì nhà thơ thẳng thắn trả lời, là chỉ vì giòng sinh mệnh của dân tộc là kết tinh của khổ đau và uất hận, là máu tuôn giòng xương chất núi của các anh hùng liệt nữ đã hy sinh chống lại quyền lực qủy ám, quyết phế bỏ chủ trương hủy diệt con người nói chung và con người Việt Nam nói riêng, nhằm bảo vệ tiếng nói của lương tri và lẽ phải:
                   em biết
                   tại sao có giọt lệ hồng?
                   nó kết tụ bởi máu và nước mắt
                   từ những cái chết
                   vì muốn bảo vệ quê hương và đồng loại
                   vì muốn đối kháng với những quyền lực quỷ ám
                   vì muốn giữ lại lương tri trong nghiệt cay thù hận
          Trong giòng lịch sử ngàn năm chống lại quyền lực qủy ám, máu dân Việt đã đổ và xương đã rơi , và những giọt lệ hồng đó đã nở thành hoa, bao lần đưa dân tộc lên đài vinh quang. Giặc Tàu đã khiếp vía. Giặc Tây cũng tan tành. Nhưng hôm nay, những giọt lệ hồng đó lại đang tuôn chảy, tạo thành biển máu chan hòa oan khiên bất hạnh trên quê hương thống khổ và chết chóc, nơi đó có những người bạn đã phải kết liễu đời mình bằng một viên đạn, một liều thuốc độc hay một dây treo cổ oan nghiệt:
                   hôm nay
                    anh muốn viết
                   về một thời đã qua
                   đầy nước mắt và máu
                   của bạn mình
                   chết bởi
                   một viên đạn
                   một liều thuốc độc
                   một dây treo cổ..
          Không riêng gì bạn bè, mà chính những người ruột thịt cũng đã nằm xuống trong tức tưởi. Thịt xương của họ đã vun bón cho mảnh đất cha ông. Máu của họ là máu thánh, như những làn mưa đỏ au thấm xuống lòng đất mẹ chảy thành phù sa bồi bổ ruộng đồng:
                   chôn trong ký ức
                   từng dãy
                   từng hàng
                   xác của bạn anh
                   những người ruột thịt của anh
                   họ đã đứt ruột ra đi
                   họ đã chia thịt cho xứ sở
                   và máu họ trộn vào
                   không gian mưa lũ
                   đỏ au!
          Quê hương hôm nay là thế! Là máu và nước mắt, đúng như Dương Thu Hương, nhà văn bộ đội cộng sản miền Bắc đã mô tả là “vũng lầy trộn vàng của giai cấp thống trị với máu và nước mắt dân tộc bị trị”. Nhưng những gì Cao Nguyên nói ra hôm nay qua giọt lệ hồng chỉ là một phần rất nhỏ, bởi lẽ còn biết bao oan khiên của thời sử đen không thể nói ra, sợ rằng con tim yếu mềm không còn đủ sức chịu đựng những cơn đau quằn quại:
                   có thể anh sẽ viết cho em
                   hiểu thêm những điều gì đó
                   về những giọt lệ hồng
                   trong tháng Tư đen và trước nữa
                   mà cũng có thể là không
                   vì anh sợ mình không vượt khỏi
                   những lần tim chảy máu
          Nói ra hay không, thì cũng thế thôi, vì lịch sử đã ghi khắc tất cả những đau thương chất ngất đó. Hôm nay sử Việt đang bị bóp méo, nhưng một mai, khi sự thật được phục hồi và trả lại, thì sử Việt sẽ nguyền rủa bọn người vô tâm vô tính hôm nay. Giòng sinh mệnh dân tộc đầy máu lệ còn chảy mãi, không phải chỉ trong hồn tác giả, mà trong tất cả mọi người dân Việt, trong cả giòng sống và nỗi chết, nói chung trong cả cuộc đời, trong xuyên suốt lịch sử:
                   những giọt lệ hồng
                   mãi chảy
                   trong anh
                   trong đời bạn bè anh
                   trong giòng sống
                   trong giòng chết
          Giòng chảy oan khiên đó sẽ chảy mãi thành giòng sử đen, như vết chém mãi còn rỉ máu, như vành khăn tang mãi nức nở trên đầu con cháu Lạc Hồng. Giòng chảy oan khiên không bao giờ ngưng tụ, đóng băng, hóa đá hay cản ngăn bởi vô tri vô giác:
                   giọt lệ hồng không ngưng tụ
                   trong đá sỏi
                   trong giá băng
                   trong câm lặng
                   mà chảy xuyên suốt qua mọi rào cản
                   của vô tri
                   bất giác
          Tính cách bi đát của bài thơ đã lên cao tột đỉnh khi Cao Nguyên gọi những gì anh viết ra hôm nay là một đoạn trong bài điếu văn gửi bạn bè. Thì ra giọt lệ hồng là thơ biến dạng thành điếu văn. Nếu hỏi điếu văn viết cho ai, thì tác giả thẳng thắn trả lời, là tất cả những ai đã nằm xuống cho Tự Do, Bác Ái, Nhân Quyền. Không nói ra thì mọi người đều biết ai là thủ phạm đã giết chết tự do, thế lực nào đã chà đạp nhân quyền, và đâu là giàn thiêu, là cỗ máy giết người kết tụ những bàn tay đao phủ bất nhân với chủ trương diệt chủng “giết giết nữa bàn tay không ngưng nghỉ”. Như thế, điếu văn cho người nằm xuống cũng chính là bản cáo trạng nhắm vào lũ ma vương qủy đỏ đang đày đọa và hủy diệt dân tộc.
          Điểm đáng ghi nhận là qua những tâm cảm đau đớn với máu chảy ruột đứt, tác giả vẫn giữ thái độ bao dung với tinh thần nhân bản, đầy tình tự dân tộc. Thật vậy! Tội ác của lũ con hoang phản bội tổ tiên đã rành rành, nhưng Cao Nguyên đã nhắn nhủ mọi người không nên thù hận, mà chỉ tiếc thương cho người đã nằm xuống, và chia sẻ niềm đau với dân  tộc đang bị đọa đày:
                   em nhớ
                   không nặng lòng thù hận
                   mà nặng nỗi tiếc thương
                   những người đã hy sinh
                   cho quê hương
                   và gởi lời cảm xúc
                   đến những con tim
                   đang chảy
                   giọt lệ hồng

          Hơn thế nữa, tác giả còn dặn dò dân Việt đừng qúa bi quan vì thật ra đất nước tang thương nhưng không hẳn bi thảm, bởi lẽ bao người đã nằm xuống nhưng họ không bao giờ chết, đúng như Trần Thiện Thanh đã cảm nhận “Anh không chết đâu anh! Anh chỉ về với mẹ đêm qua”. Không những thế, những người đã nằm xuống cho quê hương chính là anh hùng chiếu sáng sử xanh, làm rạng danh Việt tộc với niềm hãnh diện muôn đời:              
                   em cũng nhớ
                   không có sự bi thảm
                   vì người anh hùng không chết
                   cho những cưu mang lừa dối
                   và lòng thương hại
          Không thù hận, không bi thảm, mà còn phải hãnh diện, bởi lẽ những người đã nằm xuống cho quê hương dân tộc là những con tim chân chính, những con người xứng đáng và những con người Việt Nam kiêu hùng:
                    và em nên nhớ
                   sự ra đi
                   chững chạc và dứt khóat
                   của những con người
                   có trái tim chân chính
                   xuyên qua
                   những giọt lệ hồng.
          Đừng vội kết luận Cao Nguyên cổ võ cho hòa giải hòa hợp khi kêu gọi bao dung quên hận bớt thù.  Là một chiến sĩ từng cấm súng, Cao Nguyên đã đổ máu cho quê hương dân tộc, rồi mãi còn tiếc thương những giọt máu oan uổng của bạn bè anh em đã nhỏ xuống lòng đất mẹ. Nhưng là một nhà thơ, Cao Nguyên cũng trải niềm tâm cảm đau thương nhưng đầy tình tự dân tộc tính nhân bản vào những vần điệu ray rứt. Đây thật là thơ, là tiếng lòng, là tiếng nức nở cuộc đời có máu và nước mắt. Cao Nguyên đã dệt thơ thành hoa tang, hòa thơ với gió hú làm điệu kèn và kết thơ thành áo quan, tiễn đưa anh linh Việt tộc vào lòng tổ quốc:
                   ta sẽ xé thơ ta nghìn triệu mảnh
                   rải giữa trời thay những cánh hoa tang
                   cuộn hết đêm đen làm chiếc áo quàn
                   mượn gió hú làm điệu kèn ai điếu
          Bi đát thật đó, nhưng cũng oai hùng lắm thay! Thơ sẽ hòa vào gió hú làm vang vọng tiếng nhạc xuất quân, làm “trống Tràng Thành lung lay bong nguyệt”. Cám ơn Cao Nguyên. Kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Việt tộc đang yên nghỉ trong lòng đất mẹ. Rồi máu sẽ nở thành hoa.  Giọt lệ hồng sẽ biến thành hạt kim cương lóng lánh..




Tuesday, March 17, 2020


NGƯỜI EM GÁI VŨ HÁN

Corona, tên em nguyên thủy
Người em gái Vũ Hán da vàng
Chào đời trên giải lụa Trường An
Bọc tã mềm che vũ khí sinh học

Em không mẹ không cha
Không người thân kẻ thuộc
Khai sinh do bàn tay bạch tuộc đen ngòm
Trăm vòi cuốn nuốt thế giới văn minh
Xây mộng con trời trên ngai hoàng đế

Họ bảo em đi
Khắp nẻo đường trần  thế
Chào mời Iran, Nam Hàn, Ý với Cờ Hoa…
Bước em nhẹ như hơi gió chiều thu
Mà bao người lịm dần dưới gót
Không kiếm nhọn dao sắc
Không đạn bom mịt mù
Không thỏ thẻ lời ru
Không điệu ca mật ngọt
Người người nối đuôi tức tưởi rụng rơi  

Bỗng nhiên
Chân em thấm mỏi
Hồn em tả tơi
Ngậm ngùi trở về “trung tâm thế giới”
Nơi em lần đầu mở mắt nhìn đời
Ngờ đâu!
Bốn bề thảm thê ngơ ngác
Thần trí nghẹn ngào chơi vơi
Những tưởng về lại quê nhà nẻo thuộc
Nào hay tất cả trở thành sa mạc hoang vu
Phố phường hoang vắng khói sương mịt mù
Thây người ngổn ngang tanh hôi xú khí
Than ôi!
Covid mười chín
Ác qủy nhập thân

Nước mắt lưng tròng
Em thầm tự nhủ
Ai nỡ dương cao bàn tay đao phủ
Ai nỡ ác tâm giết chết dân mình
Ai nỡ tái diễn những lò sát sinh
Tâm điểm nhân loại thành nôi ác thú
Giết người giết dân lòng còn chưa thỏa
Tiếng than nức nở xoáy động lòng trời
Mây trời tím ngắt lệ máu tuôn rơi
Tai họa giáng xuống ngập đầu tử tội

Bài học muôn đời “gieo gió gặt bão”
Em học thuộc lòng từ thuở chào đời
Nào hay vào tay dạ thú mặt người
Thành kẻ tử thù vết nhơ lịch sử
Em xin cúi đầu chấp tay nhận tội
Triệu triệu sinh linh bức tử vì em
Cô Rô Na tên gọi oan khiên
Nguyện xin trời đất thương tình giải thoát…

Chốn âm phủ trầm ngâm một phút
Cầu nhân loại khỏi nanh vuốt tử thần
                             Ngô Đức Diễm











Tuesday, March 10, 2020


NIỀM ƯỚC MƠ NGƯỢC ĐỜI MÀ CHÍNH ĐÁNG
Ngô Quốc Sĩ
         
          Trào phúng, nói lái, nói bóng gió hay nói lời hai ý, “ý tại ngôn ngoại” là những nét đặc trưng của văn chương Việt Nam. Trần Tế Xương với Tết Dán câu Đối, Nguyễn Công Trứ với Hàn Nho Phong Vị Phú, nhất là Hồ Xuân Hương với Bánh Trôi, Qủa Mít, Cái Quạt..là những nét bút tiêu biểu của văn chương châm biếm, mà đối tượng có thể là chính mình, bạn bè hay những nhân vật và những hiện tượng chướng tai gai mắt trong xã hội. Hôm nay, một ngòi bút mang tên Robert Lee, qua một bài thơ không tên cũng đã tiếp tục truyền thống châm biếm đó, với giọng điệu mới lạ, nhưng đầy tính cách mỉa mai cay đắng, nhắm vào chế độ cộng sản tại Việt Nam hiện thời.
                Số là khi Hoa Kỳ cho chiếc hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt cặp bến Đà Nẵng ngày 5 tháng 3, 2020 thực hiện chuyến viếng thăm Việt Nam trong khi Trung Quốc và thế giới đang đối phó với nạn dịch vi khuẫn Coronavirus, và cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị tổ chức Đại Hội 13, Robert Lee đã nhìn thấy đó như một dấu hiệu đáng mừng, và thẳng thắn bày tỏ những cảm nghĩ thật buồn cười. Thật vậy, bài thơ không tên của Robert Lee qủa thật xỏ xiên, phải đọc và hiểu phía sau ngôn ngữ, chẳng hạn “xâm lăng” chính là giải phóng, “xâm lược” chính là  cứu nguy, “kềm kẹp” chính là giải thoát, “lòng mặn đắng” chính là niềm phấn khởi vô bờ:
                   Anh lỗi hẹn cùng em về Đà Nẵng
                   Để tận nhìn bọn Mỹ - Ngụy xâm lăng
                   Em yêu ơi lòng này sao mặn đắng
                   Mỹ lại vào kìm kẹp khắp quê hương...?
                Tuy vui mừng thấy dấu hiệu “Mỹ Ngụy” trở về khi chiến hạm ghé bến, nhưng vẫn phập phồng lo âu, vì chưa dám tin “đế quốc” có thực tâm muốn “xâm lược” Việt Nam lần nữa để cứu nguy dân Việt hay không?           
                   Tới làm gì hỡi Hàng Không Mẫu Hạm ?
                   Để Việt Nam lần nữa được ấm no !
                   Việt Nam ơi ta giờ quá âu lo
                   Sợ bọn Mỹ éo thèm về xâm lược
                Ước mong Mỹ trở lại để phục hồi qúa khứ huy hoàng thuở nào không biết có chính đáng không, nhưng ít ra cũng nói lên niềm hy vọng trong tuyệt vọng như thể ánh sáng cuối đường hầm. Nhớ lại bốn mươi ba năm trước, từ ngày Mỹ ra đi, Việt Nam đã rơi vào bàn tay ác qủy, dân tộc lầm than, đất nước điêu linh, tự do rẫy chết! Đã thế, bọn con hoang đã nhẫn tâm đem gia tài của mẹ dâng hiến cho ngoại bang, nhận chìm  đất nước xuống vực thẳm:             
                   Bốn mươi ba năm từ ngày “giải phóng”
                   Biển khóc sầu dòng máu đỏ trào tuôn
                   Hải đảo xa vất vưởng những oan hồn
                   Rừng Tây Nguyên máu loang màu đỏ thắm
          Thật mỉa mai hết chỗ nói! Mong Mỹ trở lại “xâm lược” mà lại nói là “lo” cho thêm mỉa mai, thật ra đó chỉ là mơ ước để dân được ấm no, nhất là để tương lai Việt nam tươi sáng với trẻ thơ cắp sách tới trường hấp thụ nền giáo dục chân chính, để thành người hữu ích giúp nước giúp đời, đúng ý nghĩa “thụ nhân” của Quản Trọng mà Hồ Chí Minh đã chôm chỉa “trăm năm trồng người
                   Lo ngày sau trẻ con đều đi học
                   Lo sữa bơ sách vở được cho không
                   Lo thầy cô sẽ tận tụy hết lòng
                   Dạy trò ngoan nên người yên xã hội
          Mơ Mỹ về để tương lai Việt Nam tươi sáng, tác giả còn  mơ ước sự hỗ trợ của đồng minh  sẽ cải thiện tình trạng bi đát hiện tại, đưa đất nước trở lại thanh bình, chấm dứt những oan khiên thù hận do búa liềm cờ máu gây họa. Quê hương trở lại yên vui và đáng hãnh diện như hòn ngọc Viễn Đông ngày nào, với sáo gió vi vu rừng thiêng, với hồn thiêng sông núi ngủ yên, sẽ trở lại với dân Việt sau những ngày “giải phóng” tàn phá oan nghiệt:        
                   Chỉ một lần và một lần thôi nữa
                   Để muôn đời đất Mẹ mãi bình yên
                   Để hồn thiêng sông núi được ngủ yên
                   Trên cánh rừng thiêng vi vu sáo gió

          Trong giấc mơ thanh bình đó, dân Việt sẽ sống an vui với sông núi yên lành giang sơn gấm vóc, như giòng sông nhỏ dịu dàng chất đầy mộng mơ! Mẹ già không phải còng lưng  vất vả nuôi con nuôi cháu ngày đêm, nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ trưa yên lành:
                   Để làng thôn, phố phường, dòng sông nhỏ
                   Chảy dịu dàng thơm ngọt giấc mơ xưa
                   Để nội tôi được yên giấc ngủ trưa
                   Không bôn ba trên từng con phố nhỏ
                Trên quê hương thanh bình mơ ước đó, sẽ không còn trẻ thơ phải bán thân nuôi miệng, sẽ không còn những mẹ già lê la vỉa hè phố chợ, sống vất vưởng  như dân oan hôm nay.  Già trẻ đều mỉm cười với tương lai dưới mái hiên ấm cúng ấp ủ tình người:
                   Để mẹ tôi và từng đàn em nhỏ
                   Không lê la ngày tháng bán tương lai
                   Để ngoại tôi vui vẻ miếng trầu cay
                   Bên mái hiên mà không là góc phố
                Gia đình bình yên. Dân tộc hãnh diện. Tệ nạn xuất khẩu lao động hay làm dâu xứ người, nô lệ tình dục phải chấm dứt để gia đình sum họp yên vui, và thi thể mẹ Việt Nam khỏi bị cắt đứt chia lìa. Trăm con về quy tụ trong bọc mẹ, và Hoàng Sa Trường Sa trở về nối lại biển đảo ngày xưa:
                   Chị, anh tôi không cúi đầu tủi hổ
                   Bán thân mình bèo bọt xứ trời xa
                   Để biển xanh rộn rã tiếng reo ca
                   Hoàng - Truờng Sa yên bình ru sóng biếc
                Và cũng từ đó, dân Việt sẽ trở về cội nguồn, quy về một mối, không còn chia rẽ Bắc Nam, không còn kỳ thị kẻ thắng người thua, chỉ còn niềm hãnh diện của con cháu lạc Hồng kiêu hùng bất khuất. Bình minh sẽ nở rộ non sông và dân Việt sẽ cùng nhau vui hưởng tự do thanh bình:
                    Để quê hương các anh hùng hào kiệt
                   Còn nhớ tên mình dòng máu Lạc Hồng
                   Bình minh về nở rộ khắp non sông
                   Đời Tự Do thanh bình vui em hả ?!
                Không biết niềm mơ ước có biến thành hiện thực hay không, nhưng dù sao cũng đã nói lên lời cầu khẩn thiết tha của dân Việt trước thảm trạng hôm nay. Hẳn nhiên, con dân đất Việt, ai mà chẳng yêu quê hương, độc lập và chủ quyền dân tộc, ai mà chẳng ghi khắc lời dạy của tổ tiên, “không để một tấc đất lọt vào tay giặc.” Nhưng oái oăn thay! Hôm nay dân Việt đang bị cộng sản đày đọa, kề gươm vào cổ, mà chỉ mong ước lưỡi gươm cùn đi một chút, chậm đi một lát để thêm một vài hơi thở, như lời thổ lộ của Võ Thị Hảo! Trong tình cảnh nghiệt ngã đó, Robert Lee đã khẩn thiết cầu xin người Mỹ, từng là đồng minh, trở lại giải cứu Việt Nam. Hẳn nhiên như thế không khỏi mang tiếng vọng ngoại, nhưng biết làm sao đây, khi bộ máy chém giết còn hoành hành, khi chế độ đao phủ còn  siết cổ dân tộc? Chiếc thuyền Việt Nam đang chìm, chẳng lẽ dân Việt không được quyền bám vào chiếc phao cứu mạng sao? Thôi hãy biểu tỏ niềm cảm thông với tác giả, dám nói thay cho cả một dân tộc đang bị bạo lực khống chế, và đang mong một thế lực cứu tinh:       
                    Đế quốc ơi xin một lần nữa ác
                   Xin hãy kìm hãy kẹp nữa dân tôi
                   Để Việt Nam được chìm trong đêm tối
                   Dưới muôn vàng ánh sáng xứ cờ hoa
          Phải nói ngay rằng, thật khó mà tưởng tượng được tính cách bi đát của bản điếu văn, yêu nước thiết tha mà phải nài nỉ xin ngoại bang xâm lược để giải cứu Việt Nam khỏi cơn khổ nạn, để dân Việt được nhìn thấy tự do, bước đi trong vinh quang của thời xưa cũ:
                   Đế quốc ơi dân tôi thấm lắm
                   Xin một lần xâm lược nữa tôi đi
                   Một lần nữa để Việt Nam bước đi
                   Trên con đường vinh quang ngày xưa đó
          Thật mỉa mai cay đắng đến nghẹn lời, nhưng “gặp thời thế thế thời phải thế”. Không biết lời van xin có được đáp ứng hay không, nhưng cũng đã thể hiện được niềm ước mơ chính đáng của dân tộc, đang chìm ngập vũng lầy tăm tối, đang bị đày đọa địa ngục trần gian, ngẩng đầu lên chờ một chút khí thở, một tia sáng cứu rỗi như ánh nến Phục Sinh…