Thursday, February 6, 2020

TỔ QUỐC CHÌM ĐÁY VỰC
Ngô Quốc Sĩ

          Lịch sử dân tộc Việt trải dài trên máu lửa từ thời lập quốc đến cứu quốc và hưng quốc. Sau giặc Tàu đến giặc Tây và hôm nay là giặc cộng, tổ quốc Việt Nam đã trải qua bao nhiêu oan khiên bất hạnh, như thể bị lưu đày dưới vực thẳm, mà Nguyễn Chí Thiện gọi là Đồng Lầy, Dương Thu Hương gọi là Thiên Đường Mù và Vũ Thư Hiên gọi là Đêm Giữa Ban Ngày. Trần Thúc Vũ qua bài thơ Vực Tối, cũng  đã trải hết mối tâm cảm đầy tình tự dân tộc và tình yêu quê hương khổ đau đanh chìm dưới đáy vực với những vần điệu bi hùng làm lòng người quặn thắt..
          Vào thơ, Trần Thúc Vũ đã ngậm ngùi nhắc tới những năm dài tối tăm của quê hương dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Tuổi trẻ Việt Nam đã lướt đi trong  hờn tủi với những chiều lửa cháy, những đêm đông và những ngày hè, những sớm mai buồn thảm như thể nỗi chết không rời:
                   Gởi lại đó tám mươi năm hờn tủi
                   Tôi lớn lên theo những sớm mai buồn
                   Những ngày hè ngơ ngác, những đêm đông
                   Và tiếng thét vỡ toang chiều lửa cháy
          Trong dòng oan nghiệt đó, tiếng thét căm hờn bật lên thành ngọn lửa thú hận, và sức sống dân tộc đã bừng lên ngút ngàn với ý chí kiên cường, với những bàn chân sắt đá, những bàn tay ngang trời, quyết đập tan ách thống trị của thực dân, giải thoát dân tộc khỏi vòng nô lệ:

                   Kiêu dũng thay!
                   Những bàn chân đã chuyển
                   Những bàn tay quạt vỡ mật quân thù
                   Uất khí bừng sôi - bão táp, mưa sa
          Hùng khí dân tộc đã bừng lên như bão táp, như kình như khuấy nước, như ngọn roi Phù Đỗng, như tiếng sóng Bạch Đằng thuở dựng nước của cha ông. Từ trẻ thơ ngây đến cụ già trăm tuổi, một lòng một dạ quyết vùng lên theo tiếng gọi non sông:          
                   Từ bầy trẻ thơ ngây
                   Từ cụ già trăm tuổi
                   Tiến về đây trên những sớm mai hồng
                   Của Nhị-hà - của bát ngát Trường-sơn
                   Của Cửu-long, của Đồng-nai, Sông Mã…

                   Lửa hờn căm ngần ngật Thái Bình Dương…
          Đó chính là hào khí Diên Hồng. Đó chính là sức mạnh dân tộc đã đập tan giặc Tàu với ngàn năm đô hộ thuở nào, thì nay hào khí đó, sức mạnh đó lại bừng lên quyết  xóa tan bóng tối của 80 năm hờn tủi dưới gót thực dân:
                   Vùng trỗi dậy
                   Tám mươi năm hờn tủi
                   Tám mươi năm
                   Ba mươi ngàn đêm nhức nhối
                   Nhớ gì không?
                   Máu đã ngợp căm thù
                   Lửa uất bừng gan, ngơ ngác xương khô
          Hùng khí dân tộc đã chan hòa vào giòng máu của các anh hùng liệt sĩ tiêu biểu như Nguyễn Thái Học, Phạm Hồng Thái và bao chiến sĩ vô danh khác đã ngã xuống cho tổ quốc trường tồn và quê hương tươi thắm. Dù thân xác có rữa nát vài lòng đất, thì ý chí vẫn vươn cao như ngọn hải đăng hướng dẫn công cuộc đấu tranh thần thánh của dân tộc:
                   Những chí lớn vươn cao
                   Những thây người ngã xuống
                   Từ ba mươi, Nguyễn Thái Học kiêu hùng
                   Từ hai mươi lăm, Phạm Hồng Thái - Châu Giang
                   Khuya Yên Thế- Đêm Ba Đình chất ngất
   
          Chính sức mạnh dân tộc và xương máu anh hùng đã tạo thành cơn bão lửa giải thoát dân Việt khỏi ách đô hộ của thực dân. Bài học lịch sử đó mãi còn chiếu sáng trong lòng dân Việt, soi đường cho cuộc chiến đấu trường kỳ gian khổ từ xưa tới nay:
                   Những chớp giật Tây-nguyên,
                   Mưa ngàn Việt Bắc
                   Núi đá dựng những nghìn năm trở giấc
                   Mạch sống bừng lên như thác đổ xô nguồn
                   Linh khí non sông chất ngất trời Nam
                   Gom sức mạnh dân ta kết thành bão nổi
          Nhưng mỉa mai thay! Những chiến thắng oanh liệt của cha ông đã trở thành uổng phí, bởi lẽ vừa thoát khỏi ách đô hộ của thực dân thì  dân Việt lại bị lâm vào nanh vuốt và gông cùm của thế lực đỏ. Với Hiệp Định Geneve do Hà Nội và ngoại bang áp đặt, đất nước bị chia cắt, thi thể mẹ Việt Nam bị đứt lìa. Nếu hỏi lỗi tại ai, thì câu trả lời đơn giản, là tại bọn con hoang đã đem chủ thuyết cộng sản ngoại lai phản tiến hóa về nhuộm đỏ dân tộc. Chiến thắng thực dân thay vì đưa dân tộc tới vinh quang, lại là mầm mống của chia rẽ bất hạnh, gây bao oán hận và  đẩy dân tộc xuống vực thẳm:
                   Ôi! Chiến thắng của dân ta đã nhen mầm bất hạnh
                   Những phân lìa, chia cắt, xót xa đau!
                   Một giải non sông tan tác, dãi dầu
                   Với oán hận dựng lên giữa lòng Dân-tộc!
          Làm sao khỏi oán hận khi xương máu dân tộc đã bị lợi dụng để xây ngai vàng qủy đỏ! Độc lập giải phóng chỉ là chiêu bài lừa đảo nhằm tắm máu dân tộc.  Nhận thức như thế nên cả triệu người đã nghẹn ngào lìa bỏ quê hương miền Bắc vào Nam tìm đất sống. Giòng sông Danh, cầu Hiền Lương trở thành giải oan nghiệt làm đứt lìa bao người con thân yêu với cuống rún mẹ Âu Cơ:
                   Tám mươi vạn người đi
                   Vai gồng tay dắt
                    Xuôi về Nam mà nước mắt chan chan
                   Suốt tám mươi năm u uất nhục nhằn
                   Và lịch sử bốn nghìn năm quặn thắt
                   Linh khí núi sông đã tan thành nước mắt
                   Nước mắt nào cho đủ những thương tâm!
          Thế rồi, cuộc tương tranh đã kéo dài mấy chục năm chỉ vì mộng xâm lăng của miền Bắc, muốn thâu tóm miền Nam, nhận chìm cả nước xuống vực thẳm. Có người gọi cuộc chiến tranh Nam Bắc là cuộc nội chiến. Nói thế là vô tình hay hữu ý bóp méo lịch sử. Cuộc chiến tranh Việt Nam nhất định không phải là nội chiến, bởi lẽ miền Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, đã bị quân cộng sản miền Bắc xâm chiếm. Miền Nam chỉ đứng lên bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ, chống lại quân xâm lăng từ miền Bắc đã cam tâm làm lính đánh thuê cho cộng sản quốc tế, đúng như Lê Duẫn đã thú nhận. Như thế phải khẳng định cuộc chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh xâm lăng, do cộng sản quốc tế giàn dựng và ủy nhiệm. Cộng sản Việt Nam chỉ là công cụ, là lính đánh thuê của Nga Tàu. Trần Thúc Vũ đã tự hỏi tại sao Bắc Nam là anh em, mà miền Bắc đã nỡ gieo tai ương lên đầu dân tộc, cướp đi hạnh phúc của anh em cùng giòng máu?
                   Cùng một nỗi tả tơi
                   Cùng Anh Em tôi đấy!
                   Tôi đứng đó xòe tay
                   Che mặt trời bỏng cháy
                   Đường chỉ nào xui định mệnh oan khiên
          Hỏi thế thôi, nhưng chắc hẳn Trần Thúc Vũ đã biết ai là thủ phạm. Nhân Văn Giai Phẩm đã lột trần bộ mặt bất nhân của cộng sản “những người khổng lồ thiếu trái tim” đâu còn tình nguời, và Bùi Minh Quốc cũng  gọi chế độ độc ác đó là “giàn thiêu”, nung cháy anh em, hủy diệt dân tộc và các giá trị nhân bản. Cộng sản vẫn rêu rao rằng, tổ quốc Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Nhưng thực chất hoàn toàn trái ngược. Tổ quốc bị chắt chia. Dân tộc tan tác, đất nước điêu linh. Thi thể mẹ Việt Nam bị cứa nát chỉ vì tham vọng và tư thù:
                   Tổ-quốc chung -
                   Đỏ rực những thù riêng
                   Chỉ thấy quanh tôi nồng tanh giòng máu Việt!

                   Tôi bật khóc giữa tro tàn huyễn hoặc
                   Cho tôi xin một chút nắng mai vui
                   Một phút nhìn nhau - hương ấm môi cười
                   Và nhịp đập trái tim Ngày Dựng Nước
          Câu hỏi căn bản là dân Việt phải làm gì đây?  Theo Trần Thúc Vũ, trước hết phải khơi dậy lòng yêu nước và tình tự quê hương như chất keo gắn chặt dân tộc với đất tổ.  Nếu tim Việt còn đập và máu Việt còn nóng, thì quê hương dù đã bị cướp mất có thể dành lại một ngày không xa:
                    Tôi quỳ xuống hôn lên bờ cát ướt
                   Lắng trong tim dư vị của yêu thương
                   Rồi một thoáng mơ hồ cơn gió mát
                   Trả tôi về tình tự của Quê-hương!
          Một khi khơi dậy được tình tự quê hương, thì sức sống sẽ bừng khởi và hào khí lại bốc cao, thúc đẩy dân Việt đứng lên làm lịch sử. Lúc ấy, cơn bão lửa Nguyễn Chí Thiện tiên báo với “đất trời gió nổi” sẽ ứng nghiệm. Trần Thúc Vũ qua bài thơ Khởi Hành cũng loan báo giờ lịch sử đã điểm:
           Tổ quốc ơi sằp đến giờ khai vận
            Đứng dậy ta đi.Đã đến lúc lên đường
        Cuộc khyởi hành tiếp từ thuở hồng hoang
           Căng mạch sống của tin yêu
           Ta đi về phía trước..

          Dân Việt, trăm con một mẹ nắm tay nhau đi về phía trước. Đó là phía mắt trời mọc, phía qúa khứ huy hoàng và tương lai bừng sáng trên quê hương “minh châu trời đông”. Tuy anh Trần Thúc Vũ không còn may mắn được nối vòng tay dân tộc trong ngày chiến thắng, nhưng chắc hẳn nơi chín suối anh cũng cảm thấy hả dạ trước ngày hội lớn của dân tộc. Không còn vực tối. Không còn đêm ba mươi. Chỉ còn nguồn sáng lung linh trên trời Đông Á…

No comments:

Post a Comment