TÌNH NGHĨA SẮT SON
Ngô Quốc Sĩ
Người ta thường phân biệt tình yêu và hôn
nhân. Có người bảo có tình yêu thì không có hôn nhân, và ngược lại, có hôn nhân
thì không có tình yêu. Tú Minh một lần đã nhắn nhủ “ Ðừng là vợ là chồng. Rồi nhìn nhau chán ngán.Hãy cứ là tình nhân. Để tình ta mênh
mông”.
Nghĩ cho cùng, sự phân biệt giữa vợ chồng và người tình có phần hợp lý, bởi lẽ
tình yêu là tình cảm thuần túy gắn bó 2 con tim, còn vợ chồng kết chặt với nhau
không chỉ bằng tình cảm thuầy túy, mà còn bằng ràng buộc bổn phận. Nói khác, vợ
chồng gắn kết với nhau bằng cả tình lẫn nghĩa. Như thế, trong hôn nhân vẫn có
tình yêu, nhưng tình yêu đi vào thực tế đời sống như một chia sẻ đắng cay ngọt
bùi, vỗ về nâng đỡ nhau suốt cuộc hành trình “mình với ta tuy hai mà một” trong cõi người ta…
Ý nghĩa hôn nhân như một gắn bó tình
nghĩa đã được Nguyễn Trung Kiên diễn tả qua bài thơ “Đôi Dép” được phổ biến rộng rãi trên các diễn đàn và trở thành
quen thuộc trong các câu chuyện thường ngày giữa các cặp vợ chồng già trẻ cũng như
các đôi bạn trước ngưỡng cửa hôn nhân..
Phải nói ngay rằng, ví von sự chung
đôi gắn kết vợ chồng với đôi dép không thể rời nhau là một so sánh tuyệt hảo,
thể hiện được ý nghĩa sâu xa của hôn nhân như một nét đẹp tuyệt vời của nền văn
hóa Việt tộc. Thực vậy, đôi dép là vật dụng
tầm thường, chẳng có gì kiêu sa như giày cao gót nhọn da bóng. Nhưng chính cái
tầm thường đó lại nói lên tình nghĩa chân chất của vợ chồng với “một túp lều tranh hai qủa tim vàng” thuở
Tấm Cám. Đó là đời thực hồn nhiên đàng sau những hào nhoáng, son phấn của cuộc
đời giả tạo phồn hoa làm cho con người dễ hoa mắt hay bị mắc lừa. Đó còn thơ,
là tiếng thỏ thẻ phát ra tự đáy lòng, không cần trau chuốt khuôn sáo của một
thuở ngây thơ, khi cả anh và em còn là
hai đứa như thể “ngu và ngơ”:
Bài thơ đầu tiên anh viết tặng
em
Là bài thơ anh kể về đôi dép
Khi nỗi nhớ trong lòng da diết
Những vật tầm thường cũng viết thành thơ
Là bài thơ anh kể về đôi dép
Khi nỗi nhớ trong lòng da diết
Những vật tầm thường cũng viết thành thơ
Nét đẹp văn hóa đầy thơ
mộng ở đây là sự hồn nhiên và chất phác. Hai chiếc dép có bao giờ hẹn hò, mà tự
nhiên lại kết chặt vào nhau không thể chia lìa. Anh và em, cũng chẳng hò hẹn từ
kiếp trước, nhưng đã gặp nhau như một tình cờ, đúng hơn là do định mệnh, do duyên
trời, hay do phúc đức cha mẹ để lại. Hai
người cùng chung bước bên nhau, cùng ngược xuôi trên những gập ghềnh nhấp nhô
trong cõi nguời ta vẫn được mô tả là “lên voi xuống chó”, khi lấm
lem cát bụi, khi diễm kiều sang cả trên thảm nhung lụa là:
Hai chiếc dép kia gặp nhau tự
bao giờ
Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước
Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược
Lên thảm nhung, xuống cát bụi cùng nhau
Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước
Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược
Lên thảm nhung, xuống cát bụi cùng nhau
Không biết Nguyệt Lão
tinh khôn nhạy cảm đến đâu, nhưng một khi đã xe kết chỉ hồng, thì càng chung bước,
tình nghĩa vợ chồng càng đậm đà hơn, gắn bó hơn, bởi lẽ cả hai cùng chia sẻ những
bất hạnh và vinh nhục ở đời, cùng bị cuộc đời chà xát gặm mòn và người đời dẫm đạp
dưới gót hay nâng niu chiều chuộng tôn vinh. Trong lễ nghi hôn phối của người công
giáo, cô dâu và chú rể đã nắm tay nhau thề thốt: “Tôi … xin nhận làm chồng/
vợ và hứa chung thủy với … dù là trong lúc thịnh vượng hay gian nan, trong lúc ốm
đau cũng như mạnh khỏe. Tôi hứa sẽ yêu thương và tôn trọng … đến hết cuộc đời”. Cũng như đôi dép, vợ chồng ngang hàng không
có kẻ thấp
người cao, và càng cùng nhau trải
qua nhiều hoàn cảnh nghiệt ngã gian nan cũng như vinh quang hạnh phúc, thì càng
gắn bó với nhau hơn, bởi lẽ càng hiểu nhau, càng cần
nhau và lệ thuộc vào nhau nhiều hơn, nên không nỡ và không thể thay thế:
Cùng bước, cùng mòn, không kẻ
thấp người cao
Cùng chia sẻ sức người đời chà đạp
Dẫu vinh nhục không đi cùng kẻ khác
Số phận chiếc này phụ thuộc ở chiếc kia
Cùng chia sẻ sức người đời chà đạp
Dẫu vinh nhục không đi cùng kẻ khác
Số phận chiếc này phụ thuộc ở chiếc kia
Thế nhưng, cuộc đời vẫn
là một chuyển hóa đổi thay. Có cuộc tao ngộ nào chẳng có chia ly. Thế nên, vợ
chồng dù thề non hẹn biển và xe kết duyên thắm tình nồng, vẫn có lúc phải chia
tay, như thể đôi dép mất đi một chiếc. Chia tay vì hoàn cảnh, xa nhau vì lẽ tử
sinh, hay có khi rời nhau vì thời gian xói mòn, duyên kiếp lỡ làng! Khi phải
chia tay, lỡ đánh mất nhau, có người đã tìm chiếc dép khác để thay thế, tưởng rằng
có thể quên lối mòn để vui duyên mới. Nhưng với kinh nghiệm đôi dép, Nguyễn
Trung Kiên đã nhận thức được tính cách khập khễnh của mối chỉ mới. Không cần biết
mối chỉ mới có đẹp hơn hay xấu hơn, hay
trông có thể
rất giống
nhau, nhưng điều chắc chắn là không thể
cân xứng như xưa, và sẽ chẳng bao giờ đẹp đôi như thuở ấy. Có thể đây chỉ là cảm nghiệm cá nhân, nhưng không hẳn
là không hợp
tình hợp lý:
Nếu ngày nào một chiếc dép mất
đi
Mọi thay thế đều trở thành khập
khiễng
Giống nhau lắm nhưng người đi
sẽ biết
Hai chiếc này chẳng phải một
đôi đâu
Thế là dầu có thay đổi
cũng không thể thay thế, bởi lẽ mới cũ vẫn khác xa nhau, vẫn có ngăn cách, vẫn
mất thăng bằng, và tình xưa nghĩa cũ vẫn mãi canh cánh bên lòng, như mối tơ vương
vấn:
Cũng như mình trong những lúc
vắng nhau
Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía
Dẫu bên cạnh đã có người thay thế
Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh
Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía
Dẫu bên cạnh đã có người thay thế
Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh
Hẳn nhiên, duyên mới
không hẳn luôn luôn thiếu hạnh phúc. Nhiều người cũng đã vui vầy duyên mới khi
bước them bước nữa, làm lại cuộc đời Nhưng
theo Nguyễn Trung Kiên, hình như vẫn có
một chút gì trống vắng, mất mát, bởi lẽ như đôi dép vô tri mà vẫn sát cánh bên
nhau suốt đời, thì vợ chồng đã từng cùng nhau lên thác xuống ghềnh, chia sẻ ngọt
bùi, làm sao quên được tình cũ nghĩa xưa:
Đôi dép vô tri khăng khít
song hành
Chẳng thề nguyện mà không hề giả dối
Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội
Lối đi nào cũng có mặt cả đôi
Chẳng thề nguyện mà không hề giả dối
Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội
Lối đi nào cũng có mặt cả đôi
Từ cảm nghiệm về đôi dép như một suy tư triết lý, Nguyễn Trung Kiên, đúng
như cái tên của anh đã thể hiện, khẳng định
rằng, chỉ có tình nghĩa keo sơn thuở nào mới bền vững và kiến tạo hạnh phúc đích
thực, bởi lẽ đó là “lối đi chung”
của một đôi dép, dù bên phải bên trái cũng mãi sánh vai nhau trên một con đường,
không thể thiếu nhau trong cuộc hành trình trăm năm:
Không thể thiếu nhau trên bước đường đời
Dẫu mỗi chiếc ở một bên phải trái
Nhưng tôi yêu em ở những điều ngược lại
Gắn bó nhau vì một lối đi chung
Dẫu mỗi chiếc ở một bên phải trái
Nhưng tôi yêu em ở những điều ngược lại
Gắn bó nhau vì một lối đi chung
Một khi đã gắn bó với
nhau và nguyện đi chung hết đường đời, thì khi lỡ mất nhau, tất cả chỉ còn là
trống vắng, cô đơn. Thật vậy, hôn nhân đích thực là người nam người nữ trở nên một
xương một thịt, “Mình với ta tuy hai mà một”,
nên khi mất một là mất tất cả. Chỉ còn một chiếc dép thì tất cả thành vô nghĩa,
và chỉ còn vất bỏ đi cho xong, bởi lẽ đâu còn “Ta với mình tuy một mà hai”. Cũng
thế, vợ chồng mất nhau rồi, thế giới sẽ trở thành sa mạc hoang vu và cuộc đời như
thể dừng lại, chỉ còn là dư thừa hư không:
Hai mảnh đời thầm lặng bước
song song
Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
Chỉ còn một là không còn gì hết
Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia!.
Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
Chỉ còn một là không còn gì hết
Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia!.
Đẹp qúa! Tình nghĩa vợ chồng son sắt. Ước chi những ai coi gia đình là gánh nặng
và thậm chí đã coi hôn nhân là “bản án chung thân” sẽ cúi xuống hôn đôi
dép cũ mòn rồi cùng với Nguyễn Trung Kiên
đi vào nét đẹp tuyệt với của nền văn hoá Việt Nam và cùng ngâm nga câu ca dao đượm
tình dân tộc “Tay bưng chén muối dĩa gừng.Gừng
cay muối mặn ta đừng quên nhau..”
No comments:
Post a Comment