Thursday, February 27, 2020


PHẬN NGƯỜI TRO BỤI

Người là nắm tro tàn trong xó bếp
Ngậm ngùi tiếc nhớ ánh lửa than hồng
Phú qúy vinh hoa rong rêu rã nát
Rừng vàng biển bạc phút chốc tay không

Người là nắm đất vệ đường cỏ úa
Vấy bẩn chân người hoen lấm gót son
Đường đời ngược xuôi chất đầy sự nghiệp
Huy hoàng mấy thuở một bước tiêu vong

Người là hạt bụi lối mòn nẻo thuộc
Lăn lóc chà xát sáng nắng chiều mưa
Một thời xây mộng dã tràng xe cát
Một đời  hư huyễn hạnh phúc đong đưa

Người là cọng rác vỉa hè lạnh cóng
Mộng vàng vùi lấp dưới đáy lãng quên
Qúa khứ tương lai nhạt nhòa sương khói
Hiện tại phơ phất gót mỏi vô duyên

Người là bọt sóng biển đời trôi giạt
Thuyền không bến đỗ ai biết về đâu
Ngỡ đã buông neo nào hay dây đứt
Trôi phăng nửa kiếp tóc vướng chân cầu

Người là chiếc lá vàng trong cơn gió
Tuổi xuân vừa chớm đã vội vào thu
Đường trần nắng tắt chiều tàn sao rụng
Vành nôi tuổi ngọc tím đọng lời ru

Người là cánh hoa tàn theo cỏ úa
Vườn xuân cánh bướm ủ rũ duyên tình
Vương miện lung linh phủ vành tang trắng
Tiễn đưa nhan sắc về cõi u minh

Người là sợi tơ mây trời lơ lửng
Mong manh nỗi nhớ tình đời vấn vương
Bể dâu gót mỏi lưng đồi lê bước
Chân trời bến hẹn thấp thoáng quê hương

Phận người bụi tro phận mình tro bụi
Lầu vàng trên cát sóng cuộn bể khơi
Thế sự được thua cuộc cờ bí nước
Lưng đời tĩnh tọa thần trí chơi vơi…
                             Ngô Đức Diễm






Tuesday, February 18, 2020


TÌNH NGHĨA SẮT SON
Ngô Quốc Sĩ

          Người ta thường phân biệt tình yêu và hôn nhân. Có người bảo có tình yêu thì không có hôn nhân, và ngược lại, có hôn nhân thì không có tình yêu. Tú Minh một lần đã nhắn nhủ Ðừng là vợ là chồng. Rồi nhìn nhau chán ngán.Hãy cứ là tình nhân. Để tình ta mênh mông”. Nghĩ cho cùng, sự phân biệt giữa vợ chồng và người tình có phần hợp lý, bởi lẽ tình yêu là tình cảm thuần túy gắn bó 2 con tim, còn vợ chồng kết chặt với nhau không chỉ bằng tình cảm thuầy túy, mà còn bằng ràng buộc bổn phận. Nói khác, vợ chồng gắn kết với nhau bằng cả tình lẫn nghĩa. Như thế, trong hôn nhân vẫn có tình yêu, nhưng tình yêu đi vào thực tế đời sống như một chia sẻ đắng cay ngọt bùi, vỗ về nâng đỡ nhau suốt cuộc hành trình “mình với ta tuy hai mà một” trong cõi người ta…
          Ý nghĩa hôn nhân như một gắn bó tình nghĩa đã được Nguyễn Trung Kiên diễn tả qua bài thơ “Đôi Dép” được phổ biến rộng rãi trên các diễn đàn và trở thành quen thuộc trong các câu chuyện thường ngày giữa các cặp vợ chồng già trẻ cũng như các đôi bạn trước ngưỡng cửa hôn nhân..
          Phải nói ngay rằng, ví von sự chung đôi gắn kết vợ chồng với đôi dép không thể rời nhau là một so sánh tuyệt hảo, thể hiện được ý nghĩa sâu xa của hôn nhân như một nét đẹp tuyệt vời của nền văn hóa Việt tộc. Thực vậy, đôi dép là vật dụng tầm thường, chẳng có gì kiêu sa như giày cao gót nhọn da bóng. Nhưng chính cái tầm thường đó lại nói lên tình nghĩa chân chất của vợ chồng với “một túp lều tranh hai qủa tim vàng” thuở Tấm Cám. Đó là đời thực hồn nhiên đàng sau những hào nhoáng, son phấn của cuộc đời giả tạo phồn hoa làm cho con người dễ hoa mắt hay bị mắc lừa. Đó còn thơ, là tiếng thỏ thẻ phát ra tự đáy lòng, không cần trau chuốt khuôn sáo của một thuở ngây thơ, khi cả anh và em còn là  hai đứa như  thể “ngu và ngơ”:
                   Bài thơ đầu tiên anh viết tặng em
                   Là bài thơ anh kể về đôi dép
                   Khi nỗi nhớ trong lòng da diết
                   Những vật tầm thường cũng viết thành thơ
          Nét đẹp văn hóa đầy thơ mộng ở đây là sự hồn nhiên và chất phác. Hai chiếc dép có bao giờ hẹn hò, mà tự nhiên lại kết chặt vào nhau không thể chia lìa. Anh và em, cũng chẳng hò hẹn từ kiếp trước, nhưng đã gặp nhau như một tình cờ, đúng hơn là do định mệnh, do duyên trời,  hay do phúc đức cha mẹ để lại. Hai người  cùng chung bước bên nhau, cùng ngược xuôi trên những gập ghềnh nhấp nhô trong cõi nguời ta vẫn được mô tả là “lên voi xuống chó”, khi lấm lem cát bụi, khi diễm kiều sang cả trên thảm nhung lụa là:
                   Hai chiếc dép kia gặp nhau tự bao giờ
                   Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước
                   Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược
                   Lên thảm nhung, xuống cát bụi cùng nhau
          Không biết Nguyệt Lão tinh khôn nhạy cảm đến đâu, nhưng một khi đã xe kết chỉ hồng, thì càng chung bước, tình nghĩa vợ chồng càng đậm đà hơn, gắn bó hơn, bởi lẽ cả hai cùng chia sẻ những bất hạnh và vinh nhục ở đời, cùng bị cuộc đời chà xát gặm mòn và người đời dẫm đạp dưới gót hay nâng niu chiều chuộng tôn vinh. Trong lễ nghi hôn phối của người công giáo, cô dâu và chú rể đã nắm tay nhau thề thốt:  “Tôi … xin nhận làm chồng/ vợ và hứa chung thủy với … dù là trong lúc thịnh vượng hay gian nan, trong lúc ốm đau cũng như mạnh khỏe. Tôi hứa sẽ yêu thương và tôn trọng … đến hết cuộc đời”. Cũng như đôi dép, vợ chồng ngang hàng không có kẻ thấp người cao, và càng cùng nhau trải qua nhiều hoàn cảnh nghiệt ngã gian nan cũng như vinh quang hạnh phúc, thì càng gắn bó vi nhau hơn, bởi lẽ càng hiểu nhau, càng cần nhau và lệ thuộc vào nhau nhiều hơn, nên không nỡ và không thể thay thế:
                   Cùng bước, cùng mòn, không kẻ thấp người cao
                   Cùng chia sẻ sức người đời chà đạp
                   Dẫu vinh nhục không đi cùng kẻ khác
                   Số phận chiếc này phụ thuộc ở chiếc kia
          Thế nhưng, cuộc đời vẫn là một chuyển hóa đổi thay. Có cuộc tao ngộ nào chẳng có chia ly. Thế nên, vợ chồng dù thề non hẹn biển và xe kết duyên thắm tình nồng, vẫn có lúc phải chia tay, như thể đôi dép mất đi một chiếc. Chia tay vì hoàn cảnh, xa nhau vì lẽ tử sinh, hay có khi rời nhau vì thời gian xói mòn, duyên kiếp lỡ làng! Khi phải chia tay, lỡ đánh mất nhau, có người đã tìm chiếc dép khác để thay thế, tưởng rằng có thể quên lối mòn để vui duyên mới. Nhưng với kinh nghiệm đôi dép, Nguyễn Trung Kiên đã nhận thức được tính cách khập khễnh của mối chỉ mới. Không cần biết mối chỉ mới có đẹp hơn hay xấu hơn,  hay trông có thể rất giống nhau, nhưng điều chắc chắn là không thể cân xứng như xưa, và sẽ chẳng bao giờ đẹp đôi như thuở ấy. Có thể  đây chỉ là cảm nghiệm cá nhân, nhưng không hẳn là không hợp tình hợp lý:
                   Nếu ngày nào một chiếc dép mất đi
                   Mọi thay thế đều trở thành khập khiễng
                   Giống nhau lắm nhưng người đi sẽ biết
                   Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu

          Thế là dầu có thay đổi cũng không thể thay thế, bởi lẽ mới cũ vẫn khác xa nhau, vẫn có ngăn cách, vẫn mất thăng bằng, và tình xưa nghĩa cũ vẫn mãi canh cánh bên lòng, như mối tơ vương vấn:
                   Cũng như mình trong những lúc vắng nhau
                   Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía
                   Dẫu bên cạnh đã có người thay thế
                   Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh
          Hẳn nhiên, duyên mới không hẳn luôn luôn thiếu hạnh phúc. Nhiều người cũng đã vui vầy duyên mới khi bước them bước nữa,  làm lại cuộc đời Nhưng theo Nguyễn Trung Kiên,  hình như vẫn có một chút gì trống vắng, mất mát, bởi lẽ như đôi dép vô tri mà vẫn sát cánh bên nhau suốt đời, thì vợ chồng đã từng cùng nhau lên thác xuống ghềnh, chia sẻ ngọt bùi, làm sao quên được tình cũ nghĩa xưa:
                                Đôi dép vô tri khăng khít song hành
                   Chẳng thề nguyện mà không hề giả dối
                   Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội
                   Lối đi nào cũng có mặt cả đôi
          Từ cảm nghiệm về đôi dép như một suy tư triết lý, Nguyễn Trung Kiên, đúng như  cái tên của anh đã thể hiện, khẳng định rằng, chỉ có tình nghĩa keo sơn thuở nào mới bền vững và kiến tạo hạnh phúc đích thực, bởi lẽ đó là “lối đi chung” của một đôi dép, dù bên phải bên trái cũng mãi sánh vai nhau trên một con đường, không thể thiếu nhau trong cuộc hành trình trăm năm:

                    Không thể thiếu nhau trên bước đường đời
                   Dẫu mỗi chiếc ở một bên phải trái
                   Nhưng tôi yêu em ở những điều ngược lại
                   Gắn bó nhau vì một lối đi chung
          Một khi đã gắn bó với nhau và nguyện đi chung hết đường đời, thì khi lỡ mất nhau, tất cả chỉ còn là trống vắng, cô đơn. Thật vậy, hôn nhân đích thực là người nam người nữ trở nên một xương một thịt, “Mình với ta tuy hai mà một”, nên khi mất một là mất tất cả. Chỉ còn một chiếc dép thì tất cả thành vô nghĩa, và chỉ còn vất bỏ đi cho xong, bởi lẽ đâu còn “Ta với mình tuy một mà hai”.  Cũng thế, vợ chồng mất nhau rồi, thế giới sẽ trở thành sa mạc hoang vu và cuộc đời như thể dừng lại, chỉ còn là dư thừa hư không:
                   Hai mảnh đời thầm lặng bước song song
                   Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
                   Chỉ còn một là không còn gì hết
                   Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia!.
          Đẹp qúa! Tình nghĩa vợ chồng son sắt. Ước chi những ai coi gia đình là gánh nặng và thậm chí đã coi hôn nhân là “bản án chung thân” sẽ cúi xuống hôn đôi dép cũ mòn  rồi cùng với Nguyễn Trung Kiên đi vào nét đẹp tuyệt với của nền văn hoá Việt Nam và cùng ngâm nga câu ca dao đượm tình  dân tộc “Tay bưng chén muối dĩa gừng.Gừng cay muối mặn ta đừng quên nhau..”



         



Friday, February 14, 2020


NGƯỜI TÌNH CÔ ĐƠN
Ngô Quốc Sĩ

          Tình yêu là một giao cảm giữa 2 con tim. Nhưng mối giao cảm đó lắm khi đứt lìa và cuộc tình dang dở. Thế nhưng, thi ca tình yêu lại thường đậm nét với những dang dở đó, làm cho bao nhiêu con tim phải ngậm ngùi thổn thức như thể nhấp thú đau thương. Riêng Nguyễn Thị Hoàng được biết tới như một nhà văn đáng yêu trước 75 với nhiều tác phẩm nổi tiếng, đặc biệt là “Vòng Tay Học Trò”. Hôm nay, chúng ta đến với Nguyễn Thị Hoàng như một thi sĩ, với bài thơ khá lạ tai mang tên “Chi Lạ Rứa” với vần điệu và ngôn ngữ rất Huế, thổ lộ nỗi lòng của một người tình cô đơn, yêu mà câm nín lặng thinh, một mình ấp ủ mối tình đơn phương buốt nhức..
          Đây có thể là hình ảnh cuộc đời thực của chính tác giả, hay cũng có thể  chỉ là hư cấu, diễn tả một mối tình đơn phương nào đó. Chỉ biết rằng, Nguyễn Thị Hoàng có hai mối tình lớn, một mối tình giữa cô nữ sinh mang tên Hoàng với một giáo sư khả kính đáng tuổi cha chú, và một mối tình giữa cô giáo tên Hoàng với cậu học trò tên Minh đáng tuổi em út! Bài thơ “Chi Lạ Rứa” rất có thể liên hệ với mối tình thứ nhất, bởi lẽ ý thơ và lời thơ gắn liền với Huế và thể hiện một khoảng cách cao thấp nào đó giữa tác giả và ông thầy khả kính dòng dõi cung đình:                 
                   Chi lạ rứa, chiều ni tui muốn khóc,
                   Ngó chi tui đồ cỏ mọn, hoa hèn.
                   Nhìn chi tui hình đom đóm đêm đen,
                   Cho tui tủi bên ni bờ cô tịch.
          Hẳn có một ngăn cách nào đó không thể vượt qua, giữa tôi “hoa hèn” và người “tuyệt đích”, nên tình yêu dù có thực và da diết, có mến có yêu có ghét, nhưng vẫn chứa một chút mặc cảm bất cân, tạo nên hững hờ và vô duyên đến trơ trẽn:
                   Tui ao ước có bao giờ tuyệt đích,
                   Tui van xin răng mà cứ làm ngơ.
                   Rồi ngó tui, chi lạ rứa hững hờ,
                   Ghét, yêu, mến, vô duyên và trơ trẽn!
          Tác giả tự thú nhận đã cố gắng vượt qua ngại ngùng trơ trẽn để mong được gần kề gắn bó với người thương dù biết không cân xứng. Nhưng hình như khoảng cách vẫn thăm thẳm như đôi bờ sông Ngân không thể vượt qua vì không có ô thước bắc cầu:
                    Tui đã tắt nỗi ngại ngùng bẽn lẽn,
                   Bởi vì răng, ai biết được người hè.
                   Nhưng màu chiều đã rũ bóng lê thê,
                   Ni với nớ, có chi mô gần gũi!
          Không thể vuợt qua bờ bên kia để thu ngắn cách biệt, tác giả đành dừng lại bên này với mối tình câm mà lòng hờn tủi và thương đau như thể con chim bị đạn. Rốt cuộc, đời cứ trôi đi mà tình cứ dừng lại một chỗ đơn độc như con đường một chiều, hay đúng hơn  2 con đường thẳng song song không bao giờ có thể gặp nhau:
                   Chi lạ rứa, răng cứ làm tui tủi?
                   Tàn nhẫn chi với một đứa thương đau!
                   Khối tình câm nên không sắc, không màu,
                   Và vạn thuở chẳng nên câu luyến ái!
          Trách người tàn nhẫn, không đoái hoài tới mối tình câm, tác giả đã trầm ngâm nghĩ về cuộc đời  như một triết gia đi tìm ý nghĩa nông sâu của lòng người. Biết rằng “Dò sông dò biển dễ dò.Nào ai lấy thước mà đo lòng người?” nên tác giả đành chấp nhận thương đau, tự lo cho thân mình, giữ thân trong trắng, không bị hoen lấm, mặc ai vô tình hờ hững:
                   Chi lạ rứa, người cứ làm tui ngại,
                   Biết sông sâu hay cạn giữa tình đời?
                   Bên ni bờ vẫn trong trắng chơi vơi,
                   Mà bên nớ trầm ngâm mô có kể.
          Điều mỉa mai bi đát, là trong nỗi cô đơn đứng bên này nhìn về bên kia mà trách móc và tủi hận, tác giả đã cố nén cơn đau để khỏi bật khóc, nhưng càng nén thì nước mắt lại càng tuôn trào! Qua giòng lệ tủi, tác giả không dấu nổi một chút ghen hờn, bởi lẽ một mình bên này đứng đợi như nàng Tô Thị mỗi ngày một tàn héo, mà bên kia cử dửng dưng lại còn ra vẻ lộng lẫy huy hoàng!
                   Không muốn khóc, nhưng cứ từng ngấn lệ,
                   Đọng làn mi ấp ủ mối tâm tình.
                   Bên ni bờ hoa thắm bớt tươi xanh,
                   Mà bên nớ huy hoàng và lộng lẫy.
          Đã bạo dạn tiến tới mà chẳng đến nơi. Thuyền tình vẫn chưa tới bến . Người tình cô đơn muốn đánh liều, làm một cuộc mạo hiểm mới, lên thuyền, sang đò, đi vào sóng cuồng nghiệt ngã may ra tìm thấy bến đỗ. Bến nào ai có biết! Nhưng oái oăm thay! Vừa nghĩ tới chuyện lên thuyền, thì tự nhiên tác giả cảm thấy đau nhói, có lẽ mối hận đã làm rách nát tim gan. Thôi đành dừng lại trên bờ vọng tưởng mà nhấp nỗi đau như mối sầu riêng:
                   Muốn lên thuyền mặc sóng cuồng xô đẩy,
                   Nhưng thân đau nên chẳng dám đánh liều.
                   Đau chi mô có lẽ hận cô liêu,
                   Mà chi lạ rứa hè, ai hiểu nổi!
          Biết mình không thắng nổi hoàn cảnh, tác giả đành quay về với chính mình, chấp nhận phận hoa hèn cỏ mọn, để tự an ủi. Tự thú là “không điên” và “không bối rối” , thực ra đó chỉ là tự lừa dối mình để dấu đi niềm riêng đau xót không thốt nên lời:
                   Tui không điên cũng không hề bối rối,
                   Ngó làm chi thêm tủi nhục đau thương
                   Tui biết tui là hoa dại bên đường,
                   Không hương sắc, lạ rứa hè, người hỉ?
          Chấp nhận phận mình, người tình cô đơn cũng đành chấp nhận cuộc đời như một dĩ nhiên như thể định mệnh. Vẫn biết ý người và ý trời không hẳn hợp nhau, nên tác giả chỉ còn biết vâng theo ý trời, và thổ lộ lòng mình bằng một tiếng kêu có thể nói là vô duyên như thể đùa chơi với số mệnh:
                   Tui cũng muốn có một người tri kỉ,
                   Nhưng đường đời như rứa biết mần răng!
                   Tui muốn kêu, muốn gọi, muốn thưa rằng:
                   Chờ tui với! A, cười chi lạ rứa
          Chờ tui với. Thật ra tiếng gọi vô duyên đến nực cười chỉ bay theo gió thoảng, bởi lẽ bên kia bờ tình ái, có ai chờ ai đợi đâu! Rốt cuộc, con người ở đời vẫn mò mẫm như người đi đêm, chẳng biết gì hiểu gì, nhất là trong tình yêu lại càng mờ mịt sương khói, yêu là mù quáng! Không phải con người luôn luôn may mắn, nắm bắt được tình yêu bên kia bờ ảo vọng! Thôi đành im lặng như mặt nước sông hồ mà đếm từng giọt nước mắt cô đơn, như thể “chết trong lòng một ít..”
                   Tui không buồn sao mắt mờ lệ ứa,
                   Bởi vì răng tui có hiểu chi mô!
                   Vì lòng tui là mặt nước sông hồ,
                   Chi lạ rứa, bên ni bờ tui khóc.
          Hẳn không ai nén được mối cảm thương cho người tình cô đơn, dù có thực hay không có thực,  thì vẫn là một giọt nước mắt nhỏ xuống cuộc đời. Nếu thực sự “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở” thì phải cám ơn Nguyễn Thị Hoàng, cô học trò Võ Tánh Nha Trang và cô giáo Trần Hưng Đạo Đà Lạt thuở nào….




Wednesday, February 12, 2020


CHIA NHAU CHÉN HẬN
Ngô Quốc Sĩ

          Mối hận mất nước còn đó như những giọt máu đỏ tươi, làm cho dân Việt trong nước cũng như ngoài nước xót xa tê điếng. Nhất là những người đã từng cầm súng bảo vệ độc lập và chủ quyền của miền Nam, nay đứt lìa tan tác, kẻ ra đi tủi hận nơi tha hương, người ở lại uất nghẹn tại quê nhà. Mỗi lần có dịp gặp lại nhau, là mỗi lần chén hận lại dâng trào, nói sao cho hết, uống mấy cho vơi! Thơ  văn lưu vong trong 45 năm qua cũng đã chuyên chở biết bao thương nhớ tủi hận tiêu biểu như  Phạm Tín An Ninh, Tô Thùy Yên, Hoàng Phong Linh, Trần Trung Đạo…Hôm nay, chúng ta lại có dịp chia sẻ nỗi đau chất ngất đó của một cựu chiến sĩ trong nước, qua bài thơ “Bên Đời Bẻ Bút” của Như Không, với những vần điệu xé lòng…
          Vào thơ, Như Không đã thổ lộ niềm vui vô bờ người cựu chiến sĩ trong nước, được gặp lại đồng đội thuở xưa, nay đã cách xa bên kia đại dương xa thẳm. Người đời vẫn nói “xa mắt cách lòng”, nhưng trường hợp các chiến sĩ cộng hòa hoàn toàn khác hẳn. Càng xa mặt càng nhớ thương vô bờ, nên khi gặp lại, mọi người đều cảm thấy ấm áp, gắn bó, hồn ửng nắng với những tâm cảm dạt dào: 
                   Bạn ở xa về mời chén rượu
                   Nắng Sai Gòn như cũng vàng thêm
                   Hào sĩ bốn trời chưa gặp mặt
                   Có xa xôi mới biết tình gần
          Vui mừng là phải, bởi lẽ có thể coi cuộc gặp gỡ đồng đội trong tình “huynh đệ chi binh” giữa những người cách xa nửa vòng trái đất qủa là một kỳ ngộ. Đã một thời sống chết bên nhau nơi chiến trường đẫm máu. Rồi một thời  cùng nghẹn ngào nuốt hận trong trại tù dị sử bất nhân. Nhất là đã một ngày phải ngậm ngùi chia tay nhau, kẻ phiêu bạt nơi trời Tây, kẻ chôn chân tại trời Đông, đâu biết có bao giờ hy vọng gặp lại? Thế mà trời đất tròn, rồi cũng đã có cơ hội chia nhau chén tủi hờn, nhấp men cay mà nhớ lại một thời vung kiếm diệt thù. Tuy kiếm đã gãy, tóc đã đổi màu, nhưng cũng cảm thấy an ủi có dịp chia mối sầu chung:
                   Ta kẻ phong trần cung kiếm gãy
                   Một thời kiêu bạt chuyện đao binh
                   Rượu rót tràn ly say chẳng nổi
                   Tóc bạc mày chau chuyện bất bình
          Từ giã cung kiếm đã lâu. Trong hoàn cảnh nghiệt ngã của kẻ thua cuộc, phải buông súng khi tinh thần chiến đấu còn ngút ngàn,  người chiến sĩ đã từng cầm súng nay đành cầm bút để giăng trải nỗi lòng người dân mất nước . Nhưng bi đát thay! Súng đã gãy ngày nào, thì giờ đây, hình như bút cũng chẳng còn sắc bén. Trần Dần ngày nào đã kiên cường dùng dao viết văn trên đá. Còn ta hôm nay, trước hiện thực đất nước điêu linh, đương nhiên phải nói phải viết, mà không hiểu sao ngòi bút lại cùn, như thể vô dụng, nói ra viết ra cũng chẳng cứu vãn được gì , nếu không nói là thừa thải! Thôi xin đành bẻ bút cho đỡ uất hận, còn nỗi đau dân tộc thì xin gửi trời đất cho loãng bớt cơn đau:    
                   Chữ nghĩa cũng đau điều oan khuất
                   Bao câu thơ viết chẳng ra hồn
                   Đứng giữa trời xanh mà bẻ bút
                   Nỗi niềm đem gửi với càn khôn
          Cái bi đát ở đây là men ruợu cay không làm vơi bớt hận sầu, và bút bẻ gãy rồi mà lòng lại thêm chua xót đắng cay, bởi lẽ càng đối diện với hiện thực bi đát tại quê nhà hôm nay, vết thương qúa khứ lại càng rỉ máu đỏ tươi.  Những kẻ đang vỗ ngực tự hào chiến thắng, hãnh diện đã dành  lại độc lập tự do cho dân tộc, mà thực chất chỉ là một lũ con hoang, nhẫn tâm làm Việt gian bán nước, dâng hiến gia tài của mẹ cho ngoại bang. Chế độ hôm nay là chế độ Chiêu Thống, Trần Ích Tắc, đang làm hoen ố lịch sử với manh tâm thái thú, cúi đầu làm tay sai cho giặc để giữ đảng và giữ  ghế. Ngày nào Lê Lợi đã lên án “bọn gian tà còn bán nước cầu vinh” khi “Quân cuồng Minh thừa cơ gây hoạ”, thì hôm nay, người cựu chiến sĩ  cộng hòa cũng noi gương người xưa, kết tội lũ con hoang nhẫn tâm bán nước, phản bội tổ tiên, lại còn vênh vang ngựa xe rủng rỉnh, áo mão nghênh ngang:
                    Bốn cõi còn chưa yên bóng giặc
                   Nên lòng chát chúa tiếng gươm đao
                   Áo mão xênh xang Trần Ích Tắc
                   Ngựa xe vênh váo bọn chư hầu
          Qúa đau khổ và uất hận, người cựu chiến sĩ  đã mượn hơi cay để tìm quên. Nhưng men rượu đã không giúp quên bớt đau buồn, mà còn làm nỗi đau dâng cao, đưa người say vào ảo giác. Đối diện bóng mình trong đêm khuya, người chiến sĩ đã mời trăng cùng chia sớt hớp rượu tủi hờn, rồi mơ ngày dân Việt bừng dậy, nổi lửa cách mạng, giải cứu quê hương. Người chiến sĩ đã mơ thấy từng đoàn quân kéo về cứu nguy tổ quốc, tiếng reo hò dậy vang đất trời:
                   Có lúc nửa đêm nâng chén rượu
                   Một mình. Một bóng. Một trăng khuya
                   Lòng không gió nổi mà tan tác
                   Ngỡ tiếng quân reo vọng bốn bề
          Hẳn nhiên, trong tiếng reo hò vang  dậy đó, không phải chỉ có những người chiến sĩ cộng hòa ngày nào, mà có cả những “người chiến sĩ Tháng Tám” của Bùi Minh Quốc, những chàng “Bộ đội Cụ Hồ” của Phan Huy. Nói chung đó là tiếng thét của toàn dân Việt đứng lên đáp lại tiếng gọi tổ quốc. Nhưng mơ vẫn chỉ là mơ! Khi tỉnh rượu cay, người chiến sĩ thuở nào lại phải đối diện với thực tại thê thảm của đất nước. Chắc chắn ngày đất nước vinh quang sẽ tới, nhưng ở tuổi xế chiều, người cựu chiến binh đã cảm thấy ưu tư ngậm ngùi,  không biết mình còn sống được bao lâu, còn có cơ hội nhìn thấy quê hương bừng sáng không? Đời người ngắn ngủi. Nợ nước chưa trả xong. Cảm thức trách nhiệm của người trai đã làm cho người cựu chiến binh cảm thấy có tội với đất nước, như thể vô dụng, đã không đền đáp nợ núi sông. Thật bi đát! Mặc cảm tội lỗi đã làm cho ngưởi chiến sĩ  nghẹn ngào, sợ một ngày không xa, phải ra đi trong tức tưởi, không nhắm mắt được khi lâm chung, và sẽ mãi mãi tủi hổ trong áo quan rã mục:
                   Gần thôi, đến lúc ta nằm xuống
                   Giờ lâm chung mắt nhắm không đành
                   Nghĩ sống uổng một đời vô dụng
                   Quan quách không chừng cũng hổ danh
          Tuy không dấu nổi niềm đau, và không trông đợi nhiều ở quê nhà, người cựu chiến sĩ vẫn còn nuôi hy vọng ở khối người Việt tha hương, mong người Việt tị nạn không quên đất nước, lợi dụng thời cơ và hoàn cảnh thuận lợi để hỗ trợ cho công cuộc đấu tranh đầy chính nghĩa của dân Việt:
                   Bạn mai xứ lạ về bên ấy
                   Cuối chiều lẻ một bóng chim bay
                   Ta cũng riêng lòng đau biết mấy
                   Vọng bóng trăng mài kiếm bên trời
          Hy vọng người đi bên trời xa sẽ mài kiếm dưới trăng như Kinh Kha thuở nào, rồi mang kiếm qua bờ sông Dịch trở về diệt trừ bạo tặc. Lời nhắn gửi thật tha thiết, không biết có thấm sâu vào lòng người Việt tha hương năm châu bốn bể không? Xin nhắc nhở rằng, đồng bào ruột thịt trong nước đang chờ đợi chúng ta . Không cần biết lời nhắn gửi có khả thi hay không, nhưng  cần ghi nhận kỳ vọng chính đáng của đồng bào tại quê nhà, và tìm cách đáp ứng. Người Việt tị nạn cần nhìn lại chính mình như kẻ lưu vong, ra đi với ước nguyện trở về, không thể vội quên qúa khứ, không thể bị tha hóa mất gốc, rồi cố gắng làm tất cả những gì có thể làm được để hỗ trợ công cuộc đấu tranh của 95 triệu đồng bào trong nước. Có như thế mới thực sự chia nhau chén hận, và khỏi làm người trong nước thất vọng…Mong thay!

         




Thursday, February 6, 2020

TỔ QUỐC CHÌM ĐÁY VỰC
Ngô Quốc Sĩ

          Lịch sử dân tộc Việt trải dài trên máu lửa từ thời lập quốc đến cứu quốc và hưng quốc. Sau giặc Tàu đến giặc Tây và hôm nay là giặc cộng, tổ quốc Việt Nam đã trải qua bao nhiêu oan khiên bất hạnh, như thể bị lưu đày dưới vực thẳm, mà Nguyễn Chí Thiện gọi là Đồng Lầy, Dương Thu Hương gọi là Thiên Đường Mù và Vũ Thư Hiên gọi là Đêm Giữa Ban Ngày. Trần Thúc Vũ qua bài thơ Vực Tối, cũng  đã trải hết mối tâm cảm đầy tình tự dân tộc và tình yêu quê hương khổ đau đanh chìm dưới đáy vực với những vần điệu bi hùng làm lòng người quặn thắt..
          Vào thơ, Trần Thúc Vũ đã ngậm ngùi nhắc tới những năm dài tối tăm của quê hương dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Tuổi trẻ Việt Nam đã lướt đi trong  hờn tủi với những chiều lửa cháy, những đêm đông và những ngày hè, những sớm mai buồn thảm như thể nỗi chết không rời:
                   Gởi lại đó tám mươi năm hờn tủi
                   Tôi lớn lên theo những sớm mai buồn
                   Những ngày hè ngơ ngác, những đêm đông
                   Và tiếng thét vỡ toang chiều lửa cháy
          Trong dòng oan nghiệt đó, tiếng thét căm hờn bật lên thành ngọn lửa thú hận, và sức sống dân tộc đã bừng lên ngút ngàn với ý chí kiên cường, với những bàn chân sắt đá, những bàn tay ngang trời, quyết đập tan ách thống trị của thực dân, giải thoát dân tộc khỏi vòng nô lệ:

                   Kiêu dũng thay!
                   Những bàn chân đã chuyển
                   Những bàn tay quạt vỡ mật quân thù
                   Uất khí bừng sôi - bão táp, mưa sa
          Hùng khí dân tộc đã bừng lên như bão táp, như kình như khuấy nước, như ngọn roi Phù Đỗng, như tiếng sóng Bạch Đằng thuở dựng nước của cha ông. Từ trẻ thơ ngây đến cụ già trăm tuổi, một lòng một dạ quyết vùng lên theo tiếng gọi non sông:          
                   Từ bầy trẻ thơ ngây
                   Từ cụ già trăm tuổi
                   Tiến về đây trên những sớm mai hồng
                   Của Nhị-hà - của bát ngát Trường-sơn
                   Của Cửu-long, của Đồng-nai, Sông Mã…

                   Lửa hờn căm ngần ngật Thái Bình Dương…
          Đó chính là hào khí Diên Hồng. Đó chính là sức mạnh dân tộc đã đập tan giặc Tàu với ngàn năm đô hộ thuở nào, thì nay hào khí đó, sức mạnh đó lại bừng lên quyết  xóa tan bóng tối của 80 năm hờn tủi dưới gót thực dân:
                   Vùng trỗi dậy
                   Tám mươi năm hờn tủi
                   Tám mươi năm
                   Ba mươi ngàn đêm nhức nhối
                   Nhớ gì không?
                   Máu đã ngợp căm thù
                   Lửa uất bừng gan, ngơ ngác xương khô
          Hùng khí dân tộc đã chan hòa vào giòng máu của các anh hùng liệt sĩ tiêu biểu như Nguyễn Thái Học, Phạm Hồng Thái và bao chiến sĩ vô danh khác đã ngã xuống cho tổ quốc trường tồn và quê hương tươi thắm. Dù thân xác có rữa nát vài lòng đất, thì ý chí vẫn vươn cao như ngọn hải đăng hướng dẫn công cuộc đấu tranh thần thánh của dân tộc:
                   Những chí lớn vươn cao
                   Những thây người ngã xuống
                   Từ ba mươi, Nguyễn Thái Học kiêu hùng
                   Từ hai mươi lăm, Phạm Hồng Thái - Châu Giang
                   Khuya Yên Thế- Đêm Ba Đình chất ngất
   
          Chính sức mạnh dân tộc và xương máu anh hùng đã tạo thành cơn bão lửa giải thoát dân Việt khỏi ách đô hộ của thực dân. Bài học lịch sử đó mãi còn chiếu sáng trong lòng dân Việt, soi đường cho cuộc chiến đấu trường kỳ gian khổ từ xưa tới nay:
                   Những chớp giật Tây-nguyên,
                   Mưa ngàn Việt Bắc
                   Núi đá dựng những nghìn năm trở giấc
                   Mạch sống bừng lên như thác đổ xô nguồn
                   Linh khí non sông chất ngất trời Nam
                   Gom sức mạnh dân ta kết thành bão nổi
          Nhưng mỉa mai thay! Những chiến thắng oanh liệt của cha ông đã trở thành uổng phí, bởi lẽ vừa thoát khỏi ách đô hộ của thực dân thì  dân Việt lại bị lâm vào nanh vuốt và gông cùm của thế lực đỏ. Với Hiệp Định Geneve do Hà Nội và ngoại bang áp đặt, đất nước bị chia cắt, thi thể mẹ Việt Nam bị đứt lìa. Nếu hỏi lỗi tại ai, thì câu trả lời đơn giản, là tại bọn con hoang đã đem chủ thuyết cộng sản ngoại lai phản tiến hóa về nhuộm đỏ dân tộc. Chiến thắng thực dân thay vì đưa dân tộc tới vinh quang, lại là mầm mống của chia rẽ bất hạnh, gây bao oán hận và  đẩy dân tộc xuống vực thẳm:
                   Ôi! Chiến thắng của dân ta đã nhen mầm bất hạnh
                   Những phân lìa, chia cắt, xót xa đau!
                   Một giải non sông tan tác, dãi dầu
                   Với oán hận dựng lên giữa lòng Dân-tộc!
          Làm sao khỏi oán hận khi xương máu dân tộc đã bị lợi dụng để xây ngai vàng qủy đỏ! Độc lập giải phóng chỉ là chiêu bài lừa đảo nhằm tắm máu dân tộc.  Nhận thức như thế nên cả triệu người đã nghẹn ngào lìa bỏ quê hương miền Bắc vào Nam tìm đất sống. Giòng sông Danh, cầu Hiền Lương trở thành giải oan nghiệt làm đứt lìa bao người con thân yêu với cuống rún mẹ Âu Cơ:
                   Tám mươi vạn người đi
                   Vai gồng tay dắt
                    Xuôi về Nam mà nước mắt chan chan
                   Suốt tám mươi năm u uất nhục nhằn
                   Và lịch sử bốn nghìn năm quặn thắt
                   Linh khí núi sông đã tan thành nước mắt
                   Nước mắt nào cho đủ những thương tâm!
          Thế rồi, cuộc tương tranh đã kéo dài mấy chục năm chỉ vì mộng xâm lăng của miền Bắc, muốn thâu tóm miền Nam, nhận chìm cả nước xuống vực thẳm. Có người gọi cuộc chiến tranh Nam Bắc là cuộc nội chiến. Nói thế là vô tình hay hữu ý bóp méo lịch sử. Cuộc chiến tranh Việt Nam nhất định không phải là nội chiến, bởi lẽ miền Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, đã bị quân cộng sản miền Bắc xâm chiếm. Miền Nam chỉ đứng lên bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ, chống lại quân xâm lăng từ miền Bắc đã cam tâm làm lính đánh thuê cho cộng sản quốc tế, đúng như Lê Duẫn đã thú nhận. Như thế phải khẳng định cuộc chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh xâm lăng, do cộng sản quốc tế giàn dựng và ủy nhiệm. Cộng sản Việt Nam chỉ là công cụ, là lính đánh thuê của Nga Tàu. Trần Thúc Vũ đã tự hỏi tại sao Bắc Nam là anh em, mà miền Bắc đã nỡ gieo tai ương lên đầu dân tộc, cướp đi hạnh phúc của anh em cùng giòng máu?
                   Cùng một nỗi tả tơi
                   Cùng Anh Em tôi đấy!
                   Tôi đứng đó xòe tay
                   Che mặt trời bỏng cháy
                   Đường chỉ nào xui định mệnh oan khiên
          Hỏi thế thôi, nhưng chắc hẳn Trần Thúc Vũ đã biết ai là thủ phạm. Nhân Văn Giai Phẩm đã lột trần bộ mặt bất nhân của cộng sản “những người khổng lồ thiếu trái tim” đâu còn tình nguời, và Bùi Minh Quốc cũng  gọi chế độ độc ác đó là “giàn thiêu”, nung cháy anh em, hủy diệt dân tộc và các giá trị nhân bản. Cộng sản vẫn rêu rao rằng, tổ quốc Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Nhưng thực chất hoàn toàn trái ngược. Tổ quốc bị chắt chia. Dân tộc tan tác, đất nước điêu linh. Thi thể mẹ Việt Nam bị cứa nát chỉ vì tham vọng và tư thù:
                   Tổ-quốc chung -
                   Đỏ rực những thù riêng
                   Chỉ thấy quanh tôi nồng tanh giòng máu Việt!

                   Tôi bật khóc giữa tro tàn huyễn hoặc
                   Cho tôi xin một chút nắng mai vui
                   Một phút nhìn nhau - hương ấm môi cười
                   Và nhịp đập trái tim Ngày Dựng Nước
          Câu hỏi căn bản là dân Việt phải làm gì đây?  Theo Trần Thúc Vũ, trước hết phải khơi dậy lòng yêu nước và tình tự quê hương như chất keo gắn chặt dân tộc với đất tổ.  Nếu tim Việt còn đập và máu Việt còn nóng, thì quê hương dù đã bị cướp mất có thể dành lại một ngày không xa:
                    Tôi quỳ xuống hôn lên bờ cát ướt
                   Lắng trong tim dư vị của yêu thương
                   Rồi một thoáng mơ hồ cơn gió mát
                   Trả tôi về tình tự của Quê-hương!
          Một khi khơi dậy được tình tự quê hương, thì sức sống sẽ bừng khởi và hào khí lại bốc cao, thúc đẩy dân Việt đứng lên làm lịch sử. Lúc ấy, cơn bão lửa Nguyễn Chí Thiện tiên báo với “đất trời gió nổi” sẽ ứng nghiệm. Trần Thúc Vũ qua bài thơ Khởi Hành cũng loan báo giờ lịch sử đã điểm:
           Tổ quốc ơi sằp đến giờ khai vận
            Đứng dậy ta đi.Đã đến lúc lên đường
        Cuộc khyởi hành tiếp từ thuở hồng hoang
           Căng mạch sống của tin yêu
           Ta đi về phía trước..

          Dân Việt, trăm con một mẹ nắm tay nhau đi về phía trước. Đó là phía mắt trời mọc, phía qúa khứ huy hoàng và tương lai bừng sáng trên quê hương “minh châu trời đông”. Tuy anh Trần Thúc Vũ không còn may mắn được nối vòng tay dân tộc trong ngày chiến thắng, nhưng chắc hẳn nơi chín suối anh cũng cảm thấy hả dạ trước ngày hội lớn của dân tộc. Không còn vực tối. Không còn đêm ba mươi. Chỉ còn nguồn sáng lung linh trên trời Đông Á…