Thursday, February 14, 2019


LÒNG XUÂN VẤN VƯƠNG


Ngô Quốc Sĩ
            Xuân về, dân Việt thường trao nhau những lời chúc tốt đẹp, an khang thịnh vượng, tràn  đầy phước lộc, vạn sự như ý. Nhưng phía sau những lời chúc đậm màu hồng đó, không khỏi ẩn dấu những tâm cảm ngậm ngùi, bởi lẽ vẫn có một chút gì thiếu vắng như thể một mất mát từ qúa khứ vọng về..Thi ca mùa xuân vì thế, thường chuyên chở những vần điệu ray rứt tiếc nhớ làm lòng người chùng xuống như thể chìm vào thế giới xa xưa..
          Trước hết, hãy nghe Văn Nguyên Dưỡng tỏ bày tâm cảm lạnh cóng khi xuân về, như thể ngọn gió mùa đông lùa vào tâm hồn những kỷ niệm  buốt giá: 
                    Tết giữa mùa Đông hoa tuyết bay,
                   Căm căm gió trắng lạnh đầy tay...
                   Em đến hay không chiều vẫn đợi,
                   Phòng không sợ giá buốt đêm nay!
          Điều đáng buồn là gió trắng và hoa tuyết không làm đất bạc màu, nhưng chính lòng người đổi thay, thuyền chuyển bến, đã biến đất bằng thành chốn bể dâu như một vũng tang thương mãi vẫn không quên:
                   Đất bạc không vì đất bạc màu, 
                   Vì lòng không biết được nông sâu.
                   Kẻ đến người đi trên bến cũ
                   Chưa hẳn quên rồi cuộc biển dâu!..
          Nhất là cuộc đổi đời bi thảm năm 75 đã đóng băng như vết thương không bao giờ thành thẹo, bởi lẽ niềm đau còn nguyên như giọt máu tươi trên đầu súng với chí trai ngất ngưỡng, phủ lên đất nước một màu tang:
                   Trận vỡ cho lòng ta giá băng,
                   Sóng đỏ cuồng dâng ngập đất bằng;
                   Lớp lớp lê dân tràn mọi nẻo...
                   Phố cũ thành xưa mây phủ tang.
          Nhớ nước đã mất. Thương dân khốn khổ vì sóng đỏ ngập đất bằng. Còn em như niềm an ủi cuối cùng cũng đã “lỡ bỏ thuyền tình trên bến mộng”. Giờ đây chỉ còn lại mình ta trong phòng không se lạnh khẻ nhấp từng hớp ruợu cô đơn, vu vơ đợi ai… đợi ai…dù vẫn biết đó chỉ người tình trong mộng:
                   Độc ẩm hình như chưa đủ say,
                   Căm căm gió trắng lạnh đầy tay...
                   Em hẳn không về...sao vẫn đợi,
                   Phòng không se lạnh suốt đêm nay.
          Xuân đóng băng với Văn Nguyên Dưỡng, xuân lại bỏng cháy nắng hạ với Thu Tuyết từ Úc Châu, làm nhà thơ nghèn nghẹn nghe máu đào tan chảy:
                   Mặc áo xuân cho Melbourne đang hạ
                   Ngan ngát đất trời mùi nắng trải hanh hao
                   Chút nhớ thương tan chảy giọt máu đào
                   Nghe nghèn nghẹn thôi thì xuân trong hạ
 
                Cùng chung nỗi nhớ quê hương, Nguyễn Đức Bạt Ngàn đã trải vào thơ những vần điệu thật ngậm ngùi. Nhà thơ đã cảm nhận tính chất bi đát của cuộc tạm dung chẳng khác nào như cánh én lẻ bạn trong cuộc lưu đày với bao tủi nhục:
                   từ một lần hoạn nạn
                   cắn răng quên hẹn thề
                   ta chim trời lẻ bạn
                   giữa đường bay điên mê
          Tuy cắn răng quên hẹn thề của tuổi trẻ tang bồng, nhưng làm sao có thể ngoảnh mặt làm ngơ truớc cảnh quê hương quay cuồng trong bão táp, đất nước mò mẫm trong bóng đêm, xã hội đảo điên mất hết nhân tính và tình người:
                   sầu như bão táp
                   phận người bon chen
                   xót thời vô pháp
                   sơn hà tối đen
          Trong cơn bão thời mạt pháp hôm nay, Việt Nam chỉ còn là nhà tù, tù nhỏ cũng như tù lớn, hủy diệt bao tinh hoa, giết chết mọi quyền tự do, đày đọa cả giống nòi bạc phước:
                   miếng cơm ngụm nước
                   gông cùm đói no
                   giống nòi bạc phước
                   đâu rồi tự do
                Cảm nghiệm những mất mát to lớn đó, nhà thơ đã tự trách mình và thú tội với tổ tiên thay cho dân Việt, đã một lần ngây thơ ảo diệu, để toàn cõi đất nước lọt vào tay hoang thú. Hậu qủa thật bi thảm! Đất nước điêu linh, dân tộc ly tán:
                   tự một lần ảo diệu
                   tự một lần ưu mê
                   giờ ta, thân thất thoát
                   ôi mười năm xa quê
          Thế là mất tất cả! Đất nước lọt vào tay giặc. Em sang ngang vui duyên mới. Còn ta làm thân biết xứ cô đơn quạnh quẽ. Đó không chỉ là mối sầu riêng anh, mà là mối sầu chung của xứ sở, của kiếp người:
                   em nước mắt ta hồn sầu biệt xứ
                   hẹn hò nhau về trên bến nghìn trùng
                   em hôn phối ta sau này quạnh quẽ
                   vòng tay nào là xứ sở sầu chung
          Qua dòng thơ của Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích, chúng ta cũng cảm nghiệm sâu xa nỗi đoạn trường của người dân mất nước, đem sinh mạng đổi lấy 2 chữ tự do, chấp nhận cuộc sống lưu vong nhưng lòng luôn luôn hướng về quê cũ:
                   Tháng ngày quê cũ vấn vương 
                   Kỷ niệm xưa lắm đoạn trường thế nhân
                   Bước chân in dấu phong trần

                   Non cao đày đọa khổ thân một thời
          Trong đêm giao thừa hương khói nghi ngút, với cảm thức lưu vong, tác giả đã thầm nguyện giữ mãi tấm lòng sắt son với nước non:
                   Năm tàn đếm ánh sao rơi
                   Đêm Ba Mươi tính nửa đời lưu vong
                   Đốt hương nguyện với cõi lòng
                   Giữ hồn quê mẹ trắng trong xứ người
          Nơi đất khách, nhà thơ đành chấp tay khấn nguyện tổ tiên hộ phù con cháu thoát cơn hoạn nạn, độ trì đất mẹ yên vui, chờ mong mùa xuân thanh bình:
                   Mâm cơm cúng Tết Tiên đường
                   Vái hồn linh khắp mười phương hiện về
                   Độ trì đất mẹ trời quê
                   Một mùa Xuân mới bốn bề yên vui
          Với những vần điệu đấy hùng khí, Ngô Minh Hằng đã biểu tỏ quyết tâm đấu tranh, dùng ngòi bút làm vũ khí chiến đấu, quyết dựng lại mùa xuân dân tộc đã bị cướp mất:
                   Mẹ ơi, xuân đến, Xuân đang đến
                   Con vẫn bôn ba, vẫn xứ người
                   Vẫn bút con làm gươm chiến đấu
                   Vẫn thầm hẹn mẹ một ngày vui
          Không khỏi buồn lòng trước hiện tương một số người Việt bị tha hóa xa cội quên nguồn, nhưng nhà thơ vẫn tin tưởng vào tương lai đất nước, vì đa số con dân đất Việt vẫn một lòng son sắt với quê hương:
                   Cũng may, còn những lòng son sắt
                   Tổ quốc muôn đời ở trái tim
                   Mẹ có nghe không hồn nước gọi
                   Và người sẽ tỉnh giấc oan khiên !
          T niềm tin tưởng đó, nhà thơ đã mơ thấy ngày về vinh quang của trăm con bốn biển, cùng nhau núp dưới cánh mẹ đón chào mùa xuân:
                   Một ngày mẹ ạ, không xa nữa
                   Cờ sẽ vàng bay khắp núi sông
                   Con mẹ sẽ về bên cạnh mẹ
                   Mùa Xuân vì thế, đẹp vô cùng!
          Với niềm tin sắt đá, với lời nguyện thành khẩn, nhất là với quyết tâm đấu tranh, chắc chắn mùa xuân thanh bình sẽ trở về với dân Việt một ngày không xa..
         



No comments:

Post a Comment