Tuesday, February 26, 2019


THƯ GỦI BÁC TRUMP ®

Ngô Quốc Sĩ
         
          Hội Nghị thượng đỉnh Mỹ Triều tại Việt Nam đang cuốn hút dư luận thế giới với hàng trăm hãng thông tấn và hàng ngàn nhà báo nổi tiếng năm châu, quy tụ về Hà Nội theo dõi và chuyển đi những tin nóng hổi nhất về cuộc họp lịch sử này. Dân Việt trong nước cũng như ngoài nước lại càng náo nức theo dõi cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo vốn là thù địch, đồng thời chờ đợi một cái gì tích cực, có thể làm thay đổi tình hình chính trị Việt Nam và thế giới. Riêng cô bé Thùy Dung, vẫn được mệnh danh là “cô gái bánh mì”, đã biểu tỏ mối quan tâm đặc biệt qua bài thơ gửi Tổng Thống Trump mang tên “Thư Gửi Không Người Nhận”.
                Trước khi bày tỏ nỗi lòng qua bài thơ, Thùy Dung đã ngỏ lời với bác Trump qua những dòng chữ thật tha thiết: Bác Trump ơi ! Dân cháu bây giờ sống đau khổ lắm. Người dân cháu ngày ngày phải ăn uống thực phẩm độc, hít thở không khí môi trường ô nhiễm. Có gào thét mỗi ngày bọn tà quyền nó cũng chẳng bận tâm . Dân cháu họ sống chung với cộng sản quá lâu, bị tuyên truyền và bị nhồi sọ quá nặng, nên việc kêu gọi họ thức tỉnh là một việc rất khó ?Đã nhiều người làm thử rồi nhưng chưa có một ai kêu gọi thành công ?Bởi đơn giản là những người dân đen như tụi cháu không có quyền, không có tiền nên mấy ai chịu nghe theo lời mình hả bác ? Họ đều nói phải có một người có quyền lực và có tiền như bác kêu gọi thì dân cháu họ mới dám đứng dậy số đông.… Có thể không gặp mặt nhưng anh em cháu vẫn chào đón bác ! Nếu ai thông minh và biết nhìn xa trông rộng thì họ sẽ hiểu thông điệp của bác ? Và anh em cháu đã hiểu nên anh em cháu sẽ đi vì non sông dân tộc , vì một VN cần phải được mãi mãi trường tồn !
          Sau lời ngỏ chân tình tha thiết và đầy khí khái đó, “cô gái bánh mì” đã vào thơ với niềm phấn khởi của toàn dân Việt, chào đón bác Trump như thể đón vị cứu tinh vẫn ngày đêm mong đợi:
                   Ngày mai bác đến đây
                   Dân cháu vui lắm đấy
                   Rồi đây bác sẽ thấy
                   Cờ Mỹ rợp trời bay.
                   Biểu ngữ cầm trên tay ?
                   Welcome Trump đến đây..
          Dân Việt mừng vui đón bác, chính vì từ đáy sâu cùng khổ, dân Việt chỉ ước mong có một bàn tay cứu vớt. Thế giới đã cảm thấy phấn khởi khi nghe bác khẳng định Từ Liên Xô tới Cuba và Venezuela, bất kỳ nơi đâu chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản được áp dụng, nó đem lại khổ đau, phá hoại và thất bại.” Nay đặt chân lên quê hương của cháu, bác sẽ có cơ hội chứng nghiệm bản chất  phi nhân của cộng sản và tính cách bi đát của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, mất lòng dân, mất thế đứng, nên dân Việt đã hoan hỉ đón bác:
                   Nếu bác đã nhìn thấy
                   Giúp dân cháu một tay !
                   Dân Việt sống đắng cay
                   Là do cộng sản đấy!
          Cộng sản Việt Nam là những tên tội đồ của dân tộc, đã ác với dân lại còn hèn với giặc, đem gia tài của tổ tiên hiến dâng cho ngoại bang, bắt dân làm nô lệ cho kẻ thù truyền kiếp Bắc phương:
                   Chắc là bác cũng thấy
                   Cộng sản ác độc thay ?
                   Bắt dân cháu mai đây 
                   Nô lệ cho “ Tàu” đấy
          Một khẳng định như đinh đóng cột, là cộng sản chẳng có gì hay đẹp, mà chỉ là thảm họa của nhân loại, đến nỗi Yeltsin phải chủ trương dứt khoát loại bỏ cộng sản, vất bỏ xã hội chủ nghĩa để cứu vớt con người, chứ không thể thay đổi vá víu. Ở đây, Thùy Dung cũng mong bác Trump đáp ứng nguyện vọng tha thiết của dân Việt:
                   Cộng sản bác đã thấy
                   Có thằng nào đẹp ,hay ?
                   Nếu bác muốn đổi thay
                   Chủ nghĩa xã hội này 
                   Dân mừng vui lắm đấy
                   Riêng cháu giơ hai tay !
          Từ nhận định về bản chất sắt máu và phản bội của cộng sản Việt Nam, Thùy Dung đã thẳng thắn bày tỏ nguyện vọng chính đáng của dân Việt, là dẹp bỏ chế độ phi nhân phản tiến hoá hôm nay:
                   Nếu bác đã nhìn thấy
                   Chuyện non nước hôm nay ?
                   Dân cháu muốn đổi thay
                   Thể chế chính trị này
          Ri Thùy Dung còn đưa ra những nhận định chính  trị khá sâu sắc, khó ai có thể nghĩ đây là biện thuyết của cô gái bánh mì mới mười mấy tuổi đầu. Thật vậy, cô bé đã cảm thấy thất vọng trước thái độ cầu an và buông xuôi của đa số dân Việt trước hoàn cảnh khốn cùng của dân tộc và trước đại họa mất nước gần kề. Như một nhà chính trị, cô bé bánh mì đã nhận thấy chính sức mạnh dân tộc là c0n đường cứu nguy tổ quốc, bởi lẽ khi dân Việt vượt qua bức tường sợ hãi, can đảm đứng lên làm lịch sử, thì cuộc cách mạng mới dậy sóng Bạch Đằng, cơn bão lửa dân chủ mới cháy bừng thiêu rụi chế độ cộng sản.
                   Bác quyền lực trong tay
                   Làm gì cho dân thấy
                   Dân cháu chịu đứng dậy 
                   Cộng sản ngã ngựa ngay ?
          Nhận định như thế, Thùy Dung  đã  lên tiếng kêu cứu, như thể tiếng kêu thất thanh của toàn thể dân Việt trên con thuyền tự do sắp chìm, chỉ mong bác Trump thả chiếc  phao cứu mạng:     
                   Giúp dân cháu một tay
                   Kêu dân cháu đứng dậy 
                   Cộng sản sẽ bỏ chạy
                   Nước Việt sẽ đổi thay ?
          Với niềm tin tôn giáo, cô bé bánh mì còn dõng dạc đánh giá hành động của bác Trump hôm nay là việc làm rất hay, như thể “thế thiên hành đạo” để giúp đi cứu người, hẳn là  thuận lòng trời, hợp lòng người:
                   Việc bác làm hôm nay
                   Là đang giúp đời đấy
                   Việc bác làm Chúa thấy 
                   Một việc làm rất hay ?
          Thay lời kết, xin mọi người  nắm tay cô gái bánh mì, nguyện cho bác Trump thành công, và cho đất nước Việt Nam sớm thấy tự do dân chủ, vui hưởng cuộc sống ấm no thanh bình..




         


Thursday, February 21, 2019


NHỮNG MÙA XUÂN VẤN KHĂN TANG

                                                    Ngô Quốc Sĩ
          Mùa xuân Kỷ Hợi đã trở về với nắng ấm, cỏ mướt và mai đào khoe sắc đó đây. Nhưng với dân Việt, mùa xuân vẫn khoác màu thâm đen, đượm mùi tử khí, với bao oan khiên trút xuống đầu dân tộc. Qua thảm nạn Lộc Hưng mới đây, Như Thương đã trải lòng mình lên nỗi đau dân tộc qua bài thơ “Nước mắt 2 Mùa Xuân”, mùa xuân Mậu Thân 68 và mùa xuân Kỷ Hợi 2019. Chen vào giữa 2 mùa xuân ảm đạm đó, chúng ta còn phải kể thêm mùa xuân 75, được Hà Nội gọi là “Mùa xuân đại thắng”, thực chất chỉ là mùa xuân tang tóc loang máu khi  tự do bị bức tử dưới bàn tay bạo cường. Nếu mùa xuân Mậu Tý 1288 Hưng Đạo đại thắng Nguyên Mông, xuân Kỷ Dậu 1789 Quang Trung đại phá quân Thanh, được gọi là những mùa xuân huy hoàng, thì mùa xuân 68, 75 và 2019 là những mùa xuân ảm đạm, mùa xuân vấn khăn tang khóc cho đất nước Việt Nam quằn quại dưới bàn tay cộng sản bạo tàn..
           Mùa xuân 75 đánh dấu một thời sử đen! Miền Nam bị bức tử một cách phi lý. Cánh cửa tự do khép lại trong uất nghẹn và tủi hận ngất trời. Từ đó, bao tinh hoa đã vùi thân trong những trại tù dị sử, bao sinh linh trôi giạt giữa biển khơi, bao thiếu nữ nhũn mềm trong tay hải tặc! Cũng từ đó, cả một dân tộc bị nhận chìm xuống vũng lầy đày đọa, trẻ thơ lây lất, dân oan thét gào, người người nối đuôi nhau vào ngục tối trong khi bọn đao phủ ngồi chễm chệ trên ngai vàng, phè phỡn vui đùa trên nước mắt và máu xương dân lành!!
          Còn xuân Mậu Thân thì mãi mãi vẫn là giải khăn sô rướm máu. Thật mỉa mai! Trong khi Hà Nội tổ chức ăn mừng chiến thắng Mậu Thân, thì dân Việt vấn khăn tang tưởng nhớ trên 5 ngàn dân lành bị chôn sống, xác lấp vệ đường, Đá Mài nức nở, Hương Giang nghẹn ngào:

                   Tang cho Huế vẫn muôn đời sắc tím
                   Dẫu tháng năm hồn phiêu dạt muôn phương
                   Mậu Thân ơi, Suối Đá Mài tìm kiếm
                   Xác em đâu ai vùi lấp bên đường
          Đau đớn nhất là oan khiên đã đổ xuống trong giây phút giao thừa linh thiêng!  Em chưa kịp điểm son đón chào xuân mới, chưa kịp thắp nhang cúng tổ tiên, thì máu đa lênh láng:
                    Phút Giao Thừa không trầm hương khói tỏa
                   Máu em loang trên mâm cúng Gia Tiên
                   Tội tình chi em Huế ơi tóc xõa...
                   Giặc giết em. Son chưa kẻ môi viền
          Ngờ đâu hương khói kính nhớ tổ tiên lại chính là hương khói niệm hồn những chàng trai Việt bị chôn sống không một lời từ biệt. Vết thương Mậu Thân  mãi còn nhỏ máu?
                   Mạ khóc ngất, con Mạ đâu mất biệt
                   Chôn sống rồi đau lòng Mạ siết bao
                   Đau thương này có thấu chăng nhật nguyệt
                   Sông Hương về rên xiết giấc chiêm bao
          Thế đó! Huế mộng mơ nay chỉ còn là đống tro tàn, tiếng đạn bom thay pháo nổ:
                        Còn đâu nữa Huế nghìn xưa...Phố cổ
                   Áo lễ chùa còn nếp gấp thơm tho
                   Tiếng bom đạn rền vang thay pháo nổ
                   Giặc đốt nhà, người bỗng hóa bụi tro
          Hôm nay, mầu tang tóc của Huế lại phủ lên Vườn Rau Lộc Hưng, Tân Bình. Mảnh đất sống nhỏ bé của đồng bào di cư từ miền Bắc năm 1954 phút chốc biến thành đống gach vụn do bàn tay của bọn côn đồ khát máu. Qúa uất ức, Trúc Hồ đã nghẹn ngào lên tiếng:
                   Vì ai vì ai đau thương lan tràn
                   Vì ai vì ai trót tạo hoang tàn     
          Ở đây, Như Thương cũng đã cảm thấy đứt ruột trước những mảnh sống nhỏ nhoi bị cướp mất. Còn lại gì cho em, dù chỉ một cành mai chơ vơ trên hoang tàn đổ nát!
                   Em đi tìm một nhành mai sót lại
                   Trên mảnh vườn giữa đổ nát tan hoang
                   Lộc Hưng ơi, chỉ còn là hủy hoại
                   Chẳng còn chi giữa bình địa, điêu tàn
          Phạm Thanh Nghiên đã òa khóc: “Tôi bật khóc. Con ngõ quen thuộc, những luống rau xanh mướt, những căn nhà trọ của xóm lao động nghèo đã hoàn toàn biến mất sau chỉ một đêm. Tôi dò dẫm, bước từng bước liêu xiêu trên đống đổ nát, đôi chân run rẩy như chực ngã. Tôi không ngăn được dòng nước mắt và tiếng nấc nghẹn trong cổ họng.”
          Thế là mọi hy vọng đều tiêu tan. Hiện tại thành gạch vụn. Tương lai thành bụi mù! Kiếp sống thành đêm dài thức trắng:    
                    Đây đất bằng của những ngày nổi sóng
                   Một ngọn cây, ngọn cỏ cũng chia lìa
                   Viên gạch vỡ... Thôi tan niềm hy vọng
                   Dựng lại nhà. Em thức trắng đêm thâu..
          Đồng cảm với Thư Hương, Từ Thức đã thật sự phẫn nộ trước hành động phi pháp của bọn côn đồ: “Ngày nay, người ta kéo hùng binh, du đãng đâm thuê chém mướn, tới phá nhà cửa của dân nghèo, không một ánh mắt tới cháu gái ngồi buồn bã trước cuộc đời tan vỡ”
          Nếu Nhã Ca đã quấn giải khăn sô cho Huế trong tết Mậu Thân, thì Như Thương cũng muốn dựng lên những mộ bia để tưởng niệm nỗi đau tột cùng của Lộc Hưng, để tang cho gạch ngói, cho vườn rau, cho hàng cây và giải đất thắm đượm tình người. Đồng thời cũng để ghi khắc tội ác của cộng sản vào lịch sử, để con cháu nhớ mãi thời sử đen với búa liềm cờ đỏ:
                   Dựng mộ bia để tang cho gạch ngói
                   Cho vườn rau đang xanh mướt đợi Xuân
                   Cho hàng cây bên hè trên cao vói
                   Cho đất nâu thầm lặng chữ nghĩa nhân
          Thế rồi trong khổ đau, Như Thương đã tìm thấy chân lý giải thoát. Nếu khổ giá là con đường phục sinh của Đấng Cứu Thế, thì Như Thương cũng  đã lấy nước mắt rưới xuống đất mềm cho động lòng trời, làm gạch đá hồi sinh, cấy lại mầm sống trên đất chết:
                        Tưới nước mắt cho đất mềm yêu dấu
                   Bao nhiêu năm gắn bó ở chốn này
                   Gạch đá buồn và nỗi đau... ai thấu?
                   Lay động Trời và Đất, hỡi mây bay...
          Thế đó! Nước mắt dân Việt là nước mắt nhiệm mầu, máu dân Việt cũng là máu thánh linh thiêng có thể lay động trời đất. Với nước nhiệm mầu và máu thánh thấm xuống lòng đất, Việt Nam sẽ phục sinh. Đất sẽ nở hoa và dân Việt sẽ thoát khỏi đại nạn cờ đỏ sao vàng..





Thursday, February 14, 2019


LÒNG XUÂN VẤN VƯƠNG


Ngô Quốc Sĩ
            Xuân về, dân Việt thường trao nhau những lời chúc tốt đẹp, an khang thịnh vượng, tràn  đầy phước lộc, vạn sự như ý. Nhưng phía sau những lời chúc đậm màu hồng đó, không khỏi ẩn dấu những tâm cảm ngậm ngùi, bởi lẽ vẫn có một chút gì thiếu vắng như thể một mất mát từ qúa khứ vọng về..Thi ca mùa xuân vì thế, thường chuyên chở những vần điệu ray rứt tiếc nhớ làm lòng người chùng xuống như thể chìm vào thế giới xa xưa..
          Trước hết, hãy nghe Văn Nguyên Dưỡng tỏ bày tâm cảm lạnh cóng khi xuân về, như thể ngọn gió mùa đông lùa vào tâm hồn những kỷ niệm  buốt giá: 
                    Tết giữa mùa Đông hoa tuyết bay,
                   Căm căm gió trắng lạnh đầy tay...
                   Em đến hay không chiều vẫn đợi,
                   Phòng không sợ giá buốt đêm nay!
          Điều đáng buồn là gió trắng và hoa tuyết không làm đất bạc màu, nhưng chính lòng người đổi thay, thuyền chuyển bến, đã biến đất bằng thành chốn bể dâu như một vũng tang thương mãi vẫn không quên:
                   Đất bạc không vì đất bạc màu, 
                   Vì lòng không biết được nông sâu.
                   Kẻ đến người đi trên bến cũ
                   Chưa hẳn quên rồi cuộc biển dâu!..
          Nhất là cuộc đổi đời bi thảm năm 75 đã đóng băng như vết thương không bao giờ thành thẹo, bởi lẽ niềm đau còn nguyên như giọt máu tươi trên đầu súng với chí trai ngất ngưỡng, phủ lên đất nước một màu tang:
                   Trận vỡ cho lòng ta giá băng,
                   Sóng đỏ cuồng dâng ngập đất bằng;
                   Lớp lớp lê dân tràn mọi nẻo...
                   Phố cũ thành xưa mây phủ tang.
          Nhớ nước đã mất. Thương dân khốn khổ vì sóng đỏ ngập đất bằng. Còn em như niềm an ủi cuối cùng cũng đã “lỡ bỏ thuyền tình trên bến mộng”. Giờ đây chỉ còn lại mình ta trong phòng không se lạnh khẻ nhấp từng hớp ruợu cô đơn, vu vơ đợi ai… đợi ai…dù vẫn biết đó chỉ người tình trong mộng:
                   Độc ẩm hình như chưa đủ say,
                   Căm căm gió trắng lạnh đầy tay...
                   Em hẳn không về...sao vẫn đợi,
                   Phòng không se lạnh suốt đêm nay.
          Xuân đóng băng với Văn Nguyên Dưỡng, xuân lại bỏng cháy nắng hạ với Thu Tuyết từ Úc Châu, làm nhà thơ nghèn nghẹn nghe máu đào tan chảy:
                   Mặc áo xuân cho Melbourne đang hạ
                   Ngan ngát đất trời mùi nắng trải hanh hao
                   Chút nhớ thương tan chảy giọt máu đào
                   Nghe nghèn nghẹn thôi thì xuân trong hạ
 
                Cùng chung nỗi nhớ quê hương, Nguyễn Đức Bạt Ngàn đã trải vào thơ những vần điệu thật ngậm ngùi. Nhà thơ đã cảm nhận tính chất bi đát của cuộc tạm dung chẳng khác nào như cánh én lẻ bạn trong cuộc lưu đày với bao tủi nhục:
                   từ một lần hoạn nạn
                   cắn răng quên hẹn thề
                   ta chim trời lẻ bạn
                   giữa đường bay điên mê
          Tuy cắn răng quên hẹn thề của tuổi trẻ tang bồng, nhưng làm sao có thể ngoảnh mặt làm ngơ truớc cảnh quê hương quay cuồng trong bão táp, đất nước mò mẫm trong bóng đêm, xã hội đảo điên mất hết nhân tính và tình người:
                   sầu như bão táp
                   phận người bon chen
                   xót thời vô pháp
                   sơn hà tối đen
          Trong cơn bão thời mạt pháp hôm nay, Việt Nam chỉ còn là nhà tù, tù nhỏ cũng như tù lớn, hủy diệt bao tinh hoa, giết chết mọi quyền tự do, đày đọa cả giống nòi bạc phước:
                   miếng cơm ngụm nước
                   gông cùm đói no
                   giống nòi bạc phước
                   đâu rồi tự do
                Cảm nghiệm những mất mát to lớn đó, nhà thơ đã tự trách mình và thú tội với tổ tiên thay cho dân Việt, đã một lần ngây thơ ảo diệu, để toàn cõi đất nước lọt vào tay hoang thú. Hậu qủa thật bi thảm! Đất nước điêu linh, dân tộc ly tán:
                   tự một lần ảo diệu
                   tự một lần ưu mê
                   giờ ta, thân thất thoát
                   ôi mười năm xa quê
          Thế là mất tất cả! Đất nước lọt vào tay giặc. Em sang ngang vui duyên mới. Còn ta làm thân biết xứ cô đơn quạnh quẽ. Đó không chỉ là mối sầu riêng anh, mà là mối sầu chung của xứ sở, của kiếp người:
                   em nước mắt ta hồn sầu biệt xứ
                   hẹn hò nhau về trên bến nghìn trùng
                   em hôn phối ta sau này quạnh quẽ
                   vòng tay nào là xứ sở sầu chung
          Qua dòng thơ của Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích, chúng ta cũng cảm nghiệm sâu xa nỗi đoạn trường của người dân mất nước, đem sinh mạng đổi lấy 2 chữ tự do, chấp nhận cuộc sống lưu vong nhưng lòng luôn luôn hướng về quê cũ:
                   Tháng ngày quê cũ vấn vương 
                   Kỷ niệm xưa lắm đoạn trường thế nhân
                   Bước chân in dấu phong trần

                   Non cao đày đọa khổ thân một thời
          Trong đêm giao thừa hương khói nghi ngút, với cảm thức lưu vong, tác giả đã thầm nguyện giữ mãi tấm lòng sắt son với nước non:
                   Năm tàn đếm ánh sao rơi
                   Đêm Ba Mươi tính nửa đời lưu vong
                   Đốt hương nguyện với cõi lòng
                   Giữ hồn quê mẹ trắng trong xứ người
          Nơi đất khách, nhà thơ đành chấp tay khấn nguyện tổ tiên hộ phù con cháu thoát cơn hoạn nạn, độ trì đất mẹ yên vui, chờ mong mùa xuân thanh bình:
                   Mâm cơm cúng Tết Tiên đường
                   Vái hồn linh khắp mười phương hiện về
                   Độ trì đất mẹ trời quê
                   Một mùa Xuân mới bốn bề yên vui
          Với những vần điệu đấy hùng khí, Ngô Minh Hằng đã biểu tỏ quyết tâm đấu tranh, dùng ngòi bút làm vũ khí chiến đấu, quyết dựng lại mùa xuân dân tộc đã bị cướp mất:
                   Mẹ ơi, xuân đến, Xuân đang đến
                   Con vẫn bôn ba, vẫn xứ người
                   Vẫn bút con làm gươm chiến đấu
                   Vẫn thầm hẹn mẹ một ngày vui
          Không khỏi buồn lòng trước hiện tương một số người Việt bị tha hóa xa cội quên nguồn, nhưng nhà thơ vẫn tin tưởng vào tương lai đất nước, vì đa số con dân đất Việt vẫn một lòng son sắt với quê hương:
                   Cũng may, còn những lòng son sắt
                   Tổ quốc muôn đời ở trái tim
                   Mẹ có nghe không hồn nước gọi
                   Và người sẽ tỉnh giấc oan khiên !
          T niềm tin tưởng đó, nhà thơ đã mơ thấy ngày về vinh quang của trăm con bốn biển, cùng nhau núp dưới cánh mẹ đón chào mùa xuân:
                   Một ngày mẹ ạ, không xa nữa
                   Cờ sẽ vàng bay khắp núi sông
                   Con mẹ sẽ về bên cạnh mẹ
                   Mùa Xuân vì thế, đẹp vô cùng!
          Với niềm tin sắt đá, với lời nguyện thành khẩn, nhất là với quyết tâm đấu tranh, chắc chắn mùa xuân thanh bình sẽ trở về với dân Việt một ngày không xa..
         



Friday, February 8, 2019


NƯỚC MẮT MÙA XUÂN

Xuân về rồi! Sao quê hương thiếu nắng?
Trăm con Việt lòng buốt giá trời đông
Thương làm sao những mảnh đời héo úa
Biết bao giờ máu tươi nở đào hồng

Chợ xuân, hoa thắm muôn hương sắc
Áo lụa hồng bay theo gió thướt tha
Bên vỉa hè cha già ngồi run rẫy
Thương cháu con đánh mất tuổi ngọc ngà

Chiều óng ánh trên ngai vàng biệt phủ
Hoang thú vui cười ngạo nghễ cuồng điên
Trẻ thơ bới rác tìm hạt cơm đắng ngắt
Mẹ già thất thểu nghe ruột thắt từng cơn

Đường cao tốc trài dài bằng xương máu
Đưa dân Việt vào ngõ tối hoang sơ
Bờ sông nhỏ chiếc cầu tre đưa võng
Em tôi đó lần mò dệt tuổi thơ

Thành phố lên đèn cao ốc ngất nghểu
Nước mắt dân oan đẫm ướt công viên
Thiên đường xã hội, chao ôi! Là thế!
Người hưởng sang giàu kẻ nhấp oan khiên

Quê hương tôi nõn nà từng tấc đất
Cớ sao lâm cảnh  nước mất nhà tan?
Phồn vinh đó ư? Muôn ngàn giả tạo
Ai đành vô tâm bán rẻ giang san?

Đón xuân này hẹn xuân sau tái ngộ
Mai đào đua nở rộn muôn lòng
Pháo nổ dòn như tiếng xuân vạn thuở
Bốn phương về cùng nâng chén xuân nồng..
                             Ngô Đức Diễm









Thursday, February 7, 2019


ANH LẠI TRỞ VỀ ĐÓ SAO?

                      Ngô Quốc Sĩ
          Về thăm quê hương là một đề tài đang được dư luận bàn tán sôi nổi. Có người coi đó là chuyện bình thường, như Trịnh Công Sơn “em ra đi nơi này vẫn thế”  hay Đỗ Trung Quân “quê hương là chùm khế ngọt”. Nhưng đa số dân Việt lại bất bình trước hiện tượng dân Việt về thăm quê hương khi cộng sản còn ngự trị tại Hà Nội, coi đó là vô tâm vô cảm, nếu không nói là chối bỏ căn cước tị nạn và phản bội quê hương. Quan điểm cứng rắn đó đã được nhiều người tán thưởng, tiêu biểu như  Trần Văn Lương và Ngô Minh Hằng đã nhiều lần khẳng định, dứt khoát không về Việt Nam thăm nhà, nói chi đến việc hợp tác xây dựng chế độ! Có về là về để đấu tranh mà thôi! Mới đây, Trần Văn Lương đã cho phổ biến bài thơ “Mày lại về ăn Tết” để biểu tỏ nỗi bất bình trước sự kiện bạn bè rủ nhau về vui xuân tại Việt Nam.
          Vào thơ, tác giả chỉ trích thái độ lén lút của bạn bè, về quê ăn Tết mà không dám gặp ai, có lẽ vì mang mặc cảm tội lỗi, vội quên qúa khứ đau buồn của dân tộc sau khi cánh cửa tự do dân chủ khép lại một cách phi lý và tức tưởi.
              Tao mới biết mày luôn về "ăn Tết",
                   Nhưng mày hằng trốn biệt chẳng tìm tao,
                   Vì ngại tao túm áo hỏi tại sao
                   Mày không nghĩ đến đồng bào đất nước
          Chính vì mang mặc cảm tội lỗi, nên anh bạn đã phải đóng kịch để che mắt cộng đồng và bạn bè chiến hữu. Kịch bản “áo trận oai phong” qủa là trơ trẽn lố bịch chẳng giống ai!
              Tao nghe nói, có năm gần trước Tết,
                   Mày lên đồ lính trận thiệt oai phong,
                   Xuống Bolsa, hùng dũng giữa đám đông
                   Hô chống Cộng, trông vô cùng lẫm liệt.
          Đóng kịch rồi còn nói láo, biện minh để chạy tội, mượn cớ thăm nhà mà thực chất chỉ để vui chơi hưởng thụ cho thỏa thích:
              Mày xui xẻo giờ bị tao gặp phải,
                   Chẳng sượng sùng, còn lải nhải biện minh,
                   Nào đi xa nên nhớ quá quê mình,
                   Nào tiếng gọi gia đình không dám cãi!
          Theo Trần Văn Lương, có biện minh cũng vô ích, bởi lẽ về quê ăn Tết trong lúc này là một phản bội quê hương dân tộc và phản bội luôn cả thân nhân của mình. Với quê hương, mang tiền về ăn chơi phè phỡn chính là góp phần nuôi dưỡng bọn bất lương, đưa đất nước vào vòng hủy diệt:
                   Mày có biết khi xênh xang trở lại,
                   Mày vô tình đã làm hại quê hương,
                   Đã góp phần nuôi dưỡng bọn bất lương,
                   Đưa đất nước vào con đường hủy diệt
          Với dân tộc, về quê vui chơi ngày Tết chính là hưởng thụ trên nỗi chết của đồng bào, đồng hóa với bọn người tha hóa tại quê nhà, vô tâm vô cảm và vô can,  sống chết mặc bay, mất cả tình người và nhân tính:
              Mày có thấy thường dân bị đánh giết,
                   Khách trên đường chỉ liếc mắt rồi thôi,
                   Vẫn thản nhiên, vẫn phớt tỉnh nói cười,
                   Nhân tính của người thời nay thế đó!
          Ngay cả với thân nhân, về quê vui chơi phè phỡn có khác nào bổ xuống con tim rướm máu những nhát dao nhọn, khơi lại vết thương ngàn đời không thể khâu vá! Nào  là xác vợ trôi dạt trên biển Đông, nào là nỗi nhục nhã trong trại tị nạn Thái:
                   Chuyện quá khứ mày đà quên hết tiệt,
                   Quên vợ con mày chết ở Biển Đông,
                   Quên những ngày trại tỵ nạn long đong
                   Khúm núm sợ phật lòng thằng gác Thái.
          Quên qúa khứ tủi nhục là một trọng tội. Nhưng quay mặt đi trước tội ác của cộng sản hôm nay lại càng đáng lên án hơn. Đảng cộng sản Việt Nam chính là đảng ác, với bộ máy chém giết, dương cao cánh tay đao phủ của bọn công an bất lương và bất nhân, chỉ biết vơ vét tài sản dân lành:
                   Mày có thấy bầy công an cán bộ
                   Bắt con dân yêu nước bỏ vô tù,
                   Bao nhà nông tài sản bị tịch thu
                   Chỉ còn biết ngậm căm thù, nuốt lệ?
          Đáng nói nhất là hiện thực bi đát của quê hương thân yêu hôm nay.Trước đây, tuổi trẻ bị đầu độc với tuyên truyền láo khoét và những giáo điều vô nghĩa. Hôm nay tuổi trẻ lại bị đầu độc trong nếp sống buông thả trác táng. Trai thì vùi đầu ăn chơi thỏa thích không còn nghĩ đến ngày mai, gái thì bán thân nuôi miệng, nô lệ tình dục cho ngoại nhân. Nỡ nào dân Việt có thể quay mặt đi trước hoàn cảnh thương tâm đó, hớn hở về quê ăn Tết vui xuân?
                   Mày có thấy đám đầu xanh tuổi trẻ,
                   Trai rạc rài chẳng kể đến ngày mai,
                   Gái bán rao trinh tiết tận nước ngoài?
                   Đấy, hy vọng cùng tương lai nước Việt!
          Đó là chưa nói tới thảm họa mất nước đã gần kề. Ngàn năm giặc Tàu, trăm năm giặc Tây đã không làm dân Việt mất chân đứng trong dòng lịch sử chống ngoại xâm. Dân Việt đã anh dũng chiến đấu, đã chiến thắng vẻ vang. Đất nước trường tồn và vươn lên như Việt Điểu.  Nay cộng sản đã đem búa liềm cờ đỏ về tắm máu dân tộc, lại còn đem gia tài của mẹ dâng hiến cho ngoại bang. Nền Bắc Thuộc mới đã bắt đầu. Chủ trương Hán Hóa đang được thực hiện từng bước. Dân Việt có thể khoanh tay nhìn kẻ thù truyền kiếp đày đọa và đồng hóa dân mình được sao?
                   Giang san đã bán cho Tàu,
                   Người về "ăn Tết" có đau tấc lòng?
          Không đau sao được! Khắp nẻo đường đất nước, tràn ngập bước chân ngoại thù truyền kiếp của dân tộc. Phố xá, nếp sống, ngôn ngữ đã bị xâm lấn, trở thành xa lạ:
                   Mày có thấy năm nay về "ăn Tết",
                   Bắc đến Nam, nhốn nháo Chệt đầy đường,
                   Trong lòng mày có thoáng chút buồn thương
                   Cho vận mệnh của quê hương đất nước?
          Nếu Việt Khang đã hỏi “Việt Nam tôi đâu?”, thì Trần Văn Lương cũng nghẹn lời thốt lên một cách xót xa, Việt Nam tôi không còn, bởi lẽ nền Bắc Thuộc mới đã hiện nguyên hình, chỉ còn leo lét ánh đuốc buồn giữa đêm đen:
                   Thêm một lần Bắc thuộc,
                   Leo lét buồn ánh đuốc giữa đêm đen.
          Sao anh lại về? Chẳng lẽ dân Việt vội quên tủi hận qúa khứ và làm ngơ trước hiện thực đau buồn để vui chơi khi quê hương tả tơi như xác pháo hay sao? Chỉ khi nào đất nước vắng bóng cộng sản, thì Tết mới  thật vui, xuân mới thật tươi, và ánh đuốc mới tỏa sáng như trăng rằm trên quê hương Việt Nam!