Thursday, October 4, 2018


VÔ DUYÊN CHI LẠ
                                                                        Ngô Quốc Sĩ
                Khóc với cười là chuyện thường tình của con người ở đời có vui buồn sướng khổ. Vui sướng thì cười, buồn khổ thì khóc là lẽ đương nhiên. Nhưng lắm lúc cũng có những hoàn cảnh thật trớ trêu “Khi vui muốn khóc buồn tênh lại cười” như Nguyễn Công Trứ đã ghi nhận. Thậm chí, còn có những cái cười mỉa mai như tiếng cười hả hê của dân Việt trước cái chết Trần Đại Quang và Đỗ Mười , hay những cái khóc thật buồn cười của cổ động viên và cầu thủ Việt Nam khi đội bóng nhà U23 thua đội tuyển Myanmar 2 năm trước đây. Từ Tiền Giang, Kha Tiệm Ly đã viết bài thơ “Có Đáng Khóc Không Em?” để biểu tỏ sự tức bực trước cái khóc “dư nước mắt”, vô duyên và tủi hổ mỉa mai, làm hoen mờ suy tư về hiện thực đất nước đang lầm than điêu đứng:
                   Chỉ vì cầu thủ ta thua một trận Si Gem
                   Mà nước mắt em ngập khán đài nước bạn
                   Làm mờ đi những suy tư trên vầng trán
                   Nước mắt em thừa thãi thế sao em?
          Bực mình là phải, bởi lẽ trong khi dân Việt đang nhỏ lệ trước thảm cảnh trẻ thơ phải mò mẫm trong đêm tối, vất vưởng đầu đường xó chợ, như những kẻ ăn xin, hay lê lết dưới bàn nhậu bọn tham quan, chờ một nắm cơm thừa, thì người ta lại quay mặt đi, để rồi khóc cho những qủa banh vô hồn tung lưới:
                   Còn giọt nào chừa lại ở trong em
                   Để dành cho những mảnh đời cơ nhỡ
                   Vất vưởng lang thang đầu đường xó chợ
                   Cả cuộc đời chẳng khác một màn đêm!
          Thê thảm hơn nữa là nỗi đau của những em học sinh thơ ngây, trong tuổi hoa mộng, đã phải liều thân qua sông vượt suối bằng cầu treo vắt vẻo, bằng bao ni lông lềnh bềnh, hay đu dây tử thần qua vách núi để đến trường, chỉ mong học được ít chữ nghĩa để khỏi mang tiếng thất học ngu dốt . Có khóc là khóc tuổi thơ đang bị chế độ bỏ quên, là khóc cho tuơng lai dân tộc đang đi vào ngõ cụt, cho nền giáo dục đã bị phá sản và nền văn hoá đã băng hoại:
                   Hay khóc cho các em đến trường ngày hai buổi
                   Bằng bao ni lông, bằng những chiếc cầu treo
                   Hay đu dây tử thần qua bên kia suối
                   Gởi mạng mình cho vách núi cheo leo!
                Và còn đáng nhỏ lệ để tiếc thương những chiến sĩ đã nằm xuống cho chính nghĩa dân tộc, cho lý tưởng tự do, cho nhân quyền và nhân phẩm, cho công lý và sự thật, thay vì khóc cho trái cầu da vô tình lăn trên thảm cỏ. Những nấm mồ vô danh, những nắm xương vô thừa nhận đang chờ đợi những gịọt nước mắt cảm thương của con dân đất Việt, dù không một bó hoa, một nén nhang tưởng nhớ:
                   Ước gì một phần nước mắt của em
                   Dành cho những anh hùng nằm xuống
                   Để lấy tự do, để giành từ bờ cây thửa ruộng
                   Mà nắm xương tàn giờ chẳng biết nơi đâu!
          Thêm vào đó, sao không dành nước mắt để khóc cho những ngư thuyền bị tàu lạ đánh chìm, những ngư dân ra khơi kiếm sống trong vùng biển nước mình, mà bị người anh em “láng giềng tốt” vùi xuống lòng biển sâu, nhắm mắt không một lời trăn trối, để lại cả nỗi đoạn trường cho vợ con, với niềm thương nhớ bay theo hương khói trên những nấm mộ hoang:
                   Sao em chẳng khóc cho những chiếc tàu đánh cá
                   Đang lướt êm đềm trên mặt biển quê hương.
                   Rồi vô cớ bị đâm chìm bởi những con “tàu lạ”
                   Cho vợ con bơ vơ cạn lệ đêm trường!
                   Những gì để lại chỉ là ngôi mộ gió
                   Khói nhang buồn cay mắt đau thương!
                Và trên tất cả, hãy dành nước mắt để khóc cho thảm cảnh nước mất nhà tan. Giang sơn gấm vóc, với lịch sử kiêu hùng, với   văn hiến ngàn năm, tổ tiên đã dày công xây dựng tô điểm, nay bọn con hoang đã dâng hiến sơn hà biển đảo cho ngoại bang để đổi lấy chiếc ghế lãnh đạo, phè phỡn ngồi trên ngai vàng hưởng thụ, mặc cho dân chúng đói không cơm ăn, rét không manh áo, bệnh không thuốc men chữa trị:
                   Ước gì một phần nước mắt của em
                   Để khóc cho một dãy sơn hà.
                   Của tiền nhân tạo bằng xương bằng máu
                   Nay đã mất rồi núm ruột Hoàng Sa!
          Oan uổng nhất là những anh hùng liệt nữ đã nắm xuống trong lòng đất mẹ, một thời một đời xả thân bảo vệ tổ quốc, trên đất liền cũng như ngoài biển đảo, nay hoàn toàn bị lãng quên! Ai đã hy sinh tính mạng quyết bảo vệ Hoàng Sa năm 1974? Ai đã bỏ xác tại biên giới trong cuộc chiến 1979?  Và ai đã nhắm mắt tức tưởi tại Gạc Ma năm 1988 ? Tất cả chỉ còn những nắm xương tàn bị chế độ bỏ quên, không tên tuổi, không nghĩa trang, không nhang khói tưởng niệm:
                   Để khóc cho những anh hùng chết trên đất liền, hải đảo
                    Như Bắc biên thùy, như ở Gạc Ma!   

          Còn nỗi xót xa nào hơn nỗi xót xa thấy những dòng lệ nhỏ xuống một cách vô duyên trên sân bóng tròn huyên náo, trong khi đất nước đang bị nhận chìm dưới vực thẳm, dân tộc bị đày đọa trong gông cùm và văn hoá bi phá sản toàn diện! Thế chẳng là vô duyên, đúng hơn là vô tâm vô cảm, nếu không nói là mê muội trước nỗi đau chất ngất của dân tộc đó sao? Qủa là bốn ngàn năm vẫn chưa chịu lớn như lời cô giáo Lam, hay là nỗi chết trong tâm hồn của Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt:
                   Em khóc chi một trận thua bóng đá
                   Thắng chưa hẳn vinh, bại chắc chi đã nhục
                   Là trò chơi có gì đâu vinh, nhục?
                   Tổ quốc mất, còn mới vinh, nhục em ơi!
          Đúng thế! Niềm vinh nhục của dân Việt chính là sự tồn vong của tổ quốc. Làm dân một nước nô lệ ngoại bang mà không biết nhục là vong bản. Làm dân một nước mà quay mặt đi trước nỗi thống khổ của đồng bào là tha hóa mất gốc. Cũng thế, làm dân một nước mà đem gia tài của mẹ bán đứng cho ngoại tặc là phản bội tổ tiên, và chắc chắn, trời không tha đất không dung…Hỡi những ai  đã khóc sụt sùi trên sân bóng đá mà reo cười trước cảnh đất nước điêu linh, dân tộc tan tác, hãy mau hồi tâm mà nhận thức rằng “Tổ Quốc mất còn mới vinh nhục em ơi!”

         


No comments:

Post a Comment