Friday, October 26, 2018


DẤU CHÂN LỊCH SỬ BI HÙNG
Giới thiệu tác phẩm
Trần Văn Thạch
Cây bút chống bạo quyền áp bức”

        Tác phẩm mang tên “Trần Văn Thạch, Cây Bút Chống Bạo Quyền Áp Bức”, xin mạo muội gọi là “Dấu Chân Lịch Sử Bi Hùng.” Đây là một tập biên khảo dày 506 trang gồm 6 chương và phần Phụ Lục, ghi dấu cuộc tìm kiếm rất công phu một nhân vật lịch sử với quyết tâm dùng ngòi bút chống lại bạo quyền và áp bức. Đối tượng tìm kiếm là Trần Văn Thạch, một nhà đấu tranh thuộc nhóm Đệ Tứ, và người đi tìm  là Trần Mỹ Châu, ái nữ của nhân vật chính, đã lạc mất lối đi của người cha thân yêu từ buổi thiếu thời.
          Một số người tỏ ra dị ứng với nhóm Đệ Tứ, cho rằng là Đệ Tam hay Đệ Tứ thì cũng đều là cộng sản bị nhiễm độc bởi tư tưởng Mác Xít. Thực ra, nếu tìm hiểu thấu đáo, chúng ta sẽ có một cái nhìn chân xác hơn về lòng yêu nước của những nhà ái quốc thuộc phái Troskist Việt Nam như Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Bùi Quang Chiêu, Hồ Văn Ngà, Hồ Hữu Tường và đặc biệt là Trần Văn Thạch..
          Cuộc truy tầm lịch sử trải dài qua những nguồn tài liệu tiếng Việt và thiết yếu là tiếng Pháp, với những sử gia tên tuổi, những chứng liệu và chứng nhân đáng tin cậy, đúng như ghi nhận của Phan Thị Trọng Tuyến người đặc trách chuyển ngữ Pháp-Việt: “ Chị lùng lục khắp các thư viện, hỏi han các sử gia trên thế giới. Chị theo dõi từng bước đi của cha, kiếm tìm từng bài trong những tờ báo cũ, như những mẩu đời ngắn gọn với những con số cho biết ngày tháng, như một thứ nhật ký, những mảnh ghép rời rạc mục nát..”
          Qua nét bút Trần Mỹ Châu, được biết Trần Văn Thạch là một nhà trí thức miền Nam, sang Pháp du học tại Đại học Toulouse năm 1926. Ông đã  tham gia phong trào trí thức chống chế độ thuộc địa, gồm nhiều khuynh hướng được gọi là “Pháp Việt đề huề,” có cả quốc gia, cộng sản và trotskist, gọi là “Đệ Tứ”, để phân biệt với cộng sản Đệ Tam của Stalin.
          Sau khi trở về nước tiếp tục tranh đấu chống chính sách đô hộ của thực dân, Trần Văn Thạch bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo cùng một số đồng chí, sống đời lao tù thật ác nghiệt: “Chế độ cấm cố đày đọa khắc nghiệt, bị đánh đập thường xuyên, phòng giam chất ních bẩn thỉu, ăn uống thiếu thốn..Tù chính trị chết nhiều, chết vì bị hành hạ, thiếu ăn, thiếu thuốc men, bệnh tật, nhất là bệnh kiết lỵ và phù thủng..” Điều cần nói ngay, là ông Thạch không chết vì thực dân, mà lại chết thảm trong tay cộng sản Đệ Tam đã từng một thời hợp tác tranh đấu..
          Đi sâu vào tác phẩm, chúng ta sẽ nhận thức rõ ràng lý tưởng, chủ trương đường lối và phương thức cũng như đối tượng đấu tranh của nhóm Trotskist nói chung và Trần Văn Thạch nói riêng.
          Về lý tưởng đấu tranh thì phái Troskist quyết chống lại áp bức và bạo quyền nhằm thực hiện độc lập tự do và dân chủ.
          Về chủ trương và đường lối thì phái Trotskist quyết thực hiện “cuộc cách mạng thường trực” biến cuộc “cách mạng tư sản đang bùng nổ tại Âu Châu thành cuộc cách mạng vô sản, và biến cuộc cách mạng vô sản quốc gia thành cuộc cuộc cách mạng vô sản quốc tế.
          Về phương thức đấu tranh, thì có sự phối hợp giữa mặt trận truyền thông báo chí và hoạt động nghị trường với chủ truơng đấu tranh  ôn hòa bất bạo động, như tác phẩm đã khẳng định: “Thạch lúc nào cũng chủ trương tranh đấu công khai hợp pháp, ôn hòa bất bạo động,  trên báo chí, tại nghị trường để nhân dân có quyền tự do dân chủ căn bản, để công nhân nông dân và lao động không bị bóc lột, để  dân nghèo được phúc lợi xã hội, để quần chúng không bị thực dân, tư sản quan lại hà hiếp..”
          Truyền thông thì tờ La Lutte được coi là cơ quan ngôn luận chính thức của nhóm Trotskist.Trên diễn đàn nầy, Trần Văn Thạch đã tạo được uy tín và niềm tin quần chúng, như bà Phương Lan Bùi Thế Mỹ đã viết: “Trên văn đàn La Lutte, Thạch được ngưỡng mộ , chính trường,  cách mạng. Thạch được nhiều guời kính mến, tôn sùng. Họ thường đến báo quán La Lutte ở số 99 đường Lagrandere để được biết mặt Thạch, tiếp xúc với Thạch là một vinh hạnh cho họ nhiều..”
          Hoạt động nghị trường thì nhóm La Lutte  đã tranh cử vào Hội Đồng Thành Phố với danh hiệu “Lao Động”, và 4 người đã trúng cử, gồm Trần Văn Thạch và Tạ Thu Thâu thuộc khuynh hướng Đệ Tứ, Nguyễn Văn Tạo và Dương Bạch Mai thuộc khuynh hướng Đệ Tam.
          Ban đầu, lý tưởng và đường lối đấu tranh đã thu hút giới trí thức Việt Nam tại Pháp, quy tụ nhiều tên tuổi vào một tổ chức chung dưới cái dù Mác Xít.  Điều đó đã biện giải lời tự thú của Milovan Djilas, Bí Thư Đảng cộng sản Nam Tư: “ 20 tuổi mà không theo cộng sản là không có trái tim. 40 tuổi mà không từ bỏ cộng sản là không có cái đầu..”
          Đúng thế, sau một thời gian ngắn, cái đầu đã giúp cho nhóm Trotskist nhận ra bản chất độc ác của cộng sản nên mới tách rời khỏi cộng sản Đệ Tam thành lập nhóm Đệ Tứ
          Tác phẩm đã làm sáng tỏ những khác biệt căn bản giữa hai khuynh hướng chính trị nói trên:
-        Đệ Tứ thể hiện lòng yêu nước chân chính, yêu quốc gia dân tộc, chứ không đồng hóa yêu nước với “yêu  xã hội chủ nghĩa” như Đệ Tam.
-         Đệ Tứ theo đuổi lý tưởng dân chủ tự do thực sự trong khi Đệ Tam chủ trương độc tài toàn trị, bóp chết tự do dân chủ.
-        Đệ Tứ coi cuộc tranh đấu là nỗ lực chung của toàn dân, chứ không tôn sùng cá nhân như Đệ Tam, tiêu biểu như Tố Hữu tôn thờ Stalin:
              Yêu biết mấy nghe con tập nói
              Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!
              Mồm con thơm sữa xinh xinh
              Như con chim của hoà bình trăng tron

     Hay Đỗ Nhuận tôn thờ Hố Chí Minh:
              Tháp Mười đẹp nhất bông sen
              Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ

-        Đệ Tứ chủ trương tranh đấu ôn hòa bất bạo động, khác với Đệ Tam chủ trương sắt máu “giết giết nữa bàn tay không ngưng nghỉ..”
          Tác phẩm xác định:  “Những người Đệ Tứ chống đối thuyết “thực hiện xã hội chủ nghĩa trong một nước do Staline đề xướng, chống chế độ độc đảng quan liêu và sùng bái cá nhân Stalin của Đệ Tam Quốc tế..”
          Như thế, cuộc đấu tranh của Trần Văn Thạch và nhóm Đệ Tứ nhắm vào  2 đối tượng, một là thực dân Pháp, hai là cộng sản Đệ Tam.
          Đệ Tứ đã coi cộng sản Đệ Tam là thảm họa của dân tộc: “Cách mạng Tháng tám thường được nhắc lại là một điểm vinh quang trong lịch sử kháng chiến Nam Bộ, nhưng nó cũng mang cái tang rất lớn cho dân tộc: Cả một tầng lớp nhân sĩ, trí thức yêu nước bị giết chết ở tuổi trung niên, ở tuổi còn nhiều tiềm lực đóng góp cho đất nước. Hậu qủa thảm khốc của một chính sách độc quyền lãnh đạo trong tay những người với bản chất hung bạo, tư tưởng cực đoan..”
          Cần mở dấu ngoặc để minh định rằng, chủ trương “quốc tế vô sản chuyên chính” một thời thu hút trí thức Việt Nam, nay không còn thích hợp với xu thế thời đại. Đông Âu và ngay cả Liên Sô cũng đã từ bỏ thiên đường chuyên chính vô sản. Nay Trung cộng và Việt cộng cũng đang tập tễnh bước vào con đường tư bản với các nhóm lợi ích. Nhưng chúng ta không thể phủ nhận lòng ái quốc và lý tưởng dân chủ mà nhóm Troskist theo đuổi, dân chủ đích thực, chứ không phải dân chủ giả hiệu bánh vẽ của cộng sản Đệ Tam.
          Xung khắc Đệ Tứ với Đệ Tam đã đưa đến phỉ báng, nhục mạ và tiêu diệt nhau. Nguyễn Ái Quốc tức Hồ Chí Minh đã lên án nhóm Đệ Tứ bằng những lời lẽ ác hiểm hết chỗ nói: “Trong tất cả các nước, bọn Trotkít đều dùng những tên gọi hoa mỹ để che dấu những công việc kẻ cướp bẩn thỉu của chúng. Bọn Trotkít không chỉ là kẻ thù của chủ nghĩa cộng sản, mà còn là kẻ thù của nền dân chủ tiến bộ. Đó là bọn phản bội và mật thám tồi tệ nhất..”
          Trường Chinh đã nhại theo Nguyễn Ái Quốc, chụp mũ Đệ Tứ là việt gian làm chó săn cho Nhật: “Bọn Trotkít khua môi múa mép hồi mặt Trận Dân Chủ Đông Dương, nay đã hoàn toàn làm chó săn cho Nhật..”
          Trần Huy Liệu cũng rập khuôn theo Nguyễn Ái Quốc và Trường Chinh chụp mũ những người Trotskist là tay sai của Phát Xít: “Bọn Trotkít, con đẻ sinh đôi và tay sai của phát xít Nhật”
          Chụp mũ và nhục mạ phỉ báng, Nguyễn Ái Quốc còn chỉ thị đàn em phải thẳng tay tiêu diệt những người Đệ Tứ: “Đối với bọn Trotkít, không thể có thỏa hiệp nào, một nhượng bộ nào. Phải dùng mọi cách để lột mặt nạ làm tay sai cho chủ nghĩa phát xít. Phải tiêu diệt chúng về chính trị..”
          Thế rồi việc gì phải đến cũng đã đến, và số phận Trần Văn Thạch đã được an bài như lời kể của nhà báo Nguyễn Kỳ Nam: “Phòng nhóm im lặng như tờ. Mọi người đều nhìn Thạch như biết số mạng của Thạch đã định..nơi khẩu súng lục kia rồi.. Tôi hồi hộp. Tim đập mạnh. Từ đó, tôi mất hết tinh thần. Nhiều bạn ký giả ngồi chung quanh tôi thì thầm: Thạch đã tự mình ký tên vào bản án tử hình rồi..”
          Kết qủa thế nào thì ai cũng có thể đoán được. Hãy nghe Trần Văn Tự kể lại trong chương 3, dưới tiêu đề ‘Thương Nhớ Cha” như sau: “Dì Ba tiếp một người khách lạ. cả hai nói chuyện thì thào, tôi không nghe rõ được. Chỉ thấy dì thỉnh thoảng lấy khăn lau nuớc mắt. Cuối cùng khách cũng đứng dậy cáo từ nói: Em xin chị cho em gửi lại cái đồng hồ và cặp mắt kiếng của anh Thạch để làm kỷ niệm. Còn quyển sổ tay xin gửi lại chị. Ra khỏi đây, em sẽ đi biệt vô âm tín. Xin chị đừng tìm..”
          Người đưa tin rồi ra đi biệt vô âm tín là một tù nhân bị nhốt chung với Trần Văn Thạch, cho biết Việt Minh đã bắt và thủ tiêu ông cùng lúc với nhiều người khác..Thật đau lòng phẫn nộ đến nghẹn lời! Ông ra đi khi tuổi mới 40 với trí óc sáng suốt và con tim nồng cháy “Tứ thập nhi bất hoặc!”(Xin một phút yên lặng để tưởng nhớ người qúa cố…)
          Cuộc tìm kiếm lịch sử của Trần Mỹ Châu thật đáng ca ngợi. Ái nữ của Trần Văn Thạch đã tìm thấy vết chân của người cha như một dấu chấm, đúng hơn như một nét son trong dòng  sử Việt được mô tả là “tuôn tràn trên lửa máu”. Điều đáng nói là qua tác phẩm “Trần Văn Thạch , Cây Bút chống bạo quyền áp bức” chúng ta đã rút tỉa được những bài học lịch sử thật qúy giá, “ôn cố nhi tri tân
          Thứ nhất là bài học về lòng yêu nước thể hiện trong lý tưởng đấu tranh cho nền độc lập và hạnh phúc toàn dân. Ông Thạch viết: “Chỉ cần chúng tôi có một trái tim và một chút lương tri là đủ để chúng tôi là đủ để chúng tôi mong muốn đất nước chúng tôi được độc lập tự do..” Thực dân  bóp chết tự do với áp bức tù đày. Cộng sản Việt Nam cũng giết chết tự do với búa liềm cờ đỏ, biến Việt Nam thành nhà tù lớn, thành địa ngục trần gian được Dương Thu Hương mô tả là nơi chỉ có “vàng của kẻ thống trị trộn với máu và nước mắt của dân tộc bị trị..”       . Với lòng yêu nước thiết tha đó, Văn Thạch đã đi vào lịch sử với con đường mang tên Trần Văn Thạch dưới thời chính phủ Việt nam Cộng Hoà..
          Thứ hai là bài học về sự tri thức chính trị. Tuy ban đầu, với nhiệt tâm tuổi trẻ yêu nước, Trần Văn Thạch đã bị cuốn hút vào qũy đạo Mác Xít, hợp tác với những người cộng sản Đệ Tam sắt máu như Nguyễn Ái Quốc, Trần Văn Giàu,Trường Chinh ..Nhưng  ông đã sớm nhận ra bộ mặt thật của cộng sản Đệ Tam, và quyết chống lại chế độ phản bội bất nhân đó. Kết qủa, ông đã bị thủ tiêu bởi chính tay những người đã từng là đồng chí một thời! Đây hẳn là bài học qúy giá cho những ai còn ngây thơ hợp tác xây dựng cỗ máy chém giết hôm nay, chưa chịu mở mắt mà  học bài học qúa khứ, mà nhìn các nạn nhân như tướng Chu Văn Tấn, Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Đinh Đức Thiện bị thanh toán, Nguyễn Bá Thanh đã bị hạ độc, Phùng Quang Thanh, Đinh Thế Huynh mất tích bí ẩn, nhất là Trần Đại Quang vừa bị triệt hạ trong tủi hận..
          Thứ ba là bài học về đấu tranh cách mạng. Đâu có áp bức và bất công thì đó có đấu tranh cách mạng. Trần Văn Thạch đã chống lại thực dân Pháp tàn ác, bất nhân tiêu biểu như Toàn Quyền Decoux “ Làm vua một cõi, thẳng tay trừng trị những ai mà ông coi là kẻ thù thâm căn cố đế của Pháp quốc, những người chống chế độ thực dân.” Ông cũng chống lại chính sách bạo trị bất nhân của cộng sản Đệ Tam, với khẩu hiệu “Trí Phú Địa Hào đào tận gốc trốc tận rễ hay “thà giết lầm còn hơn bỏ sót”
          Thứ tư là bài học về tự cường tự lập. Mỗi quốc gia đều đặt quyền lợi nước mình trên hết, nên dân Việt không thể trông chờ hay ỷ lại vào ngoại bang, mà phải tự mình đứng vững và vươn lên. Ông Thạch đã viết trên Diễn Đàn Đông Dương: “Hỡi dân tộc An Nam, đừng chờ ai hết, tưoơng lai dân tộc tùy thuộc ở chính dân tộc An nam mà thôi!” Đây hẳn là bài học sinh tử cho chế độ Việt gian Hà Nội đang nhẫn tâm làm tay sai Bắc Triều, gây bao oan khiên cho dân tộc!
          Như bài học kết thúc, Trần Văn Thạch đã nhấn mạnh vai trò quần chúng đối với chính quyền, như thể nước đưa thuyền đi và cũng có thể nhận chìm thuyền bất cứ lúc nào. “Chừng nào mà chính phủ còn được dư luận quần chúng ủng hộ, thì chừng đó họ còn đứng vững. Ngày nào mà dư luận không thích họ nữa, thì coi như ngày đó họ đã chết..” Đây hẳn là lời cảnh cáo chế độ cộng sản Việt Nam hôm nay đang mất chỗ đứng trong lòng dân tộc, và tất nhiên đang tuột dốc trên đà tự diệt..
          Lời cảnh báo của Trần Văn Thạch đang ứng nghiệm tại Việt Nam hôm nay với khí thế Diên Hồng chuẩn bi cho ngày toàn dân quật khởi. Dân Việt quyết không để một tấc đất lọt vài tay ngoại bang, và quyết tiêu diệt cộng sản Việt gian đang nhẫn tâm bán nước cầu vinh. Chắc chắn nơi chín suối, Trần Văn Thạch sẽ mỉm cười nhớ lời tiên tri của Nguyễn Chí Thiện “Khi  đất trời gió nổi.Tàn hung ơi! Bão lửa! Trốn vào đâu? Bám vào đâu?”
                                                          Ngô Quốc Sĩ
         
         
         

No comments:

Post a Comment