CẢM NHẬN TỪ ĐƯỜNG PHỐ
VIỆT NAM
TS.Nguyễn Văn Tuấn
Tôi vừa có một chuyến đi gần 1
tháng ở bên nhà. Đó là một thời gian tương đối dài đối với tôi, một phần là vì
công việc, và một phần khác là nghỉ hè. Chính vì hai việc này mà tôi có dịp đi
đây đó, và có dịp quan sát quê hương -- không phải từ phòng máy lạnh, mà từ thực
địa. Tôi e rằng những quan sát và cảm nhận của tôi hơi bi quan.
Thú thật, tôi không thấy một Việt
Nam sẽ "tươi sáng", mà chỉ thấy một đất nước sẽ tiếp tục tụt hậu và lệ
thuộc, nhất là trong bối cảnh cộng đồng kinh tế ASEAN
1. Một đất nước trên đà
suy thoái.
Cái ấn tượng chung và bao quát
trong chuyến về thăm quê là đất nước này đang trên đà suy thoái hầu như về mọi
mặt. Mặc cho những con số thống kê kinh tế màu hồng được tô vẽ bởi Nhà nước,
trong thực tế thì cuộc sống của người dân càng ngày càng khó hơn. Hơn 70% dân số
là nông dân hay sống ở miệt quê, nên chúng ta thử xem qua cuộc sống của một gia
đình nông dân tiêu biểu, gồm vợ, chồng và 2 con. Gia đình này làm ra gạo để các
tập đoàn Nhà nước đem đi xuất khẩu lấy ngoại tệ (và chia chác?) nhưng số tiền
mà họ để dành thì chẳng bao nhiêu.. Gia đình này có thể có 5 công đất (hoặc cao
lắm là 10 công đất), sau một năm quần quật làm việc "bán mặt cho đất, bán
lưng cho trời", cả nhà chỉ để dành khoảng 10-15 triệu đồng, có khi còn
không bằng một bữa nhậu của các quan chức.
Cuộc sống của người nông dân là nợ triền miên.. Đầu mùa thì vay ngân hàng để
mua giống, mua phân, mua thuốc trừ sâu; thu hoạch xong thì phải trả nợ cộng tiền
lời cho ngân hàng. Rồi đến mùa vụ kế tiếp thì cái vòng vay - trả nợ lại bắt đầu.
Con của người nông dân đi học, thì mỗi đứa phải gánh ít nhất là 10 loại phí
khác nhau, có khi lên đến 20 phí! Các trường, các uỷ ban nhân dân, các cơ quan
công quyền, v.v. đua nhau sáng chế ra những loại phí để moi móc túi tiền người
dân vốn đã quá ít ỏi. Họ không cần biết người dân có tiền hay không, phí là
phí, và phải đóng phí. Không ít gia đình không có tiền đóng phí nên cho con nghỉ
học. Đã có tình trạng người dân không đủ tiền trả viện phí nên tìm đến con đường
tự tử.
Môi trường sống xuống cấp thê thảm. Sự gia tăng dân số gây áp lực vô cùng lớn đến
môi sinh. Mật độ dân số tăng nhanh, ngay cả ở vùng nông thôn. Có thể nói rằng hầu
hết các con sông ở VN đang chết. Tất tần tật, kể cả heo gà và có khi cả người
chết, cũng bị vứt xuống sông.
Những con sông VN đang chết vì
chúng đã biến thành những bãi rác di động khổng lồ. Đó là chưa nói đến sự xâm
nhập của nước mặn vào các con sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long, một phần là do
mấy cái đập lớn Tàu xây trên thượng nguồn của sông. Tôi cho rằng sự suy thoái về
môi trường là mối đe doạ lớn nhất đến sự tồn vong của đất nước.
Ở đất nước này, chính quyền đã mắc
cái bệnh vô cảm quá lâu, và bệnh đã trở thành mãn tính, rất khó cứu chữa. Cái bệnh
vô cảm của chính quyền nó còn lan truyền sang cả xã hội, mà trong đó mọi người
dùng mọi phương cách và thủ đoạn để tranh nhau ngoi lên mặt đất mà sống.. Có thể
nói cả xã hội đang chạy đua. Cái chữ "chạy" ở VN đã có một ý nghĩa
khác... Dân chạy để đưa con cái vào đại học, vào cơ quan Nhà nước để hi vọng đổi
đời. Quan chức cũng chạy đua vào các chức vụ trong guồng máy công quyền, và họ
chạy bằng tiền. Tiền dĩ nhiên là từ dân. Thành ra, cuối cùng thì người dân lãnh
đủ. Sự suy thoái ở VN diễn ra trên mọi mặt, từ kinh tế, môi trường, y tế, giáo
dục, đến đạo đức xã hội.
2. Đất nước đang bị "bán"
Một anh bạn tôi vốn là một doanh
nhân (businessman) thành đạt cứ mỗi lần gặp tôi là than thở rằng đất nước này
đang bị bán dần cho người nước ngoài. Mà, đúng là như thế thật. Ở khắp nơi, từ
Đà Nẵng, đến Nha Trang, tận Phú Quốc, người ta "qui hoạch" đất để bán
cho các tập đoàn nước ngoài xây resort, khách sạn, căn hộ cao cấp. Một trong những
"ông chủ" mới thừa tiền để mua tất cả của Việt Nam là người Tàu lục địa.
Chẳng những đất đai được bán, các thương hiệu của VN cũng dần dần bị các tập
đoàn kinh tế nước ngoài thu tóm và kiểm soát. Chẳng hạn như các tập đoàn Thái
Lan đã thu tóm những thương hiệu bán lẻ và hàng điện tử của Việt Nam.. Tuy
nhiên, người dân có vẻ "ok" khi người Thái kiểm soát các cửa hàng
này, vì dù sao thì người Thái đem hàng của họ sang còn có phẩm chất tốt và đáng
tin cậy hơn là hàng hoá độc hại của Tàu cộng.
Đó là chưa kể một loại buôn bán
khác: buôn bán phụ nữ. Phụ nữ Việt Nam được quảng cáo ở các nước như Tàu, Đài
Loan, Singapore và Đại Hàn. Chưa bao giờ người Việt Nam chịu nhục khi con gái
VN được cho đứng trong lồng kiếng như là những món hàng để người ta qua lại ngắm
nghía và trả giá! Thử hỏi, có người Việt Nam nào tự hào được khi đồng hương
mình bị đem ra rao bán như thế.. Xin đừng nói đó là những trường hợp cá biệt;
đó là tín hiệu cho thấy một đất nước đang bị suy thoái về đạo đức xã hội.
3. Tham nhũng tràn lan tràn
Không cần phải nhờ đến tổ chức minh bạch quốc tế chúng ta mới biết
VN là một trong những nước tham nhũng nhất thế giới. Chỉ cần tiếp xúc với hải
quan, hay bất cứ cơ quan công quyền nào, người dân đều có thể nếm "mùi
tham nhũng". Tham nhũng từ dưới lên trên, từ bên này sang bên kia, từ cấp
thấp đến cấp cao. Có khi tham nhũng công khai, và kẻ vòi tiền mặc cả cái giá mà
không hề xấu hổ. Các cơ quan Nhà nước phải hối lộ các cơ quan Nhà nước khác, và
họ xem đó là bình thường. Ngay cả những ngành dịch vụ tưởng như là "trí thức"
như giáo dục và y tế mà cũng tham nhũng, và vì họ có học nên tham nhũng ở hai
ngành này còn "tinh tế" hơn các ngành khác!
Có thể nói là tham nhũng (và hối lộ) đã trở thành một thứ văn hoá. Cái văn hoá
này nó ăn sâu vào não trạng của cán bộ Nhà nước. Đã là văn hoá thì nó rất khó
xoá bỏ một sớm một chiều. Ngay cả ông tổng Phú Trọng còn thú nhận rằng trạng
tham nhũng như "ghẻ ruồi, rất ngứa ngáy, khó chịu", nhưng cho đến nay
ông cũng không làm được cái gì để giảm tình trạng này.
4. Xã hội bất an
Có thể nói không ngoa rằng VN là một xã hội bất an. Đọc báo hàng ngày thấy tin
tức về tội phạm dày đặc khắp nơi. Chẳng những sự phổ biến của tội phạm, mà sự
manh động của các vụ án càng ngày càng táo tợn. Chưa nơi nào có những vụ giết
người vô cớ như ở VN: chỉ một cái nhìn cũng có thể dẫn đến cái chết!
Đáng ngại nhất là tội phạm đã lan tràn về tận vùng quê. Ở quê tôi, nơi mà ngày
xưa là một làng êm ả, ngày nay là một cộng đồng bất an vì những vụ chém giết xảy
ra hầu như hàng tuần! Người dân dưới quê cảm thấy mệt mỏi, không muốn nuôi trồng
gì nữa, vì nạn trộm cắp hoành hành triền miên. Nuôi cá chưa đủ lớn thì đã bị trộm
câu mất. Trồng một cây mít, trái chưa chín thì đã có trộm hái dùm. Chưa bao giờ
tình trạng trộm cắp phổ biến như hiện nay ở vùng nông thôn.
Đó là chưa nói đến tai nạn giao
thông vốn còn kinh hoàng hơn cả trộm cắp. Ở VN, bước ra đường là chấp nhận rủi
ro tai nạn, thậm chí chết vì sự hỗn loạn của hệ thống giao thông. Thật vậy, tai
nạn giao thông ở VN đã và đang trở thành nỗi kinh hoàng của không chỉ người dân
địa phương mà còn ở du khách.
Một dạng bất an khác là (mất) an toàn thực phẩm. Có thể nói rằng đây là vấn đề
làm cho cả dân số quan tâm nhất (theo như kết quả của một cuộc điều tra xã hội
chỉ ra). Đi đến đâu, ở bất cứ thời điểm nào, người ta cũng nói đến những loại
hàng hoá độc hại được tuồn vào thị trường Việt Nam từ một cái nguồn quen thuộc:
Tàu cộng. Ngay cả ở dưới quê tôi, người dân còn không dám mua trái cây có xuất
xứ từ Tàu. Không có một nông sản nào của Tàu sản xuất được xem là an toàn.
Ngày nay, ngay cả các bợm nhậu
cũng e dè những món ăn ở nhà hàng, quán nhậu, vì không ai dám chắc đó là hàng
hoá của VN hay của Tàu. Nhưng điều đáng buồn nhất là sự tiếp tay của các doanh
nghiệp Việt Nam để cho hàng hoá Tàu hoành hành đất nước ta và dân tộc ta. Thật
không ngoa khi gọi những doanh nghiệp này là "gian thương". Cũng
không ngoa để nói rằng gian thương cấu kết với những cán bộ tham nhũng đang giết
chết kinh tế nước nhà và người dân.
5. Trí thức không có tiếng nói, không có phản biện
Theo dõi báo chí ở VN, dễ dàng thấy sự trống vắng tiếng nói của giới trí thức.
Trước một sự kiện tương đối quan trọng như đại hội đảng csvn, mà không hề có bất
cứ một bình luận độc lập nào, không hề có một bài phân tích về các nhân vật
chóp bu trong đảng, hoàn toàn không có một phát biểu mang tính viễn kiến của bất
cứ một nhân vật "lãnh đạo" tương lai nào! Thay vào đó là những tiếng
nói của những người mang danh "sư sĩ" nhưng cách họ nói và ngôn ngữ của
họ thì chẳng khác sự "cò mồi" là bao nhiêu..
Trước hiện tình đất nước, giới có học nói chung có vẻ lãnh đạm. Họ không quan
tâm. Họ thường chạy trốn thực tế bằng cách biện minh rằng "chỉ lo việc
chuyên môn".. Thật ra, cũng khó trách họ, vì nếu họ nói ra những ý kiến
thì có thể sẽ bị phạt nặng nề, thậm chí tù đày. Ngay cả yêu nước là một tình cảm
thiêng liêng mà cũng phải được tổ chức và ... cho phép. Một xã hội đối xử với
giới trí thức như thế thì làm sao bền vững được.
6. Guồng máy quản lý bất tài
Thật ra, sự bất tài của quan chức Nhà nước không còn gì là bí mật. Vì bất tài,
nên họ thường "sản xuất" ra những qui định hài hước, và có khi cực kì
vô lí và phi khoa học. Chúng ta còn nhớ trước đây, họ cho ra qui định mang
danh "ngực nở chân dài"để được lái xe ô-tô, gây ra một trận cười
cấp quốc gia. Tưởng như thế đã là hi hữu, ai ngờ họ lạ tái xuất với một qui định
"trời ơi": Xe ô-tô 4 bánh phải có bình chữa cháy. Qui định này làm
trò cười cho cả thế giới và các hãng sản xuất xe hơi. Tưởng qui định như thế đã
là vô lí, họ còn cho ra một qui định "trên trời" như xe trên 10
chỗ ngồi phải có găng tay và khẩu trang lọc độc!(Tất nhiên, không phải ai trong
guồng máy Nhà nước là bất tài, vẫn có người tài đó, nhưng cái ấn tượng chung mà
người dân có thì đó là một guồng máy gồm những người bất tài, ăn bám nhân
dân).
7. Tuy bất tài, nhưng guồng máy đó rất giỏi trong việc hành dân
Sự hành dân của guồng máy quản lí & hành chính của Việt Nam phải nói là vô
song trên thế giới. Đối với người dân, có việc đến cổng công đường là một nỗi sợ,
một cơn ác mộng. Hầu như không có một việc gì, từ nhỏ đến lớn, mà trôi chảy lần
đầu khi đến gặp các quan chức Nhà nước. Tôi về quê và nghe nhiều câu chuyện
hành dân mà nói theo tiếng Anh là "incredible" -- không thể tin được.
Chỉ cần cái họ viết sai dấu (như "Nguyển" thay vì "Nguyễn")
là cũng bị hành và tốn tiền triệu! Những lỗi sai chính tả đó là của họ (quan chức,
cán bộ), nhưng họ vẫn hành dân một cách vô tư.. Họ tìm mọi cách, mọi lúc để
"đá" dân từ cơ quan này sang cơ quan khác, và biến dân như những trái
banh để họ làm tiền. Thực dân Pháp ngày xưa có lẽ cũng không hành dân như cán bộ
Nhà nước ngày nay.
Năm 2016 này Việt Nam sẽ tham gia
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community hay AEC). Mục tiêu là hình
thành một cộng đồng kinh tế có khả năng cạnh tranh cao, hàng hoá và dịch vụ, đầu
tư sẽ tự do lưu chuyển giữa các nước thành viên. Tôi ghé thăm một đại học lớn ở
Thái Lan vào năm 2013, và giới trí thức bên đó đã bàn rất nhiều về viễn cảnh
này, họ tư vấn cho chính phủ để chuẩn bị hoà nhập vào AEC.. Nhưng ngạc nhiên
thay, ở VN rất ít thảo luận về AEC và những tác động của nó đến cuộc sống của
người dân! Nhưng với tình trạng suy thoái, đất nước bị "bán", tham
nhũng tràn lan, xã hội bất an, trí thức không có tiếng nói, guồng máy quản
lý bất tài nhưng giỏi hành dân, thì không nói ra, chúng ta cũng biết là khả
năng cạnh tranh của VN không cao trong AEC. Khả năng cạnh tranh không cao rất
có thể dẫn đến nguy cơ lệ thuộc.
Tái bút:
Nhiều người khi đọc những bài và
ý kiến như thế này thường hỏi một cách hằn học rằng “ông có phải là người Việt
Nam hay không mà phê phán đất nước như thế”, “ông đã làm gì cho đất nước này”,
hay "nói thì hay, vậy giải pháp là gì", v.v.
Tôi nghĩ những câu hỏi đó không tốt
mấy, và có phần ... lạc đề. Vấn đề là cái xấu đang hoành hành đất nước này, chứ
đâu phải tôi là ai hay tôi đã làm gì cho đất nước. Chẳng lẽ chỉ có người có
công và đóng góp cho đất nước mới được “phép” phê bình sao. Nghĩ như thế thì e
rằng quá nhỏ mọn. Mà, muốn biết tôi đã làm gì thì cũng chẳng khó khăn gì trong
thời đại google này. Giải pháp nó nằm ngay ở mỗi cá nhân chúng ta. Mỗi người cần
phải làm tốt và sống tử tế là giải pháp tốt nhất để đẩy lùi cái ác, cái xấu,
cái bất công, cái bất cập trong xã hội.
TS NGUYỄN VĂN TUẤN
No comments:
Post a Comment