Saturday, December 30, 2017

PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG NGUỜI NHẠC SĨ CỦA QUÊ HƯƠNG MUÔN THUỞ

PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG
NGUỜI NHẠC SĨ CỦA QUÊ HƯƠNG MUÔN THUỞ

                                                    Ngô Quốc Sĩ        
                Phạm Đình Chương sinh quán tại Bạch Mai, Hà Nội.Thân phụ ông là Phạm Đình Phụng có 3 người con với người vợ sau.  Phạm Đình Chương là con trai thứ, cùng trưởng nữ là Thái Hằng, vợ Phạm Duy và cô con gái út là ca sĩ Thái Thanh.

          Phạm Đình Chương theo học trường Bưởi đến trung học thì nghỉ vì thời cuộc. Ông gia nhập các đoàn ca kịch lưu động đi về thôn quê trình diễn. Năm 1951, ông về Hà Nội lập ra ban hợp ca Thăng Long.
          Năm 1953, ông lập gia đình với ca sĩ Khánh Ngọc rồi chuyển vào Sài Gòn sống.
          Sau 1975, Phạm Đình Chương qua Mỹ, định cư tại California, tiếp tục sáng tác.
          Nhạc Phạm Đình Chương qúa phong phú và đa dạng, như thể những nhánh sông tuôn dòng, rồi hòa vào biển lớn, từ nhạc tình như Dạ Tâm Khúc, Đêm Cuối Cùng, Bài Ngợi Ca Tình Yêu, đến nhạc quê hương như Đất Lành, Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội, Tiếng Dân Chài, nhạc đời như Bên Trời Phiêu Lãng, Bài ca Tuổi Trẻ, Ly Ruợu Mừng, và đặc biệt là những bản trường ca bất tận như Trường Ca Hội Trùng Dương..
          Trước hết là nhạc tình. Phạm Đình Chương là con người đa sầu đa cảm. Ông đã mượn lời Thanh Tâm Tuyền để ngợi ca tình yêu như lá biếc, mây cao, như cánh hoa, chỗ an nghỉ cuối cùng:
                   Em là lá biếc là mây cao là tiếng hát
                   sớm mai khuya thức nhiều nhớ thương
                   em là cánh hoa là khói sóng
                   đêm màu hồng

                   Vòng tay dĩ vãng và bát ngát
                   chỗ yên nghỉ cuối cùng
                   dưới mắt sao dưới bàn chân những đứa con
          Nhưng ước mơ tình yêu đã không đến với người nhạc sĩ như “chỗ yên nghỉ cuối cùng”, mà chỉ trào lên môi mật đắng và thương đau:
                   Đi đi chúng ta đến công viên, 
                   Nơi anh sẽ hôn em đắm đuối 
                   Ôi môi em, môi em như mật đắng 
                   Như móng sắc thương đau 
          Tình yêu là mật đắng, nên người nhạc sĩ phải tự hỏi, tình yêu là hiện thực hay chỉ là giấc mơ?
                   Cho tôi gặp người xưa ước mơ 
                   Hay chỉ là giấc mơ thôi 
                   Nghe tình đang chết trong tôi 
                   Cho lòng tiếc nuối xót thương suốt đời 
          Tình yêu nam nữ không mấy ngọt ngào, nhưng tình yêu quê hương của Phạm Đình Chương thì thật mặn mà tha thiết. Ông đã mô tả quê hương là “đất lành”, nơi đó dân Việt đang xây mộng, đem bàn tay kiến tạo cuộc sống hạnh phúc:
                   Này đây đồng xanh xanh xanh quá. 
                   Này đây dừa nghiêng nghiêng nghiêng lá. 
                   Có ta chan hoà, vui mừng nhìn đất nước xa. 
                   Đây có người nông phu vươn vai, 
                   Bên luống đất cày sâu miệt mài. 
                   Đất với người chung một ngày mai, 
                   Mùa lên lúa chín vàng tươi. 
          Chung sức xây đời đã tạo cơ hội cho trai gái Việt gặp gỡ chung tình, dệt nên duyên Nam Bắc thật ngọt ngào:
                   Em gái Bắc Ninh, anh trai Biên Hòa, 
                   Em đất Thanh Nghệ, anh nhà Cà Mâu. 
                   Đồi nương thương sức cần lao, 
                   Se duyên Nam Bắc ngọt ngào tình yêu,
                    ngọt ngào tình yêu. 
          Quê hương tươi đẹp và đáng yêu như thế thì ai mà chẳng muốn gắn bó, sống với quê hương. Nhưng hoàn cảnh đã bắt buộc người Việt phải bỏ nước ra đi trong tủi hận, làm kẻ lưu vong. Từ cuộc sống tha hương, dân Việt đã ngậm ngùi nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn cách xa ngàn trùng:
                   Chiều nay lê bước phiêu du 
                   Thầm nhớ xuân về làng cũ 
                   Tình quê chan chứa trong lòng 
                   Chua xót thay sầu tư hương 
                   Đường đi xa lắc lê thê 
                   Thèm khát khao ngày về quê 
                   Để sống vui quê mẹ lúc xuân về 
          Từ tình quê tha thiết, Phạm Đình Chương cũng đã trải tình đời lên thơ Huy Cận những nốt nhạc thật đậm đà. Ông thương cảm cho nỗi cô đơn của người lẻ loi đêm mưa:

                   Nghe đi rời rạc trong hồn 
                   Những chân xa vắng dậm mòn lẻ loi 
                   Rơi rơi ... Dịu dịu ... rơi rơi 
                   Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ ... 
          Thương đời, không phải chỉ sẻ buồn với người lẻ loi, mà còn phải chung vui với người hạnh phúc. Qua bài Ly Ruợu Mừng, Pham Đình Chương đã  đem niềm vui đến cho mọi người, mọi nhà, mọi tuổi mọi giới, từ người thương gia lợi tức, người nông dân ấm no, đến bà mẹ già trông con, anh chiến sĩ lên đường, người nghệ sĩ tô thắm đời mới, đôi uyên ương xây tổ ấm yêu đuơng, nhất là chúc cho quê hương thanh bình. muôn người hạnh phúc, vui hưởng tự do:
                   Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi..
                   Chúc non sông hoà bình, hoà bình
                   Ngày máu xương thôi tuôn rơi
                   Ngày ấy quê hương yên vui
                   đợi anh về trong chén tình đầy vơi
                   Nhấc cao ly này
                   Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do
                   Nước non thanh bình
                   Muôn người hạnh phúc chan hoà..
                   ước mơ hạnh phúc nơi nơi
                   Hương thanh bình đang phơi phới
          Đến đây, xin dừng lại các nhạc khúc để bước vào trường ca Phạm Đình Chương, như thể giã từ các nhánh sông để trầm mình vào biển lớn. Hoàng Thi Thơ, Phạm Duy đều có trường ca, nhưng phải nói trường ca Hội Trùng Dương của Phạm Đình Chương được nhiều người ái mộ nhất với tiếng ba miền đất nước quyện vào nhau.
          Tiếng sông Hồng là tiếng chiến đấu chống ngoại xâm, vẳng lên “Từ thượng du nước trôi về trung châu, ấp ôm đồng ruộng sâu bên người áo nâu dãi dầu. .. Nhớ ngày nào dân chúng lên đường, đem thịt xương ngăn giữ nương đồng, đem vinh quang thắm tô sông Hồng.
          Còn tiếng sông Hương lại  ão não thương cho kiếp sống nghèo “đêm đêm khua ánh trăng vàng mà than…. Quê hương em nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo hè thời thiếu ăn. Trời rằng, trời hành cơn lụt mỗi năm à ơi, khiến đau thương thấm tràn, ngập Thuận An để lan biển khơi, ơi hò ơi hò”

          Đến tiếng sông Cửu Long mới vẳng lên nhịp sống tuơi vui no ấm “Cuộn chảy dâng trời Nam mạch sống.. Đời vươn lên thuyền ghé bến, Sống no nê dân quê một miền..
          Thế là ba miền Bắc Nam Trung đã hợp lại, thành tiếng nói, tiếng than và tiếng thét hào hùng của dân tộc, hoà thành điệu nhạc “ Pha hòa sóng lan bốn phương trời, đem tự do tranh đấu bao người, cho quê hương ấm no muôn đời..” 

          Phạm Đình Chương, dòng nhạc của quê hương, tiếng nói của quê hương và niềm tin yêu của quê hương muôn thuở..










No comments:

Post a Comment