Thursday, December 14, 2017

HOÀNG TRỌNG TÌNH NƯỚC THEO NHỊP TANGO

HOÀNG TRỌNG
TÌNH NƯỚC THEO NHỊP TANGO
                                                                      Ngô Đức Diễm
          Hoàng Trọng tên thật là Hoàng Trung Trọng, sinh tại Hải Dương chuyển về sống tại Nam Định, học nhạc tại trường  Dòng  Nam Định, tiếp tục nghiên cứu âm nhạc qua sách vở và học hàm thụ từ một trường ở Paris.
       
          Năm 15 tuổi, Hoàng Trọng cùng các anh em và bạn bè như Đan ThọĐặng Thế PhongBùi Công Kỳ... lập một ban nhạc. Cuối thập niên 1930tân nhạc Việt Nam bắt đầu hình thành, Hoàng Trọng đã có sáng tác đầu tay Đêm trăng  khi ông mới 16 tuổi. Một số bản nhạc của ông đã được Phạm Duy trình bày trên sân khấu của gánh hát Đức Huy, trong đó có Tiếng đàn tôi. Một bản nhạc tiền chiến nổi tiếng khác của Hoàng Trọng thời gian đó là Một thuở yêu đàn.
          Vì chiến tranh, ông di chuyển khỏi Nam Định qua Phát Diệm và cuối cùng định cư tại Hà Nội. Thời gian đó ông đã viết bản Phút chia ly và nhờ quen thân với các nghệ sĩ của đài phát thanh như Mộc LanMinh DiệuMạnh PhátChâu Kỳ, các nhạc phẩm của ông được phổ biến rộng rãi..
          Gia nhập quân đội, làm trưởng ban Quân nhạc Bảo Chính Đoàn trong chương trình Tiếng nói Bảo Chính Đoàn của đài phát thanh Hà Nội. Khoảng thời gian này, ông viết nhiều bài hát, trong đó có Gió mùa xuân tới, và nổi tiếng với Nhạc sầu tương tư, Dừng bước giang hồ.
          Năm 1954, Hoàng Trọng di cư vào miền Nam.  Ông thành lập những ban nhạc trình diễn trên đài phát thanh Sài Gòn, đài Quân đội, đài Tiếng Nói Tự Do và đài Truyền hình Việt Nam, đặc biệt là  Ban hợp xướng Tiếng Tơ Đồng, trình bày nhiều ca khúc tiền chiến giá trị.
           Tại Sài Gòn, Hoàng Trọng sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng như Ngàn thu áo tímLạnh lùngBạn lòngMộng lànhTiễn bước sang ngangNgỡ ngàng... Ông cũng tham gia viết nhạc phim, một vài phim có tiếng như Xin nhận nơi này làm quê hươngGiã từ bóng tốiNgười tình không chân dungSau giờ giới nghiêmBão tình. Với nhạc trong bộ phim Triệu phú bất đắc dĩ, Hoàng Trọng đã được giải thưởng Văn học Nghệ thuật của Việt Nam Cộng hòa trong năm 1972 - 1973.
          Năm 1992 Hoàng Trọng sang định cư tại Hoa Kỳ và qua đời ngày 16 tháng 7 năm 1998.
          Hoàng Trọng được tặng danh hiệu là vua Tango, vì đa số các bản nhạc nổi tiếng của ông đều viết theo điệu Tango. Đây là thể điệu của tình yêu với những nhịp bước thật lã lướt. Nhưng tình yêu  của Hoàng Trọng  phải da diết đến độ si mê đám đuối dù chỉ một lần rồi thôi:
                   Cho tôi yêu người tình yêu sao đắm đuối 
                   Xin một lần thôi cho tôi yêu cuộc đời 
                   Yêu với nụ hồng đắm say 
                   Yêu mãi giấc mơ tuyệt vời, mắt môi ngậm ngùi 
                   Rồi mai dù cho cách xa trần gian có ta mộng thành gấm hoa 
          Yêu mãnh liệt đắm đuối, tình của Hoàng Trọng là tình bão tố, phải gây sóng gió, nhất là khi tình tan vỡ. Tưởng một lần rồi thôi, nhưng ngờ đâu, một lần tan vỡ cũng đủ  làm cho tim người tan nát, suối lệ tuôn rơi:

                   Anh ơi! Phút hôn mê tình vương bão tố khiến xui lệ rơi.
                   Anh ơi! Thôi tan vỡ hoa đời hận sao nguôi.
                   Anh ơi! Lúc lẻ loi cay đắng tràn ngập bến đắm đuối!
          Thế là hiển nhiên, yêu không hẳn là cõi phúc, mà chỉ là sóng gió, là thương đau, bẽ bàng và gió mưa ướt lạnh tâm hồn:
                   Xót thương cho tình bẽ bàng
                   Một lần yêu yêu người chất ngất thương đau
                   Trái tim sao đành câm nín
                   Đắng cay một mình, sao chẳng cùng chung hướng đời
                  
Anh ơi! hôm nao gió mưa gào trong đêm tối…
                  
Tình sao thương đau?
                   Tình sao xót xa dài lâu?
          Cơn bão tình của Hoàng Trọng với điệu Tango đã làm nhiều người say mê. Đến như tình yêu dành cho đất nước, thì dù không lên gió bão, cũng làm bao người nức lòng, hãnh diện về non sông gấm vóc hùng vĩ, đất đai phì nhiêu như dòng sống dân tộc tuôn tràn:
                   Đất nước tôi màu thắm bên bờ đại dương 
                   Bắc với Nam, tình nối qua lòng miền Trung 
                   Đất nước tôi từ mái tranh nghèo Bắc Giang 
                   Vượt núi rừng già Trường Sơn 
                   Vào tới ruộng ngọt phương Nam 
          Đất nước tươi đẹp đáng yêu, còn dân Việt lại thật sự oai hùng, chưa bao giờ khuất phục trước ngoại xâm, tô đậm sử xanh với những chiến thắng oanh liệt:
                   Dân nước tôi từng đấu tranh diệt ngoại xâm 
                   Trên máu xương từng hát ca bài thành công
                   Dân nước tôi nòi giống hùng cường Lạc Long
                   Làm gái toàn là Trưng Vương
                   Làm trai rạng hồn Quang Trung

          Hãnh diện với lịch sử oai hùng, Hoàng Trọng tin tưởng mạnh mẽ rằng, sẽ có ngày dân Việt chiến thắng kẻ nội thù là cộng sản miền Bắc, đã  đem búa liềm và cờ đỏ về gieo rắc bao thảm họa trên đầu dân tộc:
                   Mai kia dưới cờ chiến thắng
                   dân Nam vượt đồi vượt núi về thương sông Hồng.
                   Mai kia đón ngàn tia nắng
                   anh mang về cùng nhuộm thắm đôi lòng... 
          Thương sông Hồng chính là thương quê hương bỏ lại năm 1954 để chạy trốn cộng sản, vào miền Nam tìm tự do, rồi lại từ giã miền Nam  năm 1975, đi tìm đất sống khi cánh cửa tự do khép lại. Quê hương tuy còn đó, nhưng dân Việt đã thật sự mất quê hương, vì phải  mang thân phận lưu đày trên chính quê hương mình.
                   Qua bao mùa thương nhớ
                   Ngàn lá úa tơi bời
                   Lòng vẫn ước xa xôi
                   Nhạc thu đưa réo rắt
                   Gieo sầu những tâm hồn
                   Giang hồ xa quê hương... quên lối

          Tuy phải rời  xa quê hương, con tim tác giả vẫn gắn chặt với quê mẹ ngàn thương:
                   Mây gió trôi bay khi chiều tàn 
                   Xao xuyến bao tâm hồn nát tan 
                   Những khi thu gió gieo tràn lan 
                   Nhớ quê hương héo sầu tâm can
          Thế là xa cách, nhưng quê hương vẫn còn đó trong tâm tưởng. Tiếng chuông chiều, cánh chim ngang trời hay làn gió lướt qua, đều chuyên chở hình bóng quê hương yếu dấu:
                   Trông bóng chim bay ngang về chiều 
                   Khi ánh dương thu tàn hắt hiu 
                   Lắng theo ngàn tiếng chuông chiều vang 
                   Gió xa đưa lướt ngoài quan san 
          Đó là nỗi lòng Hoàng Trọng. Đó cũng chính là nỗi lòng dân Việt phải lìa xa quê hương mà ngày đêm vẫn luôn luôn ấp ủ hình bóng quê mẹ dấu yêu, hẹn một ngày về…
                   


          

No comments:

Post a Comment