Thursday, January 23, 2020


QUÊ HƯƠNG ĐỌA ĐÀY
LÒNG XUÂN HÉO ÚA
Ngô Quốc Sĩ

            Xuân về, người ta trao nhau những lời chúc tốt đẹp, những món qùa trân qúy, những chia sẻ thân thương. Không ngoài thông lệ, Trần Tuấn Kiệt khi còn sống và làm thơ tại quê nhà, cũng đã nhận được những món qùa tình nghĩa từ bạn hữu phương xa. Anh đã thật sự cảm kích, bày tỏ lòng biết ơn qua những vần thơ chí thiết, đồng thời gói ghém những niềm xuân cảm quê hương thật đậm đà, nhưng thật  ngậm ngùi da diết, làm buốt nhức bao con tim bốn phương…
          Mở đầu bài thơ viết cho các bạn phương xa, Trần Tuấn Kiệt đã thổ lộ niềm vui, cám ơn bạn qúy đã gửi qùa về, tạo điều kiện cho nhà thơ mua được cành hoa Đỗ Quyên ngắm Tết cho đỡ buồn. Người ta hé thấy phía sau ngôn ngữ một chút gì thật bi thảm, che dấu cuộc sống thiếu thốn của nhà thơ nói riêng và của dân Việt nói chung, đến nỗi một cành hoa chưng tết cũng không dễ có được:
                   Bạn bè cho chút đỉnh
                   Mua được cây Đỗ Quyên
                   Ngồi nhìn hoa nở đỏ
                   Lòng cũng bớt ưu phiền
          Nói là bớt ưu phiền, nhưng nhà thơ đã không dấu được cảm thức bi đát về tuổi già trước sức tàn phá của thời gian. Tóc xanh nay đã bạc, răng rụng thân gầy tong teo. Hẳn nhiên, “ lão bệnh tử” là lẽ đương nhiên của cuộc trần ai vô thường. Nhưng ở tuổi xế chiều, mấy ai giữ được tâm hồn an lạc thanh thản, khi nhìn thấy hình ảnh của chính mình với đầu bạc răng long, bước chân khập khễnh, trí nhớ cụt cùn, rồi chợt cảm thương cho mình, cho người và cho đời!
                   Năm nay già tám mươi
                   Đầu hoa râm điểm bạc
                   Răng rụng ốm tong teo
                   Thật qủa là giống Hạc
          Bất hạnh nhất của tuổi già là phải đối diện với niềm cô đơn, khi người thân ở xa, bạn bè cũng ít khi lui tới gần gũi. Ai cũng mong có tri kỷ tri âm như Bá Nha Tử Kỳ, nhưng thử hỏi mấy người có được sự may mắn đó? Trần Tuấn Kiệt trong những ngày buồn tại quê nhà, ngày đêm mong ngóng bạn bè bốn phương, nhưng tất cả đều xa vắng, ngoại trừ một ông bạn già ở gần, lom khom chống gậy lui tới thăm viếng đàm đạo:
                   Bạn ở xa ta qúa
                   Chỉ có Hồ Đắc Tâm
                   Chống gậy vườn thăm viếng
                   Đời có mấy tri âm!
          Trong nỗi cô đơn, nhà thơ đã cố thoát ra khỏi chính mình để nhìn vào cuộc đời và đất nước. Oái oăm thay! Cảm thức cuộc đời lại thường là khoác màu bi đát. Cuộc đời chóng qua vụt thoáng. La Martine đã kêu cứu “thời gian xếp cánh lại” nhưng đành bất lực. Trần Tuấn Kiệt cũng chẳng níu được thời gian qua mau  như “bóng câu qua cửa sổ”. Còn hiện thực quê hương đất nước lại càng chua xót đắng cay. Chung quanh, người ta chay đua theo cuộc sống xô bồ hưởng thụ qua ngày, với những cuộc vui ngắn ngủi giả tạo, mà quay lưng lại với nỗi đau chất ngất của dân tộc dưới gót giày ngoại tặc và nội thù. Một mình tác giả ngồi đó mà gặm nhấm nỗi buồn quê hương và tủi nhục nòi giống:
                   Bóng câu qua cửa sổ
                   Tết này sắp tới rồi
                   Nước non đầy lũ giặc
                   Buồn bã biết sao nguôi!
          Thật buồn cho hiện tại. Tác giả đã quay về qúa khứ tìm lại những kỷ niệm thuở nào, chỉ mong vơi bớt sầu buồn tủi nhục. Nhưng trở về qúa khứ, nhà thơ lại càng buồn hơn, tủi hơn, vì chỉ tìm thấy những bất hạnh chất ngất như những vết thương còn nhỏ máu. Tình yêu thì đã dang dở, trôi xa, chỉ còn lại một âm vang buồn thảm. Còn tình “huynh đệ chi binh” thì giờ đây cũng chỉ là dấu tích của đau thương và uất hận. Bao đồng đội quyết xả thân cho lý tưởng tự do độc lập và chủ quyền dân tộc, đã gục ngã trong tức tưởi hờn căm. Cuộc chiến kéo dài 20 năm đã kết thúc một cách phi lý trong đau thương nhục nhã:
                   Khúc tình ca thuở trước
                   Ngân vang vang trong hồn
                   Có bao nhiêu chiến sĩ
                   Gục ngã nơi chiến trường
          Gục ngã ngoài chiến địa tuy đớn đau nhưng cũng còn danh dự của thân trai thời loạn. Đến như cái chết uất nghẹn trong những trại tù dị sử do bên thắng cuộc dựng lên để hủy diệt tinh hoa dân tộc nhằm trả thù miền Nam thì mới tủi nhục và uất hận ngàn đời. Bao chiến sĩ, bao tù nhân lương tâm, bao nhân tài đất nước đã vùi xác không nấm mộ tại các trại lao động khổ sai nơi rừng thẳm âm u! Cộng sản vẫn rêu rao cổ võ “hòa giải dân tộc”, mà thực chất chỉ là “trả thù dân tộc” một cách man rợ bất nhân, đến nỗi dân Việt phải gọi bọn chúng lũ khỉ người, là hoang thú hay trâu ngựa, mất hết nhân tính và nhân tình:
                   Có bao nhiêu tù tội
                   Chết chẳng có mồ chôn
                   Thiên thu sầu hữu hạn
                   Bao người thành qủy oan
          Nói chung, từ khi Hồ Chí Minh đem chủ thuyết cộng sản ngoại lai phản tiến hóa về nhuộm đỏ dân tộc, thì Việt Nam biến thành nhà tù, tù nhỏ cũng như tù lớn, tù nhỏ nhốt tinh hoa, tù lớn nhốt toàn dân. Việt Nam hôm nay biến thành địa ngục trần gian, đày đọa dân Việt trong tối tăm bất hạnh. Thật mỉa mai hết chỗ nói. Trong khí thế giới văn minh tiến bộ theo chiều hướng nhân bản đưa con người vào con đường hạnh phúc hoan lạc, thì Việt Nam lại đi ngược trào lưu thế giới, nhận chìm con người xuống vực thẳm, tra chân người dân vào xiềng xích nô lệ, gây bao uất hận và căm hờn:
                   Thế giới đầy hoan lạc
                   Thanh bình chi quê hương
                   Thanh bình chi nô lệ
                   Xiềng xích khua căm hờn
          Có thể nói hôm nay, Việt Nam không còn mùa xuân, bởi lẽ đất sống đã trở thành đất chết, sức sống đã mỏi mòn thoi thóp. Lòng người héo úa như thể mùa đông lạnh giá trơ trụi:
                   Lá mùa thu rơi rụng
                   Hoa mùa đông eo xèo
                   Cội bàng trơ gỗ
                   Mong Tết về đẹp hơn
          Mong thế thôi, nhưng không biết có được không? Với bản chất bạo lực và dối trá, với thái độ tự mãn ngoan cố của bọn vỗ ngực tự hào là kẻ bách chiến bách thắng, là đỉnh cao trí tuệ loài người,  thì mong gì có đổi thay chuyển hóa? Người đời vẫn tin tưởng “Cơ thường đông hết hẳn sang xuân”, nhưng tại Việt Nam, mùa đông sẽ kéo dài vô tận khi cộng sản vẫn còn ngự trị trên đất nước. Chỉ khi cộng sản sụp đổ, bị thay thế chứ không hy vọng thay đổi, dân Việt mới thấy mùa xuân thực sự. Trong những tháng năm chờ đợi mỏi mòn đó, Trần Tuấn Kiệt chỉ biết tìm cho mình một chút an thái, với niềm vui nhỏ được ngắm hoa, làm thơ và nghĩ tới bạn bè :
                   Thôi thì ngồi ngắm hoa
                   Cho đoạn ngày đoạn tháng
                   Thôi thì ngồi làm thơ
                   Đỡ nhớ nhung bè bạn
          Nhưng buồn thay! Trần Tuấn Kiệt cũng chẳng kéo dài cuộc ngắm hoa làm thơ chờ đợi mùa xuân thanh bình về trên quê hương được bao lâu! Thương cho anh đã từ giã bạn bè ra đi khi quê hương còn chìm ngập trong bóng đêm thê lương, trong đông dài lạnh giá. Cội bàng mãi trơ gỗ. Mùa đông mãi eo xèo…Hôm nay đầu năm nơi chín suối, chắc hẳn anh vẫn nhớ bạn bè, nhơ quê hương và nóng lòng chờ đón mùa xuân mong ước…Bạn bè cũng mãi mãi nhớ anh, và xin gửi xuống tuyền đài một cành Đỗ Quyên đỏ thắm…

                  
         

         
         
                  
                  
         

No comments:

Post a Comment