NGUYỄN ĐỨC SƠN
TIẾNG VỠ CUỘC ĐỜI GIỮA
NGÀN THÔNG
Ngô Quốc Sĩ
Mỗi thi nhân đều mở ra một khung trời
thi ca với cái nhìn riêng biệt về cuộc đời. Nguyên Sa nhìn đời mượt mà như “áo lụa Hà Đông”. Tuệ Sỹ thấy đời sâu lắng
như giòng trôi dưới cặp mắt thiền sư. Bùi Giáng tô vẽ cuộc đời với những nét
ngông nghênh như kẻ khùng điên. Còn Nguyễn Đức Sơn lại lượm lặt cuộc đời từ những
mảnh vỡ bi đát với nổi cô đơn hầu như tuyệt đối. Cảm thức bi đát đó không phải
chỉ trào lên khi nhà thơ về ở ẩn làm “Sao
Trên Rừng” tại Bảo Lộc, mà đã phảng phất trong khi anh còn đứng trên bục giảng
với phấn trắng bảng đen tại Phan Rang, Sài Gòn, Bình Dương và Lâm Đồng…
Xin mở dấu ngoặc để chia sẻ rằng, Nguyễn
Đức Sơn là một thi sĩ tài danh, của đất Khánh Hòa, vùng dừa xanh cát trắng. Người cựu học sinh Võ Tánh được tặng danh hiệu
“thi sĩ vạn thông” (vạn cây thông) với
biệt danh “Sơn Núi”. Anh đã để lại một
kho tàng thơ văn giá trị như Bọt Nước, Hoa Cô Độc, Lời Ru, Đêm Nguyệt Động, Cát Bụi Mệt Mỏi,
Xóm Chuồng Ngựa, Tịnh Khẩu, Du Sĩ Ca…
Một cách chân thành, Nguyễn Đức Sơn không ngần
ngại gọi mình là thi sĩ, trái lại anh đã hãnh diện được sinh ra trong bóng nguyệt
mang mang, mặt đất dang dở và được thi hóa với cuộc đời tan hoang ngàn lần đổ vỡ:
khi ý thức mặt đất này dang dở
ta vội chìm trong bóng
nguyệt mang mang
khi chấp nhận một ngàn
lần đổ vỡ
ta một hồn đắm đuối giữa
tan hoang.
Ngập chìm giữa tan hoang, hình ảnh vũ
trụ bên ngoài đã xuất hiện như một khoảng không thăm thẳm xác xơ. Tất cả chỉ là
hư vô, là bãi hoang làm hồn người tê tái rụng rời như thể chết khô giữa thiên
nhiên vốn tươi đẹp đầy sức sống:
bước lủi thủi tôi đi luồn vô núi
nghe nắng tàn run rẩy
bóng cây khô
chân rục rã tôi đi luồn
ra núi
hồn rụng rời trước mặt
bãi hư vô
Trên bãi hoang khô chết như sa mạc
hoang vu đó, tác giả đã cảm thấy hầu như ngộp thở, bị đè nén bởi cả bầu trời sụp
xuống, với làn mây quá thấp, không gian quá nhỏ, với bóng trăng vỡ tan thành những
mảnh vụn kim châm:
buổi tối đó bầu trời như muốn ngã
anh một mình ôm lấy
bóng trăng tan
mây thấp quá và hồn anh
tối quá
không chỗ nào thở được
dưới trần gian
Thiên nhiên là thế! Trăng vỡ, trời sập,
cây khô..Đó là hiện thực cuộc đời rạn vỡ. Thêm một bước qua ngưỡng cửa tư duy,
nhà thơ lại càng thất vọng ê chề, bởi lẽ những giá trị tinh thần con người dày
công xây đắp cũng chỉ là công dã tràng xe cát, như thể tên khùng điên sáng chiều
vần tảng đá đá lên lên xuống xuống con dốc cuộc đời vô nghĩa. Văn minh, tiến bộ,
niềm tự hào vỡ vụn thành cát bụi mây khói:
chúng ta chờ ước mong gì
văn minh gửi cát bụi về mai sau..
Bi đát hơn nữa, là những thực thể siêu
nhiên mà con người ngưỡng vọng, tìm về như quê hương vĩnh cửu, cũng chỉ là hư ảo.
Nếu triết lý duy vật gọi đó là “vong thân”,
con người tạo nên thần thánh để ngưỡng vọng và cúi đầu thờ lạy, thì ở đây, Nguyễn
Đức Sơn cũng phảng phất tư duy vong thân đó, coi những ngưỡng vọng thiêng liêng
đã chết, thần thánh trở nên ung thối mơ hồ huyễn mộng:
đã chết rồi bao ngưỡng vọng thiêng liêng
dù khuya vắng trời muôn
sao lấp lánh
chúng đã dựng lên bao nhiêu thần thánh
ung thúi rồi dưỡng chất của chiêm bao
Từ
tư duy vong thân trong thần thánh, tác giả đã thật sự mất niềm tin vào thế giới
bên kia, tự hỏi không biết linh hồn có thực không, và kiếp luân hồi cũng chẳng
biết đâu là thực hư. Tất cả sẽ biến tan. Tất cả chỉ là ảo vọng!
mai kia tắt lửa mặt trời
chuyện linh hồn với luân hồi có không
thái hư chừng sắp chuyển vòng
đại dương tràn kéo núi đồng tan đi
Giã từ ngoại cảnh tan hoang, chới với trong
vỡ vụn, nhà thơ đã quay về với chính mình may ra còn tìm thấy chút gì tồn tại
làm chiếc phao cứu vớt. Bi đát thay, tìm mình chẳng thấy, mà chỉ thêm hoài nghi
luôn cả hiện hữu của chính mình. Người ta vẫn tin con người có hồn có xác. Thân xác có tiêu tan thì linh hồn vẫn tồn tại.
Nguyễn Du đã tin “Thác là thể phách,
còn là tinh anh”, còn Nguyễn Đức Sơn hoài nghi cả hình hài và luôn cả hồn
thiêng! Nếu Ôn Như Hầu mô tả con người như bóng đêm mờ ảo “mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”, thì Nguyễn Đức
Sơn cũng tự hỏi mình có thật sự hiện hữu không, hay chỉ là mây khói:
còn
một mình hỏi một mình
có chăng hồn với dáng hình là hai
từng trưa nằm nghỉ đất dài
phiêu diêu nhẹ cái hình hài bay lên
Ngoại cảnh và ngoại thân, rồi
cả nội thân và ngưỡng vọng thiêng liêng cũng tan theo mây khói. Thế thì thất cả
đúng là Hư Vô viết hoa. Đàng sau tất cả những gì gọi là “cái có”, thực
ra chỉ là “cái không”. Hẳn nhiên,
nhà thơ phải chịu ảnh hưởng tư duy Phật Giáo “vô ngã” và “sắc sắc
không không”, trộn lẫn với tư duy Lão Trang “hồ điệp” nên mới có cái
nhìn thấu suốt vào không như thế:
Có vài
chiếc lá còn non
Gió xua lửa khói nổ
giòn trên không
Nắng tà trãi xuống mênh
mông
Bước theo chân mẹ cha bồng
hư vô
Trước cái không phủ kín cõi người ta
như thế, thử hỏi nhà thơ còn gì gọi là “có”
để bám víu làm phao cứu vớt thuyền đời không? Thật may! Nhà thơ đã tìm thấy
chiếc phao đó. Đây chính là cái có trong cái không, cái nguyên vẹn giữa tan
hoang. Thật vậy, về Lâm Đồng sống với cỏ cây và ngàn thông, bên lề cuộc đời, Nguyễn
Đức Sơn đã tìm thấy chính mình, như một tiểu ngã trong đại ngã:
luồn vô thấy cây
luồn ra thấy cỏ
chiếc linh hồn nhỏ
cô đơn, cô đơn
Trong cô đơn của tiểu ngã nhỏ bé giữa
đại ngã vũ trụ bao la đó, nhà thơ còn tìm lại được một thực thể vĩnh cửu khác.
Đó chính là tình yêu. Trước hết là tình yêu của một nhà giáo với thiên chức “lương sư hưng quốc”, dành cho những mái
đầu xanh đầy mộng mơ:
hãy
đốt đuốc hằng đêm trên trái đất
cho núi rừng và biển thẳm lung linh
các em là sáng rực cả vô minh
để anh có một nguồn vui bất tuyệt
Và đặc biệt là tình yêu em, người bạn đời
chung lối với những giấc ngủ êm đềm, kể cả những ngày ốm yếu xanh xao, chia vui
cộng khổ, lại là những giây phút hạnh phúc vô lường:
những ngày anh sống bên em
những trưa tóc ngủ êm đềm biết bao
những lần em ốm xanh xao
những oan khiên dẫn anh vào đau thương
những đêm hạnh phúc vô
lường
đố em cây cỏ bên đường biết không
Thế là trong vụn vỡ tan hoang, vẫn tồn tại
một cái gì vĩnh cữu nguyên vẹn trong tâm hồn nhà giáo Nguyễn Đức Sơn. Anh đã
tìm thấy tình yêu, yêu người và yêu em làm lẽ sống….