Friday, September 20, 2019


SÀI GÒN TRONG TIM TÔI
Ngô Quốc Sĩ

          kể từ ngày cánh cửa tự do khép lại, dân Việt đã phải đối diện với bao oan khiên bất hạnh. Người rời bỏ quê hương sống lưu vong nơi đất khách quê người. Người ở lại quê nhà mang tâm trạng bị lưu đày trên chính quê hương mình. Riêng đối với người Việt tha hương, nỗi thương nhớ quê nhà đã làm cho cuộc sống mới tuy no ấm sung túc, vẫn thiếu vắng một cái gì không thể bù đắp. Đó là cội nguồn, là quê cha đất tổ, là tổ ấm của bọc mẹ trăm con…
          Trong nỗi nhớ quay quắt đó, có người tìm về sông Hương núi Ngự với giải khăn sô, người khác hướng về Đà Lạt với rừng ái ân, đồi thông hai mộ, hoa đào đỏ thắm hay tìm về Nha Trang với dừa xanh cát trắng, tháp Bà linh thiêng..Riêng Ngô Minh Hằng, hình ảnh thủ đô Sài Gòn luôn luôn canh cánh bên lòng, làm cho nhà thơ luôn  mang tâm trạng tầm gửi, xác ở đây mà hồn ở nơi đâu!
                Vào thơ, tác giả đã kêu lên 2 tiếng Sài Gòn như một điệp khúc văng vẳng tiếng quốc ão não. Còn đâu Sài Gòn năm xưa với hàng me bay, với con đường ngập nắng, chiến hạm đậu trên  bến mơ?
                   Sài Gòn !... tôi nhớ Sài Gòn ! ...
                   Nhớ hàng me thắm, nhớ con đường dài
                   Bạch Đằng, nhớ buổi ban mai
                   Hải quân, chiến hạm đậu ngoài bến mơ
          Thơ mộng nhất là trên bến mơ đó, dưới chân tượng đài Đức Thánh Trần, những cặp uyên ương âu yếm nắm tay nhau sóng bước như thể dạo bờ sông mây:
                   Trong màu nắng đẹp như thơ
                   Uyên ương từng cặp dạo bờ sông mây
                   Hóa Giang, hùng sử ghi đây 
                   Đức Trần Hưng Đạo chỉ tay thề nguyền ..
          Rời bến Bạch Đằng, khách  nhàn du có thể nhẹ gót vào Nguyễn Huệ ngắm hoa xuân, đến Lê Lợi hớp ngụm nước mía Viễn Đông, qua Bến Thành ngắm trai thanh gái lịch. Ôi lý thú làm sao! Ôi đất nước mình tươi đẹp làm sao!
                    Ngọt ngào nước mía Viễn Đông
                   Mai Hương kem lạnh mát dòng tuổi xanh
                   Lê Thánh Tôn, chợ Bến Thành
                   Ngựa xe, gái lịch, trai thanh sớm chiều
          Đáng nhớ nhất là con đường Thống Nhất được coi như xương sống thủ đô, với nhà thờ Đức Bà ngọn tháp ngất nghểu, vang vọng lời kinh, vút cao giấc mơ thanh bình, với Dinh Độc Lập oai nghiêm tráng lệ, tiêu biểu chủ quyền và cuộc sống hạnh phúc của vùng đất tự  do:
                   Tự Do, Thống Nhất dập dìu
                   Và Dinh Độc Lập thân yêu, vàng cờ
                   Đức Bà cung thánh nhà thờ
                   Tháp cao vói đỉnh trời mơ thanh bình !
          Cuối đường Thống Nhất là sở thú dập dìu bước chân chim, phất phơ tà áo trắng thư sinh một thời hoa mộng. Bên cạnh đó, con đường Duy Tân với Trường Luật bóng mát, thèm ly chanh đường của Nguyễn Tất Nhiên, càng làm tăng thêm nỗi luyến nhớ một thời dấu ái:
                   Thảo Cầm Viên thuở học sinh
                   Lang thang, những bước chân tình chơi vơi 
                   Duy Tân, trường luật, đông người
                   Trái tim Nguyễn Trãi, nụ cười Trưng Vương
          Nếu thảo cầm viên có gót hài Trưng Vương, thì Vườn Tao Đàn lại phất phơ tà áo Gia Long mượt mà, gợi tình gợi nhớ một thời  “nghiêng nghiêng tập vở, tà áo vờn bay..”
                   Gia Long nhớ đỏ má đào
                   Nhớ tà áo trắng làm xao xuyến lòng 
                   Tao Đàn nhớ thuở song song
                   Ngây thơ mộng biếc tình trong ngọc ngà
          Đó là Sài Gòn ngày xưa. Đó là quê hương thuở ấy. Nay thì tất cả đã chìm vào qúa khứ. Bộ mặt sài Gòn ngà ngọc mỹ miều nay đã bị hoen lấm, che phủ bởi nón tai bèo, dẫm nát bởi dép râu hoang thú. Thế là sài Gòn đã bị cưỡng đoạt, như thể giai nhân nhàu nát trong  vòng tay ác qủy:
                          Bây giờ ... mộng biếc ... trôi xa ...
                   Sài Gòn đã bị người ta cướp rồi !!!
                   Người đem đau khổ cho người
                   Nát cân Công Lý, tan đời Tự Do !
          Đã thế, Sài Gòn, tên gọi lịch sử ngời sáng còn bị thay tên đổi họ, mang tên tội đồ dân tộc Hồ Chí Minh, làm con tim dân tộc buốt nhức, tủi nhục đến rướm máu. Nếu Nguyễn Đình Toàn đã thổn thức Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên, như giòng sông nước quẩn quanh buồn, như người đi cách mặt xa lòng ,ta hỏi thầm em có nhớ không?” Và Nam Lộc đã nghẹn ngào “Sài Gòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời. Sài Gòn ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời. Còn lại đây, những kỷ niệm sống trong tôi, những nụ cười tắt trên môi, những giọt lệ vương sầu đắng..” thì Ngô Minh Hằng cũng xót xa đến nghẹn lời, khát khao lấy lại tên Sài Gòn cho hòn ngọc Viễn Đông:
                   Sài Gòn, người gọi thành Hồ
                   Viễn Đông, viên ngọc ngày xưa đâu rồi ?!
                   Ai ơi, xin hãy cứu đời
                   Đứng lên, lấy lại giùm tôi Sài Gòn !
          Từ nỗi khát khao lấy lại tên Sài Gòn, Ngô Minh Hằng còn lên tiếng kêu gọi trăm con Việt can trường đứng lên quét sạch nội thù, viết lại lịch sử đã bị bôi đen bởi lũ con hoang phản bội  công lao tổ tiên đã dày công dựng nước và giữ nước:
                   Đời cần những tấm lòng son
                   Và quê cần những người con ngoan cường
                   Để mà quang phục quê hương
                   Để đem bất khuất can trường cứu quê !
          Niềm mong ước trở về của Ngô Minh Hằng chắc chắn sẽ thành hiện thực một ngày không xa:
                    Bao giờ tôi được trở về
                   Sài Gòn, nhớ lắm, nhớ ghê...SÀI GÒN !!!
          Nhìn trụ bia “Little Saigon” tại San Jose, tôi cũng xin rưng rưng đồng cảm với Ngô Minh Hằng trong nỗi nhớ khôn nguôi:
                   Chiếc lá xuyên ngang đời hai nửa
                   Lạc bước quê người khuất nẻo quê cha
                   Sài Gòn nhỏ tim hoài vẫn lớn
                   Khung trời gần níu mảnh trời xa…
          Đó cũng là tâm cảm của mỗi người dân Việt tha hương..

                  


No comments:

Post a Comment