Thursday, May 23, 2019


ANH ĐÃ VỀ THẬT RỒI
Ngô Quốc Sĩ
           
          Tô Thùy Yên là một nhà thơ lớn được nhiều người ái mộ. Anh đã để lại cho đời những tác phẩm giá trị như “Thơ Tuyển”, “Thắp Tạ”. Người ta thường nhắc tới những bài thơ đấu tranh của anh như “Anh Hùng Tận,”  “Bảy Tháng Kiên Giam”, “Phá Tam Giang”… Đặc  biệt bài thơ “Ta Về” qúa truyền cảm,  làm nhiều người thổn thức đến nghẹn lời..
                Ta về đâu và về từ đâu? Xin thưa một cách xác thực là tác giả đã về từ kiếp đoạ đày trong nhà tù cộng sản được mệnh danh là trại cải tạo, thực chất là địa ngục trần gian. Còn về đâu, thì còn nơi nào khác ngoài cuộc đời thường nay cũng biến thành nhà tù lớn. Sau cuộc đổi đời gọi là bi thảm, tất cả đã đổi thay. Người tù từ tù nhỏ trở về tù lớn như bóng ma lạc loài, lủi thủi, chẳng ai nhận ra mình, nói chi đến chuyện trìu mến để nâng vạt áo đề thơ:
                   Ta về một bóng trên đường lớn 
                   Thơ chẳng ai đề vạt áo phai 
                   Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ 
                   Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay 
           Có thể nói mười năm lao động khổ sai, tù nhân đã biến dạng. Nếu Nguyễn Chí Thiện đã nhận thấy nhà tù cộng sản biến con người thành vượn “Từ vượn lên người mất mấy triệu năm.Từ người xuống vượn mất bao năm”, thì Tô Thùy Yên cũng chứng nghiệm nhà tù cộng sản đã biến con người thành con vật. C0n người thật đã chết, đã nhắm mắt ngàn thu:
                                Vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp
                   Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu
                   Mười năm mặt sạm soi khe nước
                   Ta hóa thân thành vượn cổ sơ 

          Rời nhà tù nhỏ về tù lớn, người-vượn đã cảm thấy như đánh mất tất cả. Còn lại chỉ là sầu hận, kết tụ thành hạt sương trên ngọn cỏ phất phơ giữa cõi sinh diệt:                   
                   Ta về như hạt sương trên cỏ 
                   Kết tụ sầu nhân thế chuyển dời 
                   Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt 
                   Tội tình chi lắm nữa người ơi 

          Như hạt sương dễ vỡ, người tù còn cảm thấy mình như sợi tơ mành, có thế đứt lìa  bất cứ lúc nào. Thân xác mong manh mà hồn lại quặn thắt, người tù cảm thấy lạc nẻo trong cõi u buồn thanh vắng:
                   Ta về như sợi tơ trời trắng
                   Chấp chới trôi buồn với nắng hanh
                   Ai gọi ai đi ngoài cõi vắng
                   Dừng chân nghe quặn thắt tâm can

          Thê thảm nhất là người tù trở về đã trở thành xa lạ với chính mình. Cảm thức “ chết rồi” trong tù nay còn lởn vởn, biến người tù thành bóng ma hờn tủi. Nhìn lại chính minh, người tù chỉ còn nhìn thấy từng mảnh phế liệu, từng hài cốt vô danh:
                   Ta về như bóng ma hờn tủi
                   Lục lại thời gian kiếm chính mình
                   Ta nhặt mà thương từng phế liệu
                   Như từng hài cốt sắp vô danh 
          Thế đó! Ta chỉ còn là cái xác không hồn. Ta lê bước như thể bước xuống mộ,  lẻo đẻo đi theo thần chết:
                   Người chết đưa ta cùng xuống mộ
                   Đâu còn ai nữa đứng bờ ao
                   Khóc người ta khóc ta rơi rụng
                   Tuổi hạc ôi ngày một một hao 
          Có khi người tù trở về còn mang cảm thức của “đứa con phung phá” trong Th ánh Kinh, bỏ nhà cha đi hoang, rồi khánh kiệt, thân tàn ma dại, ê chề quay về xin tạ tội đã lỗi đạo làm con:
                   Ta về như đứa con phung phá
                   Khánh kiệt đời trong cuộc biển dâu
                   Mười năm, con đã già trông thấy
                   Huống mẹ cha đèn sắp cạn dầu 
          Thậm chí, người tù trở về còn mang mặc cảm vô dụng, chắng làm nên tích sự gì! Thế là đời trai uổng phí thành hư huyễn. Thôi! Một mình đành thầm khóc cho chính mình như Kiều “nghĩ mình mình lại thương mình xót xa”           
                   Con gẫm lại đời con thất bát
                   Hứa trăm điều một chẳng làm nên
                   Đời qua, lớp lớp tàn hư huyễn
                   Giọt lệ sương thầm khóc biến thiên 

          Điều đáng nói là cuộc trở về của Tô Thùy Yên tuy bi đát thật, nhưng đã thể hiện triết lý của cuộc hành trình dương thế. Thật vậy! Nếu Phật giáo gọi đời là bể khổ, là bến mê, và Lão giáo coi đời là phù vân hư ảo, thì cuộc trở về đời thường từ then cài ngục thất của Tô Thùy Yên cũng không tránh khỏi tính cách bi đát đó. Nhưng tác giả đã cảm thấy một nguồn an ủi lớn như thể lá rụng về cội. Đặc biệt, còn có chén rượu nồng giải oan, làm ấm lại bếp lửa nhân quần, làm sống lại tình người gắn bó:  
                   Ta về như lá rơi về cội
                   Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
                   Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
                   Giải oan cho cuộc biển dâu này 
          Một khi có rượu giải oan thì oan khiên cũng tan biến, nhường chỗ cho hoa cười cỏ mướt. Lúc ấy, người tù đã tìm lại được nguồn vui thuở nào, khi trại tù chưa giàn dựng, khi cùm đỏ chưa cứa nát bàn chân:           
                   Ta về cúi mái đầu sương điểm
                   Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
                   Cảm ơn hoa đã vì ta nở
                   Thế giới vui từ nỗi lẻ loi 

          Niềm vui trở về sẽ là niềm vui phục sinh, giúp Tô Thùy Yên tìm thấy hứng sống. Anh cảm thấy gần gũi với có cây hoa lá, sống lại một trời kỷ niệm dấu yêu:
                   Chiều nay ta sẽ đi thơ thẩn
                   Thăm hỏi từng cây, những nỗi nhà
                   Hoa bưởi, hoa tầm xuân có nở?
                   Mười năm, cây có nhớ người xa? 

          Thế rồi, người tù đả cảm nghiệm được lượng từ bi của đất trời, cho người đã chết được sống lại, cho vượn trở lại làm người:
                   Ta khóc tạ ơn đời máu chảy
                   Ruột mềm như đá dưới chân ta
                   Mười năm chớp bể mưa nguồn đó
                   Người thức mong buồn tận cõi xa 
          Thế là thỏa nguyện. ta đã về nhà ta. Chỉ còn một ưu tư nhỏ, là ở tuổi hạc vàng, Tô Thùy Yên sợ không còn thời gian để  trải hết tâm tình với nước, với người và với đời:
                   Ta về như hạc vàng thương nhớ
                   Một thủa trần gian bay lướt qua
                   Ta tiếc đời ta sao hữu hạn
                   Đành không trải hết được lòng ta

          Nay thì Tô Thùy Yên đã về thực, về lòng đất mẹ, về nhà cha. Tính cách hữu hạn của kiếp người không cho anh trải hết lòng mình cho nhân thế. Dù sao, bài thơ “Ta Về” cũng nói hết những u uẩn của lòng anh..







No comments:

Post a Comment