Thursday, January 10, 2019



   XUÂN ĐẤT KHÁCH                                                                              Ngô Quốc Sĩ
          Mùa xuân tha hương lại trở về với trên 3 triệu dân Việt nơi đất khách quê người. Thấm thoắt đã 43 năm sống xa quê hương, lòng dân Việt vẫn ngậm ngùi chua xót, nhớ về những xuân xưa mà tiếc mà thương, rồi lại nghĩ đến mùa xuân nay mà buồn mà tủi. Tiêu biểu như Thanh Nam với  Thơ Xuân Đất Khách”  Trần Trung Đạo với “Xuân đất khách” và  Bùi Giáng với  Chào Nguyên Xuân,”  đã chuyên chở niềm tâm cảm rã rời của dân Việt vì hoàn cảnh, phải rời bỏ quê hương, để lại sau lưng tất cả những gì thân thương nhất, trân qúy nhất, để đổi lấy hai chữ Tự Do đắt giá!
          Mang thân phận lưu vong với tâm thức lưu đày, Thanh Nam đã kéo lê kiếp sống bền lề thời gian như kẻ lạc loài với thân phận bọt bèo trôi giạt Đông Tây, với cả gánh ưu tư, cả một trời xót xa:
                   Trôi giạt từ đông sang cõi bắc
                   Hành trình trơ một gánh ưu tư
                   Quê người nghĩ xót thân lưu lạc
                   Đất lạ đâu ngờ buổi viễn du
          Nhất là cuộc sống mới, tuy thật sự có tự do và cuộc sống sung túc, nhưng lại chất chứa bao tủi nhục đắng cay, với tâm trạng ăn nhờ ở đậu, với nỗi cô đơn ê chề của một chiến sĩ bại trận:
                   Thức ngủ một mình trong tủi nhục
                   Dặm dài chân mỏi bước bơ vơ
                   Giống như người lính vừa thua trận
                   Nằm giữ sa trường nát gió mưa
          Tủi nhục với tâm trạng bơ vơ lạc loài đã đành, mà còn tủi nhục hơn, là tên cúng cơm cha mẹ đặt cho lúc chào đời cũng mất luôn, và tiếng mẹ phải lùi dần vào dĩ vãng, nhường chỗ cho tiếng lạ ngu ngơ:
                   Đổi ngược họ tên cha mẹ đặt
                   Học làm con trẻ nói ngu ngơ
                   Vùi sâu dĩ vãng vào tro bụi
                   Thân phận không bằng đứa mãng phu
          Oái oăm nhất là muốn quên mà không được! Càng muốn quên lại càng nhớ mồn một, bởi lẽ vết thương chưa thể thành thẹo, mãi còn rỉ máu. Hình ảnh chiến trường đẫm máu còn nguyên trong ngày đêm thức ngủ:

                   Khép mắt cố quên đời chiến sĩ
                   Làm thân cây cỏ gục ven bời
                   Chợt nghe từ đáy hồn thương tích
                   Vẳng tiếng kèn truy điệu mộng xưa .
          Nhớ sa trường, nhớ mình một thuở tung hoành, nhưng nhớ nhất là nhớ quê hương khổ đau và các đồng đội đã thề sống chết bên nhau, nay mất nhau vĩnh viễn!
                   Ơi hỡi quê hương, bè bạn cũ
                   Những ai còn mất giữa sa mù
                   Mất nhau từ buổi tàn xuân đó
                   Không một tin nhà, một cánh thư

          Sống đời tạm dung, có người chủ trương quên đi qúa khứ để hội nhập vào cuộc sống mới và xây dựng tuơng lai con cháu nơi miền đất hứa. Nhưng Thanh Nam khác hẳn. Hoàn cảnh đã cướp mất mùa xuân của dân Việt. Từ năm 75, đất mẹ đã chết với búa liềm cờ đỏ, và thời gian cũng chết với uất hận tháng Tư:
                   Biền biệt thời gian mòn mỏi đợi
                   Rối bời tâm sự tuyết đan tơ
                   Một năm người có mười hai tháng
                   Ta trọn năm dài Một Tháng Tư !
          Đau đớn nhất là dân Việt đã phải chấp nhận thân phận kẻ thua cuộc một cách qúa phi lý! Bao xương máu đổ ra, bao chiến thắng lẫy lừng, tinh thần chiến đấu ngút ngàn như Phù Đỗng, thế mà đành buông súng đầu hàng trong nhục nhã. Hai mươi năm chiến đấu kiên cường, rốt cuộc tự do đã rẫy chết trong vỏn vẹn 52 ngày! Trách ai thì cũng đã muộn, chỉ còn biết khóc thương cho vận nước, cho cái giá của Tự Do qúa đắt!
                    Canh bạc chưa chơi mà hết vốn
                   Cờ còn nước đánh phải đành thua
                   Muốn rơi nước mắt khi tàn mộng
                   Nghĩ đắt vô cùng giá Tự Do !
                Đồng cảm với Thanh Nam, Trần Trung Đạo cũng  cảm đã âm thầm nhỏ lệ nhớ quê hương khi xuân về, với tâm trạng chim én lạc đàn xa tổ ấm:
                   Ai có về bên kia đất nước
                   Thở dùm tôi hơi ấm quê hương
                   Tôi, con én lạc mùa xuân trước
                   Vẫn khóc âm thầm nơi viễn phương 
          Trong lúc người ta hớn hở nâng ly ruợu mừng, thì tác giả một mình nghĩ tới thân phận lưu vong với tấm áo bạc màu, với xác pháo tả tơi, khẻ nhấp chén đng cay mà nhớ quê hương khổ đau:
                    Lòng tôi cũng bạc theo màu áo
                   Chiếc pháo giao thừa đã tả tơi
                   Chén rượu mừng xuân tôi chẳng uống
                   Chỉ uống đêm nay những ngậm ngùi.
          Ngậm ngùi vì thương nhớ quê hương bỏ lại. Đã xa rồi nơi thân thương đó, có tiếng mẹ cười, có em tha thướt trong áo lụa hồng thuở ấy..
                   Ðèn ai thắp sáng bên kia phố
                   Nhớ quá, chao ôi, tiếng mẹ cười ..
                   Hỡi em, cô gái mùa xuân trước
                   Còn đứng hong khô áo lụa hồng 
          Và nhất là nhớ chiếc bánh chưng xanh đượm tình dân tộc, với lời chúc xuân tình nghĩa đầm ấm:
                   Bếp lửa than hồng sao chẳng ấm
                   Tôi thèm một chiếc bánh chưng xanh
                   Thèm nghe ai nói lời tha thiết
                   Một lời chúc tụng bước sang năm 

          Bùi Giáng cũng trải vào thơ những vần điệu tha thiết khi xuân về trên đất khách, với hồng tàn lệ khóc như thể niềm đau bạc mệnh:
                   Xin chào nhau giữa làn môi 
                   Có hồng tàn lệ khóc đời chửa cam 
                   Thưa rằng bạc mệnh xin kham 
                   Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây 
          Xa quê hương, dân Việt nhìn nhau, chào nhau nơi đất khách, mà tâm hồn thì vẫn ở nơi đâu, thật xa xôi bên kia bờ đại dương:
                   Xin chào nhau giữa bụi đầy
 
                   Nhìn xa có bóng áng mây nghiêng đầu 
                   Hỏi rằng: người ở quê đâu 
                   Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà 
          Nói chung, dân Việt tị nạn vì hoàn cảnh đã chọn đất người làm quê hương, nhưng đó chỉ là quê hương tạm dung. Quê hương đích thực vẫn là quê hương bên kia bờ đại dương, nơi trở về của dân Việt, vì chỉ nơi đó mới có mùa xuân dân tộc tươi nở khi không còn bóng dáng thù trong giặc ngoài, như  tâm nguyện của Trần Trung Đạo:

                   Tôi sẽ về để sống với quê hương
                   Mai tôi chết xin làm phân nuôi đất.
          Xin Trời Đất chúc phúc cho ước nguyện đầu xuân của dân Việt, sớm thấy quê hương tự do thanh bình..


No comments:

Post a Comment