Friday, August 30, 2019


NẺO VỀ QUÊ HƯƠNG ĐÍCH THỰC
Ngô Quốc Sĩ

          Đời là một cuộc hành trình về quê hương “sống gửi thác về”. Quê hương đích thực đó là Niết Bàn trong cõi Phật, là “Nhà Cha” trong tâm thức Kitô hữu. Ngay trong cuộc hành trình trần thế ngắn ngủi, con người cũng có một quê hương để trở về, là cội nguồn tiên tổ, hay là nơi chôn nhau cắt rốn, chôn dấu bao kỷ niệm tuổi thơ…
          Tuệ Sỹ, một Thiền Sư, một Triết gia, và một nhà trí thức yêu nước, luôn  luôn ấp ủ một tâm thức trở về trong sáng. Trở về với quê hương mơ ước vĩnh hằng, cũng như quê hương hiện thực hôm nay..
          Trước hết, là một triết gia thiền sư, Tuệ Sỹ luôn luôn  hướng về quê hương bên kia bến mê khổ hải, mong sớm chấm dứt cõi sinh diệt, giã từ cuộc lữ hành trên chuyến đò ngang để dừng chân nơi quê nhà.
                  nghe từ thiên cổ
                   lời ru mênh mang
                   bước vào cuộc Lữ
                   mấy chuyến đò ngang.
          Trên chuyến đò ngang ngắn ngủi đó, lữ khách đã phải đối diện với thực tại bể dâu vô thường, với ánh tà dương ướt lệ, với thiên địa hoang tàn:
                   Tà dương có khóc
                   Nắng ngả ánh vàng
                   Mưa bay thoảng chốc
                   Thiên địa hoang tàn
          Lữ khách chỉ ngày đêm mong đò ngang tới bờ đễ chấm dứt cuộc đời lưu ly, thấp thoáng nhìn thấy nẻo về quê hương đích thực bên kia bờ tử sinh, với tâm thức giác ngộ:
                   Ðồi mai ngơ ngác nụ cười
                   cánh hồng lả mộng của đời lưu ly
                   tồn sinh thấp thoáng nẻo về
                   dấu trơ bãi tuyết, ngoài tê cánh hồng
          Đó là nẻo về của một thiền sư. Đi vào thực tế cuộc đời, đối diện với thực tại, như một con tim Việt Nam, Tuệ Sỹ lại mơ về  quê hương thanh bình bên kia hiện thực đất nước tang thương hôm nay.  Nhìn quê hương quằn quại  trong cùm đỏ, con tim Tuệ Sỹ đã se thắt, bởi lẽ chỉ thấy đồng hoang nhỏ máu, sông dài huyết lệ, khói sương mịt mờ hận tủi:
                   Mười năm sau anh băng rừng vượt suối
                   Tìm quê hương trên vết máu đồng hoang
                   Chiều khói nhạt như lòng ai còn hận tủi
                   Từng con sông từng huyết lệ lan tràn
          Trên mảnh đất hoang tàn đó, nhà thơ không còn tìm thấy con người, mà chỉ thấy lũ ma vương qủy sứ. Nếu Mục Sư Hoàng đã thấy xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ là chuồng khỉ và Đức Tường chỉ thấy cả bầy chó hoang, thì Tuệ Sỹ cũng chỉ thấy xã hội Việt Nam hôm nay chỉ toàn lũ qủy ma  từ âm ty kéo về tràn ngập cả rừng xanh, gieo sầu tủi cho cả dân tộc:
                   Ta đã hát những bài ca của suối
                   Gã anh hùng bẻ vụn mặt trời
                   Gọi quỷ sứ từ âm ty kéo dậy
                   Ngập rừng xanh lấp lánh ma trơi
          Qủy Việt Nam hôm nay là qủy đỏ, chuyên môn hút máu người. Với chủ trương “giết giết nữa bàn tay không ngưng nghỉ”, thì sông nước thành sông máu, núi non thành núi xương:
                   Ðêm qua chiêm bao ta thấy máu
                   Từ sông Ngân đổ xuống cõi người
                   Bà mẹ soi tim con thành lỗ
                   Móc bên trong hạt ngọc sáng ngời.
          Thế là sử Việt biến thành huyết sử gọi là sử đen, nước tràn núi lở, như cơn hồng thủy nhận chìm đất nước và dân tộc xuống đáy vực. Trời Đông chẳng còn thấy minh châu mà chỉ còn khói mù lấp kín. Quê hương  đã chìm khuất, mịt mờ dưới mái tóc trắng rũ rượi vô vọng:
                                Hận thù sôi giữa ráng chiều
                   Sông tràn núi lở nước triều mênh mông
                   Khói mù lấp kín trời đông
                   Trời ơi tóc trắng rủ lòng quê cha
          Tuy trong đêm đen khói mù lấp kín trời mây, với niềm uất hận dâng trào và niềm đau chất ngất bật thành tiếng khóc uất nghẹn, Tuệ Sỹ vẫn không tuyệt vọng. Ông vẫn chờ đợi “một tia sáng cuối đường hầm”, đúng hơn, một ánh sao như niềm hy vọng le lói giữa đêm đen hận thù:
                    Tôi vẫn đợi những đêm dài khắc khoải
                    Màu xanh xao trong tiếng khóc ven rừng
                    Trong bóng tối hận thù, tha thiết mãi
                    Một vì sao bên khóe miệng rưng rưng. 
          Khi vì sao hy vọng xuất hiện trong đêm tối ba mươi, thì trời Đông cũng lặng gió. Một tia sáng bừng chiếu giữa mây mù, như thể ánh mắt sáng ngời của dân Việt soi thấu lịch sử, giúp con cháu Lạc Hồng nhận chân được những nỗi bất hạnh của dân Việt hôm nay và tương lai của dân tộc mai sau. Từ đó, đau khổ sẽ biến thành tin yêu, đúng như mơ ước của Nguyễn Chí Thiện, máu sẽ nở thành hoa tô thắm sử Việt:
                   Tôi vẫn đợi những đêm đen lặng gió
                   Màu đen tuyền ánh mắt tự ngàn xưa
                   Nhìn hun hút cho dài thêm lịch sử
                   Dài con sông tràn máu lệ quê cha.
          Chỗi dậy với ánh mắt tin yêu, dân Việt sẽ quên đi qúa khứ tủi nhục đau buồn của thời sử đen. Đó là nỗi đoạn trường của người tị nạn phải gạt lệ rời bỏ quê hương ra đi, đối diện với sóng gió, với tử thần và hải tặc cuồng dâm. Đó cũng là nỗi đau tột cùng của người ở lại bị hành hạ trên hè ph, bị ruồng rẫy nơi công viên, bị cướp đoạt nơi làng xóm, hay rũ liệt sau then cài ngục thất, như thể bị lưu đày trên chính quê hương mình.
                   Tôi vẫn đợi suốt đời quên sóng vỗ 
                   Quên những người xuôi ngược Thái Bình Dương 
                   Người ở lại giữa lòng tay bạo chúa 
                   Cọng lau gầy trĩu nặng ánh tà dương 
          Và thêm nữa, ngày đó dân Việt sẽ không còn phải nhìn thấy những trại tù dị sử, những hàng rào kẽm gai treo xác tù nhân, những xiềng xích dính máu tinh hoa đất Việt:

                   Rồi trước mắt ngục tù thân bé bỏng
                   Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu
                   Rồi nhắm mắt ta đi vào cõi mộng
                   Như sương mai, như ánh chớp, mây chiều.
          Thế là Tuệ Sỹ như một triết gia, đã trải vào thơ nỗi thao thức của  người  đời trong cuộc hành trình trần thế, luôn luôn tìm về quê hương đích thực bên kia sinh kiếp ngắn ngủi.  Đồng thời như một nhà trí thức yêu nước thương nòi, Tuệ Sỹ đã chia sẻ nỗi đắng cay của dân Việt trong hoàn cảnh khốn cùng bị cộng sản đọa đày. Nhưng điều đáng cảm phục, là Tuệ Sỹ đã đốt lên một ngọn nến, thắp lên một ánh sao, khơi dậy lòng tin yêu của dân Việt, đợi ngày quê hương phục sinh. Mẹ Việt Nam đã tìm thấy hạt ngọc sáng ngời trong tim con. Giấc mộng của Tuệ Sỹ, cũng chính là giấc mộng của dân Việt, lóng lánh như suơng mai, êm nhẹ như mây chiều, và sáng ngời như châu ngọc…




No comments:

Post a Comment