Thursday, March 28, 2019


HÃY QÙY XUỐNG TẠ TỘI

Ngô Quốc Sĩ
                
Từ ngày Hồ Chí Minh đem chủ thuyết cộng sản vô thần phi nhân về tắm máu dân tộc, dòng sử Việt đã bị bóp méo, chính sử thành ngụy sử. Sử Việt hôm nay được gọi là “sử đen” hay hơn nữa là “huyết sử”, viết bằng máu và nước mắt của dân Việt dưới bàn tay bạo cường, nhẫn tâm phản bội tổ quốc và dân tộc.  Đất nước tang thương. Dân tộc tác tác. Một số đảng viên cộng sản đã thức tỉnh, sám hối, bỏ đảng, chống đảng, nhưng đa số vẫn còn ngoan cố, bám lấy chủ thuyết độc tài đảng trị, tiếp tục xây lâu đài đao phủ trên máu xương dân lành. Văn chương dân gian đã đòi đưa hết bọn chúng ra pháp trường. Hôm nay, nhà thơ Vivi cũng đã kêu gọi bọn chúng phải qùy xuống tạ tội.
          Tội ác cộng sản qủa tày trời! Với chủ trương nhuộm đỏ Việt Nam, Hồ Chí Minh đã cướp chính quyền trong tay người quốc gia, thủ tiêu hầu hết các nhà ái quốc chân chính, giết hại hàng triệu người dân vô tội. Đặc biệt, theo Vivi, Hiệp Định Geneve năm 1954 chia đôi đất nước thật sự là con dao cắt đứt thi thể mẹ Việt Nam, làm cho máu chảy lênh láng! Cầu Hiền Lương thuở ấy đã trở thành biểu tượng của ly cách Nam Bắc, quấn vành khăn tang lên non nước và dân tộc như dòng máu lệ tuôn chảy:
                   Từ thuở Cầu buồn chia lệ ướt
                   Tình người Nam Bắc rũ dòng sông
                   Vành tang thù hận cài Non Nước
                   Rụng bóng ly tan đọng máu hồng
           Cầu mang tên Hiền Lương mà cộng sản đã biến thành quái ác! Những giọt máu oan nghiệt đã rưới xuống, biến chiếc cầu thành tiếng nấc nghẹn ngào:
                   Vô thần mị Quốc gây oan nghiệt
                   Cầu nhuộm hai màu xóa Hiền Lương
                   Nghẹn ngào tiếng Quốc tình ly biệt
                   Nồi da xáo thịt cảnh tang thương
          Dòng sông hiền hòa nay thành sông máu. Dòng nước trong xanh chảy thành huyết lệ:
                   Hai mươi năm lẻ Cầu chia cắt
                   Non Nước trầm buồn lặng lẽ trôi
                   Dòng sông máu lệ sầu Nam Bắc
                   Đêm đêm quằn quại khóc chia đôi
          Thế rồi sau 20 năm chiến đấu bảo vệ độc lập tự do, miền Nam Việt Nam đã lọt vào tay bọn cộng sản xâm lăng từ miền Bắc. Từ đó, máu lại tuôn chảy nhiều hơn với chính sách trả thù của bọn hoang thú bạo tàn. Cả triệu nguời dân Việt đành bỏ nước ra đi tìm đất sống, tìm hơi thở tự do:
                                Nếu ai hỏi quê cha đất mẹ
                   Sao đành lòng phải bỏ lìa xa
                   Con vạch tội độc tài đảng trị
                   Và nhà tù mọc khắp quê ta
          Kể từ đó, đất Việt trở thành đất chết. Tổ quốc phủ màu tang. Dân Việt tan tác và hồn dân Việt cũng ngắc ngoải thoi thóp:
                   Xuân hoà bình, lệ càng chồng chất
                   Một mùa xuân vỡ tổ lìa đàn
                   Tình yêu ghen bỏ hồn lây lất
                   Núi Sông buồn phủ trắng màu tang
                Dân Việt đang chết dở sống dở trong tù lớn tù nhỏ trong khi cộng sản vẫn hiên ngang chém giết, lại còn nhẫn tâm làm tay sai ngoại bang, rước kẻ thù vào giày xéo đất mẹ:        
                   Chế độ liệm chôn Dân Tộc
                   Đảo lừa, tàn độc, bất lương
                   Đảng tồn nhờ sĩ Mán Mường
                   Làm thân nộm khuyển mở đường Tàu vô
                Là hoang thú tàn ác, cộng sản Việt nam còn là lũ giặc cướp, cướp tài nguyên của nước, cướp tài sản của dân. Mẹ Việt Nam nhỏ máu. Dân Việt nhỏ lệ. Đất Việt nghẹn ngào:
                    Mẹ Việt đau, vắt lệ pha
                   Tưới lên mảnh đất phù sa nghẹn ngào
                   Rừng vàng, biển bạc giặc đào
                   Tài nguyên khai quét, giặc vào án quân
          Một tội ác lớn lao khác của cộng sản Việt nam, là tội phỉ báng công lý và hủy hoại nền văn hiến ngàn năm của dân tộc. Hôm nay, nền văn hóa truyền thống đang bị phá sản, xã hội băng hoại, lòng dân oán hận giăng tràn biển Đông:
                   Tiếng chuông công lý ngỡ ngàng
                   Tủi bờ vong Quốc, hận tràn bể đông
                   Ngàn năm văn hiến Tiên Rồng
                   Tựa vành tang trắng, máu hồng tan gia
          Thêm một tội ác nữa, là tội vong ân bạc nghĩa. Cộng sản Việt Nam đang quay lưng với nhân dân, với cả những ân nhân của chế độ, tiêu biểu như các bà mẹ chiến sĩ ngày nào nay thành dân oan, các chiến sĩ đã bỏ xác tại Trường Sa 1988,  tại biên giới Việt Trung 1979. Đến như Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam thì hết chỗ nói! Nguyễn Hộ phải kêu lên một cách mỉa mai: “Người ta vắt chanh bỏ vỏ, còn chúng nó nuốt luôn cả vỏ!”.
          Đáng nói nhất là hôm nay, cộng sản Việt Nam còn đắc tội với tiền nhân khi cho tháo gỡ lư hương dưới chân tượng thánh Trần Hưng Đạo tại bến Bạch Đằng, nhất là cho cày nát tượng “Thương Tiếc” trước cổng nghĩa trang Biên Hòa, làm bao người rơi lệ uất hận:
                   Tượng «Thương Tiếc», dã tâm xới nát
                   Mồ "Lính Trận", phỉ báng ngược xuôi
                   Cộng gieo hoạ sân si tan tác
                   Thế giới vô hình lệ khôn nguôi
          Bức tượng này đã được dựng lên để tưởng nhớ những chiến sĩ đã nắm xuống cho quê hương, và cũng để thể hiện Thiên ý sáng ngời và anh linh cao cả của Việt tộc:
                   Hãy quì xuống cúi đầu tưởng tiếc
                   Mang mang hoài vọng bóng mây hồng
                   Hoa Thiên Ý sáng ngời sông núi
                   Khí anh linh nguyệt toạ non bồng
          Tượng Thương Tiếc đã nêu gương trung dũng của trai Việt làm lẽ trường tồn của dân tộc.
                   Tình người lính chiến minh minh tỏa
                   Muôn kiếp trường tồn Tổ Quốc ghi
                   Đá tạc bia đời gương trung dũng
                   Khắc cốt tri ân, há thị phi
          Với nỗi lòng uất hận cộng sản tàn độc, với niềm thương tiếc và biết ơn người đi, nhất là để tạ tội với tổ tiên, nhà thơ đã thẳng thắn kêu gọi bọn con hoang qùy xuống tạ tội bất trung bất hiếu:
                   Hãy quì xuống "Đảng Hồ Hà Nội"
                   Cúi đầu cung phụng trước mộ bia
                   Hãy gục mặt thỉnh cầu tạ tội
                   Với vong linh Chiến Sĩ chia lìa !
                Không những đòi đảng cộng sản qùy xuống tạ tội với tiền nhân, mà Vivi còn kêu gọi dân Việt đứng lên quét sạch lũ tà quyền và bọn xâm lăng:
                   Hãy quật khăn tang Tổ Quốc
                   Trải dài mảnh đất phù sa
                   Huyết tâm Dũng Trí diệt tà
                   Đuổi quân Tàu Cộng khỏi nhà Việt Nam
          Cám ơn nhà thơ Vivi với những vần thơ rực lửa đấu tranh. Ngòi bút sắc bén của Vivi đang đốt lên ngọn lửa cách mạng. Với tâm nguyện thành khẩn và ý chí kiên cường, chắc chắn dân Việt sẽ chiến thắng nội thù và ngoại tặc..


         

         


         
         
         


Thursday, March 21, 2019


CÁNH NHẠN TÂY BẮC
Ngô Quốc Sĩ

          Tâm thức lưu vong là những giọt máu đọng trong đáy lòng những người con phải xa quê hương như xa cánh mẹ, luôn luôn hướng về đất tổ với bao nhớ thương sầu tủi. Dân Do Thái trong kiếp sống lưu đày xa xứ, đã ngày đêm ngồi bên bờ sông Babylon mà nhớ Sion, hẹn ngày về cố quốc. Dân Việt từ năm 1975, cũng đã phiêu bạt bốn  phương, chấp nhận một chốn đôi quê, sống nơi  quê hương tạm dung và lòng luôn luôn tưởng nhớ quê hương đích thực. Có người đã trở về mong giải cứu quê hương đọa đày như Trần Văn Bá, Võ Đại Tôn, Ngô Chí Dũng. Người khác chưa trở về cũng đã mơ một ngày về như Nguyệt Ánh Việt Dzũng..Riêng Lê Tấn Dương, cũng đã trải tâm thức lưu vong qua những vần thơ thật ngậm ngùi truyền cảm, làm ray rứt bao con tim sau 44 năm lưu lạc, vết thương vẫn chưa khô máu..
          Bài thơ “Hành Tây Bắc” đã mở đầu với cảm thức triết lý về cuộc đời đổi thay, mà tiêu biểu là cuộc đổi đời bi thảm của dân Việt từ ngày dép râu và nón tai bèo vào dẫm nát miền Nam một thời từng là hòn ngọc Viễn Đông:
                   Ta đã lưu phương Tây Bắc này
                   Hai sáu mùa, theo lá thu bay
                   Hết năm, Xuân đến, hoa đào nở
                   Mới thấy cuộc đời lắm đổi thay.
          Qủa là bi thảm! Cuộc chiến tàn khốc đã nhận chìm đất nước trong lửa khói. Hai mươi năm chiến đấu bảo vệ tự do đã kết thúc trong tủi nhục. Tháng Tư 75 là tháng Tư Đen, tự do bị bức tử, dân Việt tan tác, kẻ lưu lạc nơi đất khách, người lưu đày trên chính quê hương mình. Đến hôm nay, hình ảnh quê hương lửa khói vẫn luôn hiển hiện trước mắt:
                   Chuyện cũ quê nhà  - Ta nhớ chứ!
                   Lửa cháy tan hoang bốn góc trời.
                   Ta khóc miền Nam, thương đất nước
                   Máu đào, xương trắng, bạn bè ơi.
          Thương nước thương nòi, nhưng mang thân phận kẻ thua cuộc, sống đời lưu vong, tác giả cảm thấy ray rứt, như thể văng vẳng nghe tiếng quốc mà lòng tan nát. Nếu Nguyễn Bá Trác đã mượn chén hồ trường mong vơi bớt nỗi lòng người cuồng sĩ bất đắc chí:
                   Vỗ gươm mà hát
                   Nghiêng bầu mà hỏi
                   Trời đất mang mang ai người tri kỷ

                   Lại đây cùng ta cạn một hồ trường
          Thì hôm nay, Lê Tấn Dương cũng mượn hơi men để trút hết nỗi lòng đứt đoạn của người chiến sĩ nửa đường đứt gánh tang bồng như kẻ ngã ngựa, như đại bàng gãy cánh:
                   Đêm lạnh, một mình bên chung                               rượu
                   Chưa cạn hồ trường đã thấy say.
                   Từ năm gãy kiếm, rời lưng mã
                   Chớp bể mưa nguồn chuyện rủi may.
          Say để bớt sầu lưu vong, để quên thân phận ngã ngựa, nhưng dù tỉnh hay say thì vẫn cảm thương cho phận mình, tóc đã điểm sương, chân đã thấm mỏi,  mà nợ trả chưa xong, quê cũ vẫn còn ngóng đợi bước chân người về:

                   Nợ trả chưa xong, đầu đã bạc
                   Tàn cuộc viễn trình, tay trắng tay
                   Đêm đêm ngóng mắt về quê cũ
                   Gởi lòng theo từng cánh nhạn bay.
          Biết rằng quê hương ngóng đợi, nhưng nói gì và làm gì khi chí trai đã lỡ vận, cuộc cờ chưa mãn đã chào thua trong tức tưởi:

                                Hết nửa đời trai vì cơm áo
                   Đành gởi phận người theo gió mây
                   Nếu biết cuộc cờ từ kiếp trước
                   Thì đâu phải lụy từng phút giây
          Hẳn là đã lỡ vận rồi, nay chỉ còn vớt vát mở lại hành trang tìm một chút gì còn lại, nhưng thật đau lòng! Chỉ nhìn thấy “tay trắng tay”, ngay cả nửa thanh gươm mang theo trong lòng như một chứng tích cuộc chiến chưa tàn, nay cũng biến mất như thể kết liễu chí trai hồ thỉ. Giờ chỉ còn lại những giọt lệ trong mắt cay bên cạnh bình rượu hờ hững:
                   Bao năm lưu lạc vùng Tây Bắc
                   Tìm nửa thanh gươm ở chốn này
                   Nhiều đêm hơi rượu tràn cay mắt
                   Kiếm mất, bình rơi, giọt lệ đầy.

          Nếu hỏi phải chăng đã mất tất cả, thì xin thưa  không”, vì vẫn còn tình yêu và tình bạn. Tình yêu còn đó, em vẫn còn đây như một vỗ về cánh én lạc bầy, cô đơn sầu tủi nơi vùng đất lạ:
                  Hỡi em thục nữ, môi hồng phấn
                   Đừng sợ đêm tàn, tỉnh cơn say
                   Hãy uống cùng ta, nghe chuyện cũ.
                   Chuyện sa trường, da ngựa bọc thây.
      Và tình bạn cũng còn đó như một nhắc nhở sứ mệnh người trai thời chiến, thức tỉnh lòng yêu nước thương nòi với quyết tâm tay trong tay mang kiếm Kinh Kha qua bờ sông Dịch trừ gian diệt bạo. Tình “huynh đệ chi binh” đã làm sống lại ước mơ trở về. Nhưng rồi tác giả phải phân vân tự hỏi, 44 năm rồi bờ Dịch vẫn cách xa, không biết thời gian còn kịp để qua sông kề kiếm vào cổ nghịch tặc không? Dù sao hình ảnh Kinh Kha vẫn là ước mơ tuyệt với của chàng trai Việt tha hương:
                   Bằng hữu - Rượu đây, xin cạn chén.
                   Nguyện ước một ngày, tay trong tay
                   Bến Hải nếu xưa là sông Dịch
                   Ta muốn sang Tần, kịp không đây?

          Còn kịp không đây? Xin trả lời kịp hay không là còn tùy ý chí và quyết tâm của mỗi con dân đất Việt. Lịch sử chứng tỏ rằng. Mỗi lần đất nước lâm cảnh tang thương thì tinh thần Diên Hồng lại làm sống dậy sóng Bạch Đằng cứu nguy tổ quốc. Cũng thế, mỗi khi dân Việt lâm cảnh khốn cùng thì đã có những vị cứu tinh xuất hiện ra tay cứu vớt. Đức Thánh Gióng, Đức Thánh Trần và bao anh hùng liệt nữ khác chẳng phải là những đấng “thiên sai” quy tụ lòng dân, cứu nguy con cháu Rồng Tiên đó sao?
          Trong niềm tin tưởng vào một ngày về, tác giả đã thầm ước dân Việt giữ vững niềm tin và quyết tâm biến đau khổ thành hành động, biến huyết lệ thành máu phục sinh và nước mắt giải thoát. Lúc ấy, thơ không còn là tiếng than ão não, mà là tiếng giải oan kiếp người, mua lại tiếng cười đã quên trong bấy nhiêu năm:
                   Ta bỏ quê xưa, đi biền biệt
                   Bao nhiêu năm, quên cả tiếng cười.
                   Thơ ta, nhỏ xuống thành huyết lệ
                   Xin giải oan khiên một kiếp người
          Thế là con nhạn Tây Bắc đã tìm ra chân lý, vịn vào thơ để đứng dậy và múc cạn huyết lệ để ươm mầm sống và nung nấu tinh thần chiến đấu. Thơ có sức mạnh vô biên, giải oan kiếp người và cứu nguy tổ quốc. Ngày nào tủi hận “gãy kiếm rời lưng mã”  thì ngay mai dân Việt sẽ vung kiếm “thét roi cầu Vị ào ào gió thu”
         
         
         



Thursday, March 14, 2019


MƠ NGÀY HỘI XUÂN
                                                                                                       Ngô Quốc Sĩ
          Nỗi lòng người Việt tha hương những ngày đầu xuân thật khó tả. Hẳn nhiên, ai cũng cảm thấy vui mừng được đón xuân trong không khí tự do, với cuộc sống sung túc và con cháu thành đạt. Nhưng trong niềm vui xuân nơi xứ người, dân Việt vẫn ngậm ngùi thương nhớ quê hương khổ đau dưới ách thống trị của tập đoàn cộng sản phi nhân. Tại quê nhà, mọi tiếng nói dân chủ đều bị bóp nghẹt trong trứng nước. Dân Việt vẫn kéo lê cuộc sống khốn khổ lầm than. Tại hải ngoại, dân Việt cố gắng hội nhập vào cuộc sống mới, đa số vẫn nỗ lực đấu tranh cho tự do dân ch và không ngừng chuyển lửa về quê hương, nuôi dưỡng tinh thần đấu tranh nhằm giải thể chế độ cộng sản đang gieo oan khiên lên đầu dân Việt, làm mùa xuân héo úa.
                Nếu Văn Nguyên Duỡng đã thấy mùa xuân mất vẻ tươi tắn, khoác áo mùa đông “ Tết giữa mùa Đông hoa tuyết bay,Căm căm gió trắng lạnh đầy tay...” thì Hoàng Phong Linh qua bài thơ “Ngày hội xuân sẽ đến” cũng thấy mùa xuân nay đã chết, chỉ còn mùa đông lạnh giá bởi lẽ dân tộc đang đắm chìm dưới đáy vực:       
                Dân Tộc chìm sâu vào đáy vực tàn hơi,
               Xuân cũng chết, chỉ còn Đông lạnh giá 
          Qủa thế, hôm nay mùa xuân đã chết thật sự trên quê hương. Đàng sau những màn trình diễn thật huy hoàng, những cảnh sắc thật lộng lẫy, đang ẩn dấu những dòng nước mắt cay đắng âm thầm nhỏ xuống đất mẹ khi mầm sống đang bị dẫm nát và hơi thở chỉ còn thoi thóp như đang hấp hối:
                   Dòng lịch sử mù khơi
                   Đất trời nghe máu khóc.
                   Em vàng khô tuổi ngọc
                   Tang tóc phủ đường Xuân.
          Mùa xuân khuất bóng. Giờ đây dân Việt phải sống trong đêm dài tối đen như đêm 30, câm lặng gặm nhấm niềm đau, nói không ra lời, mắt ướt làn mi:
                   Lệ đã cằn khô – hoàng hôn sẫm tím
                   Vết đen dài ngã bóng bước ta đi.
                   Bàn tay khô, anh vuốt nhẹ làn mi
                   Không tiếng nói mà nghe ngàn ngôn ngữ

          Trong đêm dài lịch sử đó, hẳn nhiên mùa xuân đã trôi xa. Hiện thực hôm nay chỉ còn là  gian truân, máu và nước mắt chan hòa, chẳng   thấy chùm khế ngọt đâu, mà ngày đêm dân Việt chỉ nếm trái  đắng:
                   Xuân nào đâu ? – dòng máu lệ chan hòa
                   Em vẫn khóc, nhọn đường gai rỗ gót.
                   Mong cành đau kết thành trái ngọt
                   Cho Em vơi chua xót nỗi Đời.
          Đau đớn nhất là dân Việt phải kéo lê kiếp sống lưu đày trên chính quê hương của mình. Quê hương nay đã cạn khô dòng sữa mẹ, đã tắt lịm nguồn thơ lục bát, chỉ còn lại xà lim vách đá, giam hãm dân Việt trong tù nhỏ tù lớn:
                   Dòng lục bát từ sữa Mẹ mờ hoen
                   Lên tiếng khóc – nghẹn xà lim vách đá.
                   Giữa trời quê hương Em dường khách lạ
                   Đường hoang vu bao ngả phù vân.
          Mỉa mai thay! Trong khi dân Việt đang ngộp thở trong gông cùm nghiệt ngã, đang quằn quại dưới cờ đó búa liềm, thì cái loa tuyên truyền cộng sản vẫn ngày đêm oang oang ca tụng chủ nghĩa vô sản chuyên chính, tô hồng chế độ phi nhân lỗi thời:
                   Em đã quằn vai, gánh nặng gian truân
                   Anh đổ máu, luống cày trơ vỏ đạn.
                   Loa thét vang khàn hơi Vô Sản
                   Át lời ca tiếng hát tuổi Em thơ
          Trong nỗi đắng cay chua xót của người mang tâm thức lưu đày, tác giả đã quay gót tìm về dĩ vãng, ôn lại những kỷ niệm êm đẹp thuở xa xưa:
                   Và hôm nay, nơi quê người xứ lạ
                   Anh chạnh lòng nhìn lại tóc Em xưa
                   Trắng bạc làn mây, ướt sũng chân mưa,
                   Tay nắm chặt, nghe lòng run kỷ niệm.
        Từ những kỷ niệm đẹp trên tóc em thuở nào, tác giả đã mơ hồ nghe mùa xuân dân tộc gọi mời, với Hồ Gươm trải lụa dệt thơ, với rừng chân dậy đất và muôn người cất cao tiếng hát, làm  mắt em tuôn trào lệ vui và đáy lòng rung nhịp tự do:
                   Từ thuở Hồ Gươm áo lụa thành Thơ
                   Cao tiếng hát giữa rừng chân dậy đất.
                   Mắt nai Em trào vui lệ mật
                   Nghe đáy lòng rung phím Tự Do.
          Ngày đó, những trang sử mới sẽ được viết ra, và ánh bình minh sẽ chiếu rạng trên đỉnh cuộc đời. Cũng từ đó Tổ Quốc Việt Nam sẽ hiên ngang đậm nét trên những trang giấy học trò trinh trắng, thắm đượm tình tự dân tộc:
                  Tổ Quốc hiên ngang trên trang giấy học trò
                   Đường rộng mở rộn ràng thơm lịch sử.
                   Ánh bình minh trên đỉnh đời cao ngự
                   Ngàn sông về tình tự bến ca dao.
          Như một giấc mơ sắp thành hiện thực, Hoàng Phong Linh từ nỗi đau ê chề, đã thật sự hồi sinh, tìm lại được cả một trời hy vọng với ánh bình minh chiếu rạng trên quê hương yêu dấu:
                   Vườn quê hương sẽ hồng nhung tươi sáng
                   Một trời Xuân bừng rạng ánh bình minh.
                   Anh đưa Em về, quỳ hôn đất quê mình
                   Nghe nhịp thở hồi sinh từng ngọn cỏ
          Đất mẹ hồi sinh, quê hương trổ hồng nhung tươi sáng, từng ngọn cỏ lung linh nhịp thở ngọt mềm. Dù tóc em có điểm sương,  thì hồn em vẫn ánh lên ngà ngọc, dĩ vãng đau buồn sẽ chìm vào quên lãng, nhường chỗ cho những bước chân trải lụa trong nắng ửng hồng:

                   Tóc Em trắng nhưng hồn Em vẫn ngọc
                   Gió lụa vờn hương tỏa bước Em vui.
                   Bao nhiêu năm ngậm ngùi
                   Chôn vùi theo dĩ vãng.
          Và lúc ấy, anh sẽ rước em vào ngự trị trong hồn. Hai ta cùng nhau nức men nồng của ngàn hoa ngát thơm:
                   Hãy cố cười lên, hồn anh Em ngự
                   Dù trắng bờ vai, Em mãi là Xuân.
                   Anh đưa Em về, chấm dứt gian truân,
                   Cho Em lại cả mùa hoa Dân Tộc.
          Còn gì đẹp hơn và thơ mộng hơn! Anh sẽ đón em là mùa xuân vào hồn anh và dân Việt sẽ đón mùa xuân vào lòng dân tộc. Đó là mùa xuân đích thực, miên trường, không còn bóng dáng mùa đông lạnh giá:
                   Bước Xuân về theo gió
                   Vàng rợp ánh cờ bay.
                   Dù Em tóc trắng hôm nay
                   Tình anh vẫn mãi đợi ngày Hội Xuân.
          Hẹn gặp nhau trong ngày Hội Xuân dân tộc để cùng nhau nâng Ly Rượu Mừng..




Monday, March 11, 2019

ĐỐI THOẠI VỚI GS. TSKH NGUYỄN ĐĂNG HƯNG

Khi cái ác lên ngôi
Khi thiện và ác đổi ngôi - Xã hội VN kết thúc là thảm họa? GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng: Tôi nói có ngoa đâu. Ba tôi, những người cùng thời với ông cả đời đi theo cách mạng. Trên đôi vai của họ là những vì sao, là khát vọng về một xã hội công bằng, là dân tộc độc lập, tự do và hạnh phúc. Lý tưởng sống ngày đó là tổ quốc trên hết, mình vì mọi người mọi người vì mình. Còn bây giờ mọi thứ lại dường như đi ngược lại hết. Ai có nhiều quyền người ấy có nhiều lợi ích nhất. Chứ người dân chân lấm tay bùn thì chẳng có gì để tham nhũng.
GS. Nguyễn Đăng Hưng
GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng
Phóng Viên: Thưa ông, điều gì khiến ông cho rằng xã hội hiện nay biến loạn đến mức trầm trọng?
GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng: Hằng ngày trên các trang thông tin đại chúng, đâu đâu cũng có những chuyện cướp của, giết người, vô nhân tính. Cái ác hoành hành khắp nơi, khắp chốn một cách ngang nhiên. Điều đó cho thấy kháng thể của xã hội trong cuộc chiến chống cái xấu cái ác đang bị xuống cấp trầm trọng. Chính bản thân tôi cũng có kinh nghiệm chẳng lành.

Một lần khi đi rút tiền từ ngân hàng, trên đường về bằng xe gắn máy có người cố tình ép sát tôi làm tôi té ngả. Họ là một đám chuyên trấn lột người đi đường gồm 4 thành viên. Người thứ tư thừa lúc tôi đôi co với kẻ gây tai nạn lặng lẽ làm động tác móc ví. Những kẻ côn đồ này đã hành động nhanh chóng trên một đoạn đường đông đúc người đi qua lại. Đó là đoạn đường giữa ngã tư Nguyễn Đình Chiểu và Cách mạng tháng 8 vào lúc hơn 2 giờ chiều chứ không phải đêm hôm khuya khoắt.
Rất nhiều bạn bè tôi cũng từng bị như vậy. Một vị giáo sư Bỉ qua đây dạy, ngày nghỉ ông tranh thủ đi chụp hình kỷ niệm tại sân Tao Đàn. Khi chiếc để camera vừa đặt xuống để mở túi, ông bị giật luôn. Kẻ cướp hành xử ngay chốn đông người, còn vị giáo sự nọ cũng không kịp than vãn và phỉ bác. Ông tự an ủi với tôi rằng “thôi thì cái máy của tôi cũ quá rồi, đây là dịp để mua cái mới”. Một người bạn khác, ra chợ Bến Thành bị móc ví. Ông ấy hới ha hớt hải vì mất hộ chiếu và giấy tờ tùy thân. Được một lúc sau có người vỗ vai nói nhỏ bằng tiếng Anh hẳn hoi, rằng ví của ông đang ở góc bên kia đường. Ông đi đến và thấy ví của mình đó, tiền mất nhưng may mắn là còn giấy tờ. Ông ấy hài hước: “đám ăn cướp Việt Nam văn minh đấy”.
Phóng Viên: Nhưng ở đất nước nào cũng có những chuyện tương tự như vậy thưa ông?
GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng: Ở Châu Âu những năm 1960, 1970 dường như rất ít tệ nạn. Cho tới khi bức tường Berlinsụp đổ, dân Đông Ấu có thể tràn qua các nước Châu Âu và từ đó tệ nạn xuất hiện nhiều hơn. Bởi tệ nạn xã hội thường xuất phát nhiều ở các nước Đông Âu. Các quốc gia ở Đông Âu kinh tế kém phát triển, nền giáo dục cũng chưa cao. Khi sang Tây Âu họ thấy ở đây giàu quá, dân hiền quá, xe đạp để ngoài đường không cần khóa nên họ lấy. Nhưng vấn đề của chúng ta lại khác, tình trạng đến mức trầm trọng khi người ta sẵn sàng giết cha mẹ vì vài trăm ngàn. Hay những hành động côn đồ xảy ra giữa chợ mà không ai phản đối… đó là sự băng hoại về đạo đức.
Phóng Viên: Vậy thưa ông, cái ác bắt đầu đến từ đâu?
GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng: Trộm, cướp… đến từ cuộc sống khó khăn nhưng sự chiếm đoạt của các ác lại nằm ở giáo dục và khi giá trị đạo đức bị hủy hoại, tha hóa rõ ràng. Bởi kinh tế khó khăn thì sau thời gian suy thoái sẽ vực dậy. Địa ốc đóng băng thì có ngày phục hồi. Đồng tiền mất già và từ giá mới sẽ vươn lên. Nhưng nền giáo dục của Việt Nam đang lầm đường lạc lối. Nền giáo dục không tạo được con người có nhân cách, có niềm tin đạo đức, biết sống lương thiện, biết sống thương yêu… Thay vào đó là từ ngay tấm bé trẻ con đã thấy một xã hội vị kỷ, thực dụng, chỉ thấy tiền là chính.
Một chuyện nhỏ thế này, cô bạn tôi kể rằng, con gái mình về nhà bảo mẹ sao không mua quà bánh trung thu đến tặng cô giáo. Nếu cô giáo không tìm cách để hối thúc học sinh phụ huynh phải cung phụng mình thì tại sao đứa trẻ lại lại hỏi mẹ như vậy. Thay vì chúng ta đem ánh trăng vàng, là câu chuyện về chị Hằng nga, chú Cuội để con nít biết mơ mộng sáng tạo thì lại dạy cho chúng về lòng tham muốn vật chất. Đứa trẻ sẽ nghĩ gì về cô của nó và trong tương lai chắc chắn nếu có điều kiện đứa trẻ đó sẽ móc tiền, của bằng địa vị và chỗ đứng của mình. Đây là những chuyện mà khi chúng tôi còn học phổ thông không hề có. Và chính cô giáo kia vì hoàn cảnh xã hội, vì điều kiện kinh tế đã vô tình tiếp tay phá hoại nền giáo dục quốc dân. Đây là không còn là câu chuyện nhỏ mà là một vấn đề trầm trọng. Các em lớn lên trong một môi trường giáo dục như thế, xã hội biến chất, đảo điên như thế. Bởi vậy nên mới có chuyện con giết cha mẹ để có tiền chơi game. Đây là đỉnh điểm của sự bấn loạn rất khó tưởng tượng là có thể đi đến điểm nào tệ hơn nữa.
Khi con người không được bảo vệ

Phóng Viên: Vậy ông có nhận xét gì khi gần đây trên nhiều tờ báo có viết về những hành động “tự xử” của người dân thay vì báo công an?
GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng: Đó là hậu quả phải chờ đợi. Tội phạm không sợ bị trừng trị, không sợ bị lên án, Họ đánh mất lòng tự trọng nên thay vì xấu hổ và lo sợ chúng lại quay ra thách thức xã hội, hành hung những người dám ngăn cản mình. Từ năm 2007 khi ấy tôi tham gia giảng dạy cho lớp cao học khoa quốc tế của Trường đại học Bách Khoa. Trong số đó có một sinh viên luận văn yếu quá nên không đạt điểm. Bởi vậy tôi đề nghị ra các em làm lại để chấm lại. Tuy nhiên trong số đó có một học sinh không chịu làm mà muốn qua môn. Phụ huynh đã đến gặp nhưng tôi từ chối. Tôi bảo tôi chỉ có thể tiếp khi đã thi xong. Nhưng cũng từ đó ngày nào tôi cũng bị mấy cuộc điện thoại dọa giết, dọa đâm xe… Sau một thời gian không chịu nổi tôi báo công an, kèm với các đoạn băng ghi âm cuộc nói chuyện dọa nạt để công an làm rõ. Nhưng kết cục công an có làm hay không tôi không biết nhưng mặc tôi cứ giải trình vụ việc vẫn không dừng lại và ngày càng nhiều cuộc điện thoại hơn.
Sau mấy tháng như vậy tôi cảm thấy rất mệt mỏi và đành tự giải quyết. Hôm ấy có vị giáo sư bạn từ Hà Nội vào tôi đã kể về chuyện này. Sau đó tôi nhờ ông nếu có cuộc điện thoại dọa nạt đến, ông hãy nghe dùm tôi. Ông hãy nói mình là công an từ Hà Nội vào giúp tôi giải quyết sự việc. Và xác định với đầu giây bên kia rằng ông đã ghi lại tất cả các cuộc điện thoại dọa nạt và biết tác giả là ai, địa chỉ ở đâu. Cho nên sắp tới sẽ có những cuộc thăm hỏi từ phía công an. Sau đó bên kia cúp máy và từ đó không bao giờ tôi còn bị làm phiền và dọa giết nữa. Tuy nhiên, cũng mất ròng rã 4 tháng trời. Câu chuyện của tôi tương tự như sự việc vừa qua, người dân Nghệ An đã đốt xe tên trộm chó. Qua những điều này cho thấy công an dần dần xa rời nhiệm vụ chính của mình là bảo vệ người dân lương thiện. Hiện trạng này ngày càng nguy ngập…
Phóng Viên: Nghĩa là lòng tin từ dân bị mất mát thưa ông?
GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng: Đúng vậy, chưa bao giờ lòng tin của người dân mất mát ghê gớm đến thế. Từ anh lái taxi, đến anh đi xe ôm hay người thợ xắt tóc… đều mang tâm trạng lo âu về cuộc sống. Người ta lo không biết mình sẽ sống thế nào đây, thu nhập thế này có đủ sống không. Họ cũng theo dõi báo đài, họ cũng đặt niềm tin vào việc chống tham nhũng của Chính Phủ. Nhưng mọi chuyện dường như lại đâu vào đó. Điều đó cho thấy họ chờ đợi sự thay đổi mà sự thay đổi ở đây không phải thay đổi căn cơ chế độ mà ít ra thay đổi nhân sự. Những người không kiềm chế được tham nhũng không làm được gì với tham nhũng phải được thay thế, nhường chỗ cho những người giỏi hơn với quyết tâm cao hơn, với tinh thần vì dân tỏ rõ nét hơn…
Phóng Viên: Nhưng không phải tất cả mọi câu chuyện đều giống nhau thưa ông?
GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng: Thời điểm Pháp thuộc, đất nước ta bị bóc lột, dân Việt bị bần cùng hóa. Đây là lý do chính nghĩa của cuộc đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc. Hiện thực xã hội lúc đó cũng có thể là thời điểm đen tối nhưng cũng có nhà văn phản tỉnh, trí thức tả chân. Cụ thể như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố trong tác phẩm của họ tố cáo trước dư luận những tội ác của thực dân và sự cùng cực của dân tộc bị trị . Nhưng những cuốn sách ấy được xuất bản, và truyền lại cho hậu thế. Còn bây giờ tôi không thấy những cuốn sách như vậy. Không phải không có những người tài mà những cuốn sách đó khó được in ấn xuất bản một cách chính diện. Người tốt giờ đây phải co cụm lại, im lặng…
Phóng Viên: Nghĩa giá trị và quy luật thiện thắng ác đang bị đảo ngược thưa ông? .
GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng: Đúng, nhưng cái ác hành hoành, người tốt, người có đạo đức, vốn là rường cột của xã hội họ lại phải lui về thúc thủ, bàn quan. Bởi vì nếu can thiệp họ sẽ gặp tai họa, gặp rắc rối. Chúng ta vẫn biết những câu chuyện về những nhà báo viết về chống tiêu cực phải vào tù, chúng ta biết những người viết ca khúc chống Trung Quốc bị bắt. Còn những người làm thất thoát hàng trăm tỷ đồng chẳng bị sao cả, có chăng cũng chỉ đi tù sơ sơ. Điều đó làm xã hội đang đi xuống chứ không phải đi lên. .
Phóng Viên: Nhưng tại sao nhiều người nước ngoài tới Việt Nam lại bảo an ninh ở đây tốt thưa ông?
GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng,
Ở một số nước như Philippin, Indonesia, Pakistan, Thái Lan… thường hay có các phe quá khích hồi giáo, chống phương Tây. Người có đạo Hồi giáo theo phe quá khích oán hận các nước phương Tây vì nhiều lý do lịch sử. Họ tổ chức khủng bố trên bình diện quốc tế, nhất là trong thế giới Hồi giáo. Còn ở Việt Nam chính trị ổn định, Phật giáo hiền hòa, Công giáo cũng vậy nên người nước ngoài tới đây yên tâm là không bị khủng bố. Nhưng chuyện cướp, giật đường phố, bạo lực học đường thì ngày càng trầm trọng.
Nền giáo dục tự hoại
Phóng Viên: Nhưng chúng ta không thể đổ hoàn toàn cho giáo dục. Bởi trong ca dao vẫn dạy “anh em như thể chân tay, thương người như thể thương thân…” Và vẫn còn nhiều tấm gương tốt trong xã hội?
GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng: Hồi cách mạng năm 1789 ở bên Pháp, giáo dục nằm trong tay nhà thờ. Cách mạng thành công, trường học được giải phóng, việc giáo dục trở thành lĩnh vực của thế nhân, chính quyền dân sự. Tuy nhiên, người Công giáo vẫn có có quyền mở lớp riêng cho họ… Những người theo đạo có quyền đi học ở mọi trường lớp và đức tin của những con chiên được nhà nước đảm bảo và tôn trọng. Xin kể một kinh nhgiệm cá nhân mà tôi đã thâu thập tại Bỉ. Tôi là người theo đạo Phật, vợ tôi là người Công Giáo. Các con tôi theo đạo bố nhưng vì trường công giáo rất nghiêm, tôi ghi tên các con theo học tiểu và trung học tại đây. Nhưng không vì thế mà chúng bị phân biệt. Ở trường con tôi đứng đầu lớp về môn học giáo lý công giáo, tuy chúng nó thưa với thầy cô là chúng nó theo đạo Phật. Những nhưng thầy cô ở đây nói rằng: Con tin vào điều gì hãy giữ vừng niềm tin đó. Đằng này chúng ta đưa chính trị vào trường học, nhồi nhét quan điểm một chiều trong trường học. Thay vì khuyến khích yêu thương nâng đỡ nhau để giải quyết các vấn đề thì có một thời ta lại khuyến khích đấu tranh để sống còn. Mà đấu tranh giai cấp là tiêu diệt kẻ thù, tiêu diệt thế lực thù địch… Thói ghen ghét, đố kỵ ở đâu cũng có, nhưng tôi có cảm nhận tại ViệtNamngày nay, những tật xấu này có phần gay gắt một cách không bình thường.
Phóng Viên: Nghĩa là dù thế nào con người cũng phải sống với một niềm tin thưa ông?
GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng: Vâng tôi có cảm tưởng niềm tin ở con người, ở tổ chức xã hội bị đánh mất. Khoảng trống không có gì bồi đắp nhất là khi lòng tin ở tâm linh bị phá vỡ hay không được vun xén nữa. Hậu quả nhãn tiền là người ta ngày càng coi trọng vật chất hơn là những giá trị tinh thần. Đã có một thời, không xa lắm, những giá trị tâm linh, tôn giáo bất cứ từ xu hướng nào bị bài bác. Thái độ vị kỹ, thực dụng trở thành bao trùm. Phạm trù thần linh phai mờ trong tâm thức con người và dần dần lòng tham lam của thân xác, của dục vọng sẽ không có gì ngăn cản nữa. Lương tâm con người chìm xuống, cái ác lên ngôi. Chẳng những kỷ cương xã hội bị phá vỡ mà luân thường đạo lý gia đình tan biến. Đây chính là hậu quả phải chờ đợi của việc đánh mất niềm tin, xoá bỏ đức tin…
Phóng Viên: Nghĩa vấn đề nằm từ gốc chứ không phải ngọn thưa ông?
GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng: Đúng thế. Một một lớp học tiểu học, sự giàu nghèo thể hiện ngay trong ăn mặc, trong những tiệc sinh nhật của từng đứa trẻ. Những đứa trẻ con nhà giàu có nếu không được dạy phải thương bạn, tôn trọng bạn, chúng sẽ ra sao khi trưởng thành. Những đứa trẻ nghèo khó luôn tự hỏi tại mẹ sao không mua cho con áo đẹp, tại sao mẹ không mua cho con cặp đẹp. Tất cả những cái đó nếu không được giải tỏa bằng các bài học thường trực hàng ngày thì lâu dần sẽ ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của một đời người. Giáo dục thường thức, giáo dục công dân đang có vấn đề. Tuổi trẻ xao nhãn học văn, ngán gẫm học sử vì bài học, vì sách giaó khoa quá ư cứng nhắc, một chiều, không hấp dẫn, không sinh động. Giới trẻ ngày nay không biết sử ta, nhưng khi mở ti vi lên, khắp mọi kênh chiếu toàn phim Trung Quốc. Tình trạng này đang dẫn đến tai hoạ trước mắt là tuổi trẻ ta hiểu biết lịch sử Trung Quốc hơn là lịch sử ViệtNam. Đó là điều không thể chấp nhận được.
Phóng Viên: Bởi vậy ông cho rằng xã hội hiện nay giống một câu chuyện cổ tích mà kết thúc là thảm họa?
GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng: Tôi nói có ngoa đâu. Ba tôi, những người cùng thời với ông cả đời đi theo cách mạng. Trên đôi vai của họ là những vì sao, là khát vọng về một xã hội công bằng, là dân tộc độc lập, tự do và hạnh phúc. Lý tưởng sống ngày đó là tổ quốc trên hết, mình vì mọi người mọi người vì mình. Còn bây giờ mọi thứ lại dường như đi ngược lại hết. Ai có nhiều quyền người ấy có nhiều lợi ích nhất. Chứ người dân chân lấm tay bùn thì chẳng có gì để tham nhũng.
Phóng Viên: Vậy theo ông, bài học trường trực trong nhà trường phải nói về yêu thương?
GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng: Đúng vậy, ở trường hiện nay tôi thấy ít có chủ trương dạy con thương yêu cha mẹ. Chỉ thấy dạy yêu tổ quốc nhưng người ViệtNam cũng như các dân tộc khác, căn bản là gia đình. Trẻ con phải được dạy yêu thương cái nôi là yêu cha mẹ, yêu anh em, yêu ông bà rồi mới yêu cái cây đa, yêu cái đình làng, cánh đồng lúa chin, con sông nho nhỏ uốn quanh làng quê, con đường phố rợp bóng mát cây xanh, rồi mới đến yêu tổ quốc với tất cả những yếu tố văn hoá, lịch sử đi theo: Tuyên ngôn độc lập của Lý Thường Kiệt trên sông Như Nguyệt, Bình ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi, Truyện Kiều của Nguyễn Du…. Vì với trẻ con tổ quốc là điều gì rất mông lung. 5, 6 tuổi biết thế nào là tình yêu tổ quốc. Tuổi này nó cần bàn tay ấm áp của mẹ, sự vuốt ve của cha, sự nâng đỡ của anh và bài học giáo dục mỗi ngày ở nhà, ở trường cũng phải thường xuyên như vậy. Nhưng dường như bài học thương yêu, đề cao những tâm hồn cao thượng, tình tương thân tương ái, nhiễu điều phủ lấy giá gương, thương người như thể thương thân, đã bị làm cho mờ nhạt từ lâu. Một môi trường như vậy mà bạo lực không xuất hiện mới là điều lạ.
Yên Trang (thực hiện)
Nguyễn Đăng Hưng

Thursday, March 7, 2019

NHẶT NẮNG SÂN TRƯỜNG
Phan Thị Ngôn Ngữ

Cổng trường xưa đã đóng tự bao giờ
sao sáng nay hồn tôi hồi chuông đổ
có nhịp guốc khua đi về đâu đó
đôi tà áo bay trắng nẻo đường chiều
Em về đâu – chiếc bóng nhỏ liêu xiêu
chân thấp cao qua thời tay bồng bế
chắc hẳn đang ngồi đếm đời dâu bể
quên giờ ra chơi nhặt nắng sân trường
quên ly cà phế đắng đậm mùi hương
những đêm mùa thi tập tành uống vội
chắc quên chiếc lá thuộc bài vô tội
nằm chết khô giữa trang sách vô tình
Em về đâu – đang cập bến hay lênh đênh
chắc cũng chẳng còn bao điều để nhớ
thuở học trò – giờ trả bài nín thở
hàm số – thập phân …con toán rối bời
phấn trắng bảng đen…mưa ướt sân chơi
ướt trang sử đã bao đời chìm nổi
đường Chiêm quốc bụi mù xa vời vợi
bước Huyền Trân rong ruổi mấy dặm ngàn
con chim nào nhớ bạn đứng hót khan
kẻng chưa đánh hồn lang thang biển gọi
quyển lưu bút chuyền tay nhau viết vội
sợ tiếng ve kêu rụng nhánh phượng hồng
sợ mốt mai dăm bảy đứa lấy chồng
bỏ trường lớp – bỏ một thời thơ dại
bỏ phố phường – những con đường trầm ngãi
tan học về chân lận đận theo chân
nắn nót bài thơ lỗi luật sai vần
nửa muốn trao nửa ngại ngần cất giữ
nửa hẹn lòng nửa đắn đo do dự
vành nón nghiêng con mắt giả lơ nhìn
Em về đâu – đầu sóng hay cuối ghềnh
cổng trường cũ hẳn vẫn muôn lần đợi
hãy nói với nhau bao điều chưa nói
giữ kín làm gì chỉ tội lòng đau
giữ kín làm gì thêm tội đời sau
mai với mốt – tháng năm rồi sẽ hết
mai với mốt – tháng năm đời mỏi mệt
tuổi học trò như gió thoảng mây bay
Phan Thị Ngôn Ngữ

TÌNH YÊU TRONG LỬA KHÓI
Ngô Quốc Sĩ
         
          Tình yêu và chiến tranh là đề tài rất quen thuộc trong thi ca Việt Nam. Đoàn Thị Điểm với Chinh Phụ Ngâm, Lê Thương với Hòn Vọng Phu đã từng trải vào thơ nhạc tính cách bi đát của chiến tranh, nói lên thân phận hẩm hiu của người đàn bà thời chiến với bao nỗi bất hạnh chất ngất.Tính cách bi đát đó cũng đã thấm sâu trong dòng nhạc Anh Bằng, Nhật Ngân, dòng thơ Hữu Loan, Văn Nguyên Dưỡng..Riêng Phạm Tín An Ninh đã được biết đến như một nhà văn tên tuổi. Nhưng qủa là bất ngờ thú vị khi bắt gặp bài thơ “O Huế” của anh, thổ lộ mối tình chân chất thơ mộng tuổi học trò, rồi kết thúc trong ngậm ngùi chua xót vì lửa khói chiến tranh.
          Vào thơ, tác giả đã tự thú nhận mình thuộc nòi tình, đã biết yêu và yêu say đắm từ tuổi mới dậy thì, khi chữ nghĩa còn nguệch ngoạc, bước chân còn ngu ngơ và tâm hồn còn giấy trắng:
                   Tôi phải lòng O, khi O còn đệ lục
                   Nón trắng, áo dài – trắng cả mùa thu
                   O đạp xe đi hồn nhiên quá đỗi
                   Cuốn hồn tôi theo vào cõi sa mù
          Cũng chẳng lấy gì làm lạ. Tôi phải lòng O không hẳn vì tôi lãng mạn, mà vì O qúa gợi cảm làm tôi không trói được con tim:
                   Cũng tại vì O mà tôi biết yêu
                   Tập viết thư tình từ năm đệ ngũ
                   Đọc thư tôi làm sao O hiểu
                   Cái nghĩa yêu đương mù mịt quá chừng
          Nhất là tại O là cô gái Huế, đa tình sầu mộng, làm bao chàng trai ngẩn ngơ điêu đứng “Học trò trong Quảng ra thi, thấy cô gái Huế chân đi rụng rời..”. Thế là dễ hiểu! Cậu học sinh đệ ngũ Võ Tánh đã “trồng cây si” trước cổng Nữ Trung Học chỉ vì tà áo dài, tha thướt, chiếc nón trắng nên thơ đã cuốn anh vào sa mù:
                   O sinh ra tận mô ngoài Huế
                   Hà cớ gì trôi dạt tới Nhatrang
                   Để một thằng “Võ Tánh” phải lang thang
                   Đem cây si trồng trước sân trường Nữ
          Thật đẹp như mơ và ngây ngất như thơ, mối tình học trò thuở tóc em đuôi gà mới chớm. Nhưng oái oăm thay! Hoàn cảnh chiến tranh đã chia lìa đôi ta mỗi người một nẻo. Anh khoác áo chiến binh, gót giày lấm bụi quân hành, nay đây mai đó, còn em vẫn vùi đầu vào sách vở, nâng niu mối tình trong trắng thiên thần:
                   Khi O biết yêu thì tôi đi lính
                   Lời tỏ tình chưa nói trọn câu
                   Đời lính chiến rày đây mai đó
                   Sáng ở bưng biền – tối cuối rừng sâu
          Lúc này, những lá thư tình O gửi đã làm người chiến sĩ mềm lòng, nhưng thân trai thời chiến biết làm sao khi đất nước ngả nghiêng? Thôi đành ôm súng mà nhớ về sân trường, tưởng tuợng có người yêu còn đứng đợi dưới gốc cây bàng lá đỏ:
                   Những chiều dừng quân đọc thư O gởi
                   Quay quắt nhớ về một thuở Nha Trang
                   Sân trường xưa – con đường cũ – gốc cây bàng
                   O đứng đó chờ gã khờ đến đón
          Thế là cách ngăn! Anh tiền tuyến em hậu phương. Từ rừng núi xa xôi, anh vẫn nhớ về em trên từng bước quân hành qua những đồi sim tím, đồng cảm với Hữu Loan ngày nào:  Chiều hành quân qua những đồi sim.Những đồi sim, những đồi sim, đồi tím hoa sim. Tím cả chiều hoang biền biệt..”
                   Rồi mấy năm sau O trở thành người lớn
                   Tôi vẫn là thằng lính chiến ngày xưa
                   Vẫn núi rừng – vẫn sáng nắng chiều mưa
                   Vẫn da diết nhớ O qua bao mùa sim tím nở
          Nhớ thì vẫn nhớ, nhưng xa mặt mãi cũng phải cách lòng. Chắng trách em, hay trách hoàn cảnh trái ngang. Có trách là trách chính mình đã để cho con tim rung động qúa sớm:
                   Còn O, trong giảng đường mô nớ
                   Chắc bận học hành nên chẳng còn nhớ đến tôi
                   Tôi âm thầm tự trách chính mình thôi
                   Ai bảo mới nhỏ xíu mà theo O trồng cây si chi rứa !
          Bi đát nhất là khi chiến tranh chấm dứt, tưởng ta sẽ gặp lại O tay bắt mặt mừng. Ngờ đâu trời chẳng chiều người và cuộc đời cũng qúa bi thảm. Chúng ta đã lạc mất nhau. Em đã qua cầu, vui duyên mới. Còn anh làm kẻ bại trận, bước vô tù với bao cực hình nhục nhã, gặm nhấm hờn căm như hổ nhớ rừng.
                   Hết chiến tranh ta lạc mất nhau
                   O cùng ai đó bước qua cầu
                   Tôi bất ngờ thành người bại trận
                   Bước vô tù theo cuộc biển dâu
          Vô tù theo cuộc biển dâu, rồi ra tù, trôi giạt xứ người, mang thân phận lưu vong cũng là tiếp tục theo cuộc biển dâu. Ngày nào chinh phụ đứng cuối sông Tương mà nhớ về chinh phu từ đầu sông Tương. Tuy ngăn cách đầu nguồn cuối sông, vẫn được uống chung dòng nước như thể dòng thương: “Quân tại Tương Giang đầu, thiếp tại Tương Giang vĩ, tương cố bất tương kiến, đồng ẩm Tương Giang Thủy”. Ở đây, tác giả và người yêu đã biệt tích, cách ngăn đôi bờ đại dương, đâu được diễm phúc uống chung dòng nước! Chàng chỉ còn biết mơ về O Huế và thầm ước vu vơ:
                   Đúng hai mươi năm, tôi trôi giạt xứ người
                   Còn O lưu lạc nơi nào chẳng biết
                   NhaTrang xưa giờ trùng khơi cách biệt
                   Dưới cây bàng – có còn ai đứng đợi để về thăm ?
          Tính đến nay, đã trên 40 năm cách biệt, dò tìm mãi vẫn không một dấu tích thân quen. Tuy tìm mà không gặp, nhưng lòng ta vẫn mãi mãi bên em, em vẫn bên ta như chiếc bóng còn mãi sau khi đã vĩnh viễn mất nhau! Nếu Văn Nguyên Dưỡng luôn ôm ấp chiếc áo khinh cừu như thể ấp ủ bóng hình người yêu thuở ấy, thì Phạm Tín An Ninh cũng mãi mãi ghì siết bóng hình O Huế, càng muốn quên lại càng nhớ ray rứt:
                   Thời gian qua – đã hơn bốn mươi năm
                   Mà hình bóng O vẫn còn theo tôi mãi
                   NhaTrang ơi – xin trả lại tôi một thời thơ dại
                   Để tôi khỏi phải chạy hoài theo một bóng mây bay
          Vẫn biết chạy hoài đuổi theo một bóng mây bay là mộng tưởng, là ảo ảnh, nhưng đời là thế. Tính cách bi đát của tình yêu thời chiến là thế! Trần Quảng Nam “mười năm cách biệt tình đành quên lãng”. Phạm Tín An Ninh trên 40 năm không gặp, nhưng tình vẫn đậm đà. Hình ảnh O Huế vẫn còn canh cánh bên lòng. Tìm em như thể tìm chim! Từ Na Uy về Anaheim, Houston, rồi San Jose, tìm em trong các kỳ hội ngộ, mà O Huế vẫn biệt tăm! Không biết thời gian còn lại có ưu ái cho tác giả gặp lại người xưa để khỏi chạy hoài không? Dù sao, cũng chúc Pham Tín An Ninh một lần kỳ ngộ nhiệm mầu để ôn lại tấm chân tình trong lửa khói…